Chậm trễ cũng là lãng phí

Nguyên Khánh 21/05/2020 08:00

Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề sẽ có thể chống được thất thoát, lãng phí nếu thực hiện nghiêm túc đúng tiến độ. Thế nên, sự chậm trễ chính là sự lãng phí rất lớn, thậm chí gây ra những hệ lụy khôn lường.

Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ những hạn chế như: Tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc ở một số bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, như chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, chậm báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc tổng kết đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sơ sài, không có thông tin, số liệu cụ thể về kết quả tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước…

Nhưng, sự lãng phí không dừng lại ở việc các bộ, ngành địa phương có nghiêm túc ban hành chương trình hành động tiết kiệm, chống lãng phí hay không mà là ngay từ những chậm trễ trong việc thực hiện một số chính sách cũng gây lãng phí, thất thoát một nguồn lực ngân sách không nhỏ. Đơn cử như sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công và chậm tinh giản biên chế là những ví dụ điển hình.

Với việc chậm giải ngân vốn đầu tư công mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, thậm chí trong một hội nghị diễn ra vào cuối năm ngoái về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đã yêu cầu cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời hơn. Con số giải ngân qua Kho bạc Nhà nước đến ngày 31/1/2020 là 286.552 tỷ đồng, chỉ đạt 73,7% kế hoạch. Có rất nhiều địa phương giải ngân thấp, dưới 60% kế hoạch, như: Vĩnh Long (43,5%), Ninh Thuận (43,7%), Điện Biên (44,6%), Khánh Hòa (47,2%), Đà Nẵng (49,1%), Cần Thơ (49,1%), TP Hồ Chí Minh (49,4%), Hà Nội (55,8%). Đáng chú ý là còn 7 dự án trọng điểm đang triển khai chậm tiến độ (Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận và 5 dự án đường sắt đô thị).

Rõ ràng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra rất nhiều hệ lụy, nhiều hậu quả lớn. Thứ nhất, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Thứ hai, vốn đầu tư công là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, cho nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ. Thứ ba, gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn. Thứ tư, doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút, mất cơ hội cho các doanh nghiệp…

Còn về việc thực hiện tinh giản biên chế, theo số liệu mới đây nhất, số biên chế công chức được phê duyệt năm 2019 giảm 6,6% so với số được giao năm 2015. Như vậy, cả nước đã tinh giản biên chế 10.047 người. Số lượng biên chế làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã tinh giản đến cuối năm 2019 so với năm 2015 là 50.547 người. Việc thực hiện tinh giản biên chế trong các lĩnh vực và đổi mới khu vực sự nghiệp công đã góp phần giảm chi ngân sách nhà nước năm 2019 khoảng 6.000 tỉ đồng so với năm 2018.

Tuy nhiên, dù đã đạt được một số kết quả nhưng có thể thấy rằng, so với đội ngũ cồng kềnh ngốn gần 60% ngân sách thì sự tinh giản này chưa thấm vào đâu. Việc chậm trễ trong tinh giản biên chế không chỉ gây lãng phí một khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước mà nó kéo theo nhiều hệ lụy khác. Bởi nếu vẫn cứ để tồn tại trong nền công vụ những công chức “cắp ô” thì ai vẫn sẽ tốn một khoản chi ngân sách rất lớn. Đó là chưa kể, tồn tại những “con sâu” trong nền công vụ, thì không biết điều gì sẽ xảy ra…Thế nên, sự chậm trễ trong giảm biên chế cũng chính là sự lãng phí lớn.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hệ quả của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ khiến lãng phí 3 lần. Một là, lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng, hai là tiền để đấy, Nhà nước phải trả lãi, ba là nhà thầu phải đi vay ngân hàng. Nhưng chậm trễ trong tinh giản biên chế còn gây ra những hệ lụy rất lớn mà rõ nhất là chất lượng nguồn nhân lực yếu, kéo theo tệ tham nhũng lãng phí, cản trở sự phát triển.

Do đó mới nói, chậm trễ cũng chính là lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chậm trễ cũng là lãng phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO