Gỡ vướng giao thương cho nông sản

Tâm Như - Minh Long 25/10/2021 06:05

Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Giao thương khó khăn khiến nhiều mặt hàng tồn đọng với khối lượng lớn, giá giảm sâu, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao. Đó là nghịch lý cần phải tháo gỡ.

Nghịch lý trong tiêu thụ nông sản

Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn Covid-19 của Chính phủ đánh dấu bước chuyển lớn trong tư duy, quan điểm chống dịch của Việt Nam, từ “Zero Covid thành “thích ứng an toàn với Covid-19” và được thống nhất trong cả nước. Theo tinh thần của Nghị quyết, các địa phương không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất và đi lại của người dân. Vậy nhưng, trên thực tế một số địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm.

Theo phản ánh, nhiều địa phương vẫn đang kiểm soát việc đi lại theo hướng mỗi nơi một kiểu. Đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, việc lưu thông, vận chuyển hàng hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản và lương thực thực phẩm cơ bản chưa thuận lợi.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An thông tin, dù những bất cập trong kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 đã được khắc phục một phần, nhưng nhìn chung tiêu thụ nông sản trên địa bàn vẫn còn khó khăn. Chuỗi tiêu thụ nhiều loại nông sản có hiện tượng đứt gãy cục bộ, nhất là đối với hàng hoá do người dân sản xuất riêng lẻ, tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối. Thêm vào đó, chi phí lưu thông hàng hóa tăng 3-4 lần so với trước khi có dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng nông dân khó tìm đầu ra và phải bán nông sản với giá rất thấp nhưng người mua lại phải trả với giá rất cao.

Tại Vĩnh Long thời điểm này, gần 45 tấn nhãn đang thu hoạch, người dân như ngồi trên đống lửa do thương lái ít đến mua. Nguyên nhân do dịch khiến vận chuyển hàng hóa bị ách tắc, thiếu hụt nhân công, tiểu thương, các đơn vị thu mua ngại di chuyển do phải qua nhiều chốt chặn kiểm soát và tài xế xe tải phải thực hiện test nhanh Covid-19 và chỉ có hiệu lực trong vòng 72h.

Điển hình nhất của bất cập này là giá thịt lợn. Giá lợn hơi chỉ 30-35.000 đồng/kg. Nhưng người tiêu dùng phải mua với giá 90.000-120.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, lợn từ các địa phương về Hà Nội vẫn phải “gánh” các loại phí trong vận chuyển cao, điển hình như chi phí xét nghiệm của lái xe, giá xăng dầu cao…

Kết quả khảo sát tại các chợ dân sinh ở Hà Nội cũng tương tự, giá thịt lợn dao động từ 90 ngàn đồng đến 120 ngàn đồng kg tùy từng loại. Tại chợ Trung Kính (quận Cầu Giấy), chị Nguyễn Thị Mơ tiểu thương cho biết, dù giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt lợn móc hàm các tiểu thương nhỏ lẻ nhập về vẫn cao, vì vậy, giá bán phải cao mới có lãi.

Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và bán lẻ, có như vậy nông dân và người tiêu dùng mới được hưởng lợi. Ảnh: Quang Vinh.

Mở rộng kết nối, thúc đẩy giao thương

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội, giải pháp tối ưu nhất lúc này là sớm lưu thông hàng hóa, kết nối cung – cầu nông sản.

“Hà Nội đã ký kết phối hợp với 40 tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam để cung cấp sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, thời gian qua, có thời điểm các chuỗi cung cấp hàng hóa bị gián đoạn, đứt gãy do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng đảm bảo yêu cầu trong tình hình mới là nhiệm vụ cấp bách” – bà Lan nhấn mạnh.

Ngoài ra, trên hệ thống phân phối vẫn còn nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, tiêu chí về số lượng, sản lượng, chất lượng cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, số lượng những sản phẩm mang tính vùng miền, sản phẩm OCOP còn rất ít nên việc vận chuyển, tạo đà xuất khẩu vẫn còn bị hạn chế.

Phản ánh về thực trạng tiêu thụ, kết nối cung – cầu nông sản, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (chủ hệ thống siêu thị Nutri Mart) cho rằng, trong kết nối, tiêu thụ nông sản, công tác chỉ đạo của các cơ quan ban ngành rất “nóng” nhưng dưới các địa phương lại rất “nguội”, qua đó làm chậm khâu vận chuyển, chào bán sản phẩm ra quốc tế.

Tại diễn đàn “Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố” mới đây, một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, nhiều địa phương có hiện tượng dư thừa, ùn ứ nông sản trong khi không ít nhà máy, doanh nghiệp lại thiếu nguyên liệu. Các nhà thu mua không đủ dữ liệu thông tin về các mặt hàng nông sản, sản lượng, thời điểm thu hoạch, địa điểm, tiêu chuẩn chất lượng, đầu mối cung cấp để liên hệ thu mua. Do đó, về lâu dài các địa phương cần có sự liên kết vùng để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, không để xảy ra tình trạng chỗ thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu.

Để các doanh nghiệp và người sản xuất sớm hồi phục, đại diện Tổng Công ty thương mại Hà Nội Hapro cũng cho rằng cần tạo điều kiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa thông suốt trong bối cảnh dịch bệnh. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác quảng bá các thương hiệu nông sản và sản phẩm OCOP; Xây dựng sàn giao dịch nông sản, hỗ trợ liên kết trao đổi thông tin, tăng tiêu thụ nông sản, thủy sản của các địa phương trên nền tảng thương mại điện tử; Các nhà phân phối, bán lẻ hiện đại xây dựng những gian hàng OCOP vùng miền đặc trưng tại các vị trí thuận lợi để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận.

Nền tảng thương mại điện tử là xu thế tất yếu. Do vậy, cần có sự liên kết, tư vấn từ nhà sản xuất với nhà bán lẻ nhằm nâng giá trị thương hiệu sản phẩm cũng như thương hiệu nhà phân phối đối với người tiêu dùng - một số ý kiến chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Cần sự đầu tư đồng bộ

Có thể thấy, sau cơn bùng dịch thứ tư trong nước, cũng như nhiều ngành hàng khác, ngành nông nghiệp đã cảm nhận rõ sức ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh lên doanh thu và lợi nhuận, cũng như nhìn thấy được những điểm yếu của khâu phân phối, lưu thông, tiêu thụ… Dịch bệnh gây ra nhiều thách thức nhưng thực chất cũng là cơ hội để người nông dân nhận thấy tầm quan trọng của việc chủ động xây dựng phương án sản xuất, tiêu thụ, thu hoạch và vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra là các phương thức liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nhất là khai thác thị trường trong nước. Nói như Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn thì chúng ta đã rút ra bài học rất lớn về khai thác thị trường nội địa khi một số mặt hàng nông sản bị ùn ứ do đại dịch.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa dịp cuối năm là việc ai cũng biết cần phải làm ngay. Song để hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển nông sản, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp thì cần sự đầu tư đồng bộ và chiến lược dài hạn của ngành chức năng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Tiếp tục tháo gỡ rào cản

Cùng với việc tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản Bộ sẽ tiếp tục tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản; đồng thời xây dựng các giải pháp khắc phục các chuỗi ngành hàng, đặc biệt các ngành hàng xuất khẩu; bảo đảm đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 khoảng 44 tỷ USD.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương: Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử có ý nghĩa quan trọng giúp đẩy nhanh tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp. Và đây cũng là giải pháp tối ưu để điều tiết thị trường cung – cầu. Tuy nhiên, tiêu thụ hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử là một phương thức còn khá mới mẻ với người nông dân. Vì vậy cần có những chính sách khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Hiện nay, Bộ Công thương cũng đã đề nghị các sàn thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia; hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn đã, đang và sẽ vào vụ thu hoạch trên các sàn thương mại điện tử uy tín…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ vướng giao thương cho nông sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO