Gỡ nút thắt trong đào tạo nghệ thuật

Phạm Sỹ (thực hiện) 17/03/2023 07:00

Việc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đề xuất xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân được tính hệ số để phù hợp ngành nghề đào tạo khiến dư luận hết sức quan tâm. Từ câu chuyện này bộc lộ những bất cập trong lĩnh vực đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật thời gian qua. Phóng viên Báo Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn.

PV: Ông có đánh giá thế nào về đề xuất mới đây của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội về xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân được tính hệ số để phù hợp ngành nghề đào tạo?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Thời gian vừa qua, trong dư luận có phản ứng với chất lượng luận án tiến sĩ ở một số cơ sở đào tạo. Để có thông tin chính xác, toàn diện về vấn đề này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tiến hành một đợt giám sát diện rộng với một số cơ sở đào tạo tiến sĩ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, để từ đó có một cái nhìn khách quan hơn về thực trạng đào tạo tiến sĩ ở nước ta, trên cơ sở đó, có ý kiến đối với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước đối với bậc học này. Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội là một trong số các cơ sở được khảo sát, và những thông tin mà báo chí nêu trong thời gian vừa qua cũng phần nào phản ánh những mặt tích cực, đặc biệt là những đặc thù, hạn chế trong đào tạo tiến sĩ đối với ngành nghệ thuật nói chung, trong đó có lĩnh vực sân khấu – điện ảnh nói riêng. Đề xuất tính NSND tương đương tiến sĩ, dù có những tranh luận, thậm chí là phản đối gay gắt, vẫn là những ý kiến đáng cân nhắc, đặc biệt trong bối cảnh của sự phát triển văn hóa nghệ thuật ở nước ta hiện nay, cũng như đặc thù của lĩnh vực đào tạo tiến sĩ nghệ thuật.

Ảnh minh họa

Theo ông, cần làm gì để gỡ khó cho các trường đào tạo nghệ thuật trong thời gian tới?

- Dù đã có những tháo gỡ từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng tôi vẫn cho rằng, học vị tiến sĩ và danh hiệu NSND có sự phân biệt khá rạch ròi giữa lý thuyết và thực hành. Nếu như để đạt học vị tiến sĩ đòi hỏi nghiên cứu sinh phải biết cách sử dụng lý thuyết, phương pháp nghiên cứu để giải quyết những vấn đề liên quan đến thực tiễn nghệ thuật thì danh hiệu NSND đòi hỏi tài năng thực hành và cống hiến của người nghệ sĩ. Điều này sẽ tuyệt vời nếu tiến sĩ biết kết hợp cả lý thuyết và thực hành nhưng không phải lúc nào điều này cũng xảy ra. Có những tiến sĩ rất giỏi chuyên môn nhưng thực hành thì chỉ ở mức độ vừa phải; ngược lại, có những NSND rất giỏi thực hành nhưng lại hạn chế khi nói về lý thuyết. Chưa kể những đòi hỏi khác về ngoại ngữ, công bố khoa học... Vì thế, việc quy đổi hiện nay chỉ nên mang tính tạm thời. Chúng ta cần phải hướng đến mặt bằng học thuật chung với thế giới, ở đó, đào tạo tiến sĩ phải là những người có học vị tiến sĩ, có học hàm PGS, GS. Đào tạo tiến sĩ ngành nghệ thuật cũng không phải nhận những ánh mắt e dè từ xã hội về chất lượng của mình. Muốn làm như vậy, trước hết chúng ta cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của đào tạo tiến sĩ ngành nghệ thuật. Đây là một lĩnh vực rất quan trọng và hết sức đặc thù, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta mong muốn nghệ thuật, cũng như văn hóa đóng vai trò tích cực hơn nữa trong quá trình phát triển bền vững đất nước, khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh hạnh phúc cho dân tộc. Khi nhận thức đầy đủ, chúng ta mới quan tâm đầu tư cho đào tạo tiến sĩ ngành nghệ thuật bằng những hành động thiết thực. Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo tiến sĩ ngành nghệ thuật. Tăng cường gửi nguồn nhân lực đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài theo các đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Bộ VHTTDL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có chế độ đãi ngộ phù hợp để khuyến khích, thu hút, giữ chân người tài năng, trong đó có các tiến sĩ làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thưa ông, NSND, NSƯT là những người dày dạn kinh nghiệm về nghề. Đặc biệt, đây là một trong những đội ngũ có những đóng góp rất lớn đối với việc đào tạo đội ngũ kế cận. Vậy theo ông, các nhà trường cần làm gì để khai thác tài năng của họ?

- Tài năng của các NSND, NSƯT là vốn quý của dân tộc, vì vậy sử dụng tài năng của họ cũng chính là cách chúng ta làm tốt hơn nhiệm vụ phát triển nghệ thuật. Để khai thác tài năng của NSND, NSƯT, chúng ta nên mời họ tham gia vào những công việc liên quan đến tài năng của họ. Khi các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép, họ có thể tham gia vào những môn học có phần kiến thức thiên về kỹ năng biểu diễn, làm thành viên của hội đồng trường... Các trường cũng nên tạo điều kiện để các NSND, NSƯT có thể học thạc sĩ, tiến sĩ để đáp ứng đầy đủ yêu cầu như các ngành học khác. Trong các quy chế của trường, các hoạt động của NSND, NSƯT cũng nên được làm rõ để tránh những thắc mắc không cần thiết có thể xảy ra về sau.

Trân trọng cảm ơn ông!

GS.TS. Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nêu quan điểm, chính sách cần phải linh hoạt, mềm dẻo đối với đào tạo ở lĩnh vực nghệ thuật. Nếu cứng nhắc sẽ không thể đào tạo được, bởi ở đây không thuần túy đào tạo nhà nghiên cứu mà là đào tạo những nhà khoa học thấu hiểu về nghệ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ nút thắt trong đào tạo nghệ thuật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO