Gỡ 'nút thắt' về đất đai

H.Vũ 09/05/2022 07:20

Hội nghị Trung ương 5 cho ý kiến về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, nhiều ý kiến hy vọng Trung ương sẽ có những chủ trương, quyết sách lớn để tháo gỡ những “nút thắt” về đất đai.

Nhiều tranh chấp liên quan đến đất đai kéo dài. Ảnh minh họa.

Gia tăng khiếu nại, tố cáo về đất đai

Trong thời gian qua, có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Báo cáo Dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4 cho thấy, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có tăng hơn so với cùng kỳ, có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự, trong đó các khiếu nại tố cáo về đất đai chiếm phần lớn.

Những bức thiết từ thực tế đòi hỏi cần có những đổi mới chính sách pháp luật về lĩnh vực này, trong đó là sửa đổi toàn diện Luật Đất đai 2013. Sau nhiều lần thảo luận, “nâng lên, đặt xuống”, tại kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã “chốt” sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Đất đai.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân: “Đến nay cơ bản đã xây dựng và hoàn thiện các dự thảo luật, tờ trình, rà soát các văn bản pháp luật có liên quan, báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013, báo cáo đánh giá tác động các chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên việc xây dựng những nội dung cần đổi mới chính sách pháp luật về đất đai cần thiết có nghị quyết của Trung ương trong việc tổng kết để làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án luật, và là căn cứ quan trọng trong công tác lấy ý kiến, thẩm định và trình Quốc hội”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp?...

“Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013? Đâu là do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn? Và đâu là nguyên nhân do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm?” - Tổng Bí thư nêu rõ.

Sớm gỡ “nút thắt”

Theo dõi Hội nghị Trung ương 5 đang diễn ra, cử tri Nguyễn Quyết Thắng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đất đai là lĩnh vực nảy sinh ra tham nhũng nhiều nhất, nhiều tài sản nhà đất đã được chuyển nhượng, sang tên cho người khác để tẩu tán, trong khi việc thu hồi tài sản tham nhũng đang rất khó khăn.

Do đó trong chính sách đất đai về đền bù, thu hồi đất để phát triển kinh tế làm sao cho hợp lý, không gây thiệt thòi cho người dân. Trong thu hồi, đền bù phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

“Đặc biệt đối với đất nông nghiệp cần có chính sách hợp lý. Có tình trạng đất để hoang hóa, gây lãng phí, trong khi nhiều nơi không có đất để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Do đó đối với hộ không sản xuất mà cho thuê đất thì thuế đất nông nghiệp phải khác với hộ đang sản xuất, chỉ nên giảm thuế đất đối với hộ đang sản xuất” - ông Thắng nói.

Luật sư Nguyễn Hữu Danh - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam nêu lên bất cập, theo quy định, giá đền bù đất sẽ theo thị trường nhưng giá thị trường là giá gì thì lại không có định nghĩa rõ ràng.

“Thị trường nếu không biến động thì giá vẫn thế. Nhưng khi mở một con đường, có quy hoạch, hay thông tin địa phương sắp lên quận, thành phố thì giá đất lại “sốt”. Bởi vậy, trong việc lấy đất làm dự án, tốt nhất chúng ta nên lấy ý kiến của dân về giá đất tại khu vực đó. Còn giá áp theo giá đất mặt bằng chung của khu vực xung quanh. Có dự án 5 năm sau mới triển khai, và bồi thường thì lại áp theo giá cũ nên người dân mới phản ứng” - ông Danh nêu vấn đề.

Luật Đất đai được coi là “gốc” của nhiều luật. Những quyết sách lớn về đất đai đang được cử tri và nhân dân ngóng chờ Trung ương quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 lần này. Và không phải ngẫu nhiên, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề sửa đổi Luật Đất đai luôn được cử tri phản ánh tới các đoàn ĐBQH. Nó là đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ 'nút thắt' về đất đai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO