Gỡ vướng cho nhà ở xã hội

Thanh Giang 01/11/2022 07:00

Ông Trương Trọng Nghĩa – đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng: “Đến thời điểm hiện nay nhà ở xã hội của thành phố vẫn rất khan hiếm, trong khi nhu cầu khá cao”. Hiện nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục kiến nghị cần sớm tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia.

Trong khi TPHCM chậm phát triển nhà ở giá rẻ thì các tỉnh lân cận lại khá thành công với mô hình nhà ở này.

Nhà ở giá rẻ lép vế

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) khẳng định: “Thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng lệch pha phân khúc thị trường, thừa phân khúc nhà ở cao cấp và thiếu nhà ở vừa túi tiền”. Theo ông Châu, HoREA nhận thấy, từ năm 2018 đến nay đã xuất hiện tình trạng lệch pha cung - cầu, sụt giảm nguồn cung dự án dẫn đến sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền. Đơn cử, năm 2019 chỉ bằng 53,6% năm 2017; năm 2020 bằng 39,2%; năm 2021 nguồn cung tiếp tục giảm, chỉ có 14.443 căn nhà, chỉ bằng 33,6%. Riêng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động 9 tháng đầu năm 2022, thành phố đã khởi công xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân.

Ông Châu cho biết, nhà ở giá rẻ vẫn khan hiếm trong khi nhu cầu về phân khúc này ở TPHCM lại quá lớn, TPHCM có 122.111 công chức, viên chức nhưng mới chỉ có hơn 5.000 cán bộ được hỗ trợ vay ưu đãi với lãi suất 4,7%/năm trong 20 năm để mua nhà. Cùng với đó, có khoảng 3 triệu người nhập cư, chủ yếu là công nhân lao động mà phần lớn muốn thuê nhà ở xã hội, hoặc phòng trọ. Ngoài ra, 285.000 công nhân tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng chỉ có 15% được thuê chỗ ở tại các nhà lưu trú công nhân (chưa bao gồm 95.000 công nhân các cụm công nghiệp).

Trong khi nhà ở giá rẻ đang dần vắng bóng trên thị trường thì phân khúc nhà ở tầm trung và cao cấp lại chiếm ưu thế, đặc biệt là nhà ở cao cấp. Cụ thể, năm 2019 có 15.479 căn nhà cao cấp, chiếm 67,1%; năm 2020 có 7.114 căn nhà cao cấp, chiếm 42,1%; năm 2021 có 10.404 căn nhà cao cấp, chiếm 72%. Riêng 9 tháng đầu năm 2022 có 9.305 căn nhà cao cấp, chiếm đến 80,2%.

Phải gỡ rào cản thủ tục

Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho hay, dù nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn sau luôn cao hơn trước, thế nhưng, số lượng căn hộ hoàn thành chưa đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở của các nhóm đối tượng người thu nhập thấp. Dự kiến, trong giai đoạn 2021 - 2025 thành phố sẽ xây dựng 30.500 căn nhà ở xã hội, 4.500 phòng cho nhà lưu trú công nhân. Giai đoạn 2026 – 2030, các con số này sẽ tăng tương ứng là 50.000 căn hội và nhà lưu trú công nhân dự kiến sẽ là 8.000 phòng.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, việc thực hiện các dự án nhà ở giá rẻ có một số khó khăn nhất định. Ngoài những thủ tục đầu tư khá phức tạp còn có thêm những thủ tục thẩm định giá bán, thuê mua nhà ở xã hội, xác định đối tượng mua,... TS. Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam nhận xét, các doanh nghiệp đã sẵn sàng dành quỹ đất sạch, nguồn vốn để xây dựng nhà ở giá rẻ, thậm chí chấp nhận lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay khi triển khai dự án lại chính là các vấn đề pháp lý.

Theo nhận định của một số chủ đầu tư, nhà ở giá rẻ có nhiều điểm vướng chưa được giải quyết như, chưa được vay ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%; chưa được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp. Đặc biệt, quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân lại rất rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Để phát triển nhà ở giá rẻ hiệu quả hơn, vấn đề về quỹ đất, vốn, thủ tục hành chính được nhiều người quan tâm. Ông Lê Hoàng Châu đề nghị, cần tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội để động viên doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện dự án. Thực hiện đấu thầu các khu đất công được quy hoạch làm nhà ở xã hội để có nhiều hơn các dự án nhà ở xã hội được phê duyệt để sớm triển khai thực hiện. Về nguồn vốn, cần bố trí vốn ưu đãi nhà ở xã hội trong kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có nguồn “vốn mồi” thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn lao động TPHCM, đối với công nhân ngành may mặc thì thu nhập bình quân khoảng 6,8 triệu đồng/tháng. Cũng theo khảo sát này, có đến 41% công nhân lao động cho biết không đủ sống; có 15,8% cho biết vừa đủ sống; có 22,3% cho biết có dư chút ít và có 21,9% cho biết có dư khá. Như vậy, có đến khoảng 56,8% công nhân lao động có thu nhập rất thấp và trên 60% công nhân lao động nhập cư chỉ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, phòng trọ để sau một thời gian 10-15 năm làm việc tích lũy được một số vốn rồi trở về quê.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ vướng cho nhà ở xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO