Đi học trở lại

Hương Lê 24/02/2020 08:00

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký công văn về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020, trong đó đề nghị các địa phương xem xét quyết định cho học sinh - sinh viên đi học trở lại từ ngày 2/3. Nếu muộn hơn thì vẫn phải hoàn thành theo những mốc thời gian mới. Quyết định này được cho là phù hợp, trong khi trước đó TP HCM từng đề xuất cho học sinh nghỉ hết tháng 3. Đề xuất này nhận được rất nhiều ý kiến cả từ phụ huynh học sinh lẫn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Đi học trở lại

Học sinh đang chờ ngày được đi học trở lại. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Quyết định này đã được đưa ra ngay sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (ngày 22/2), Bộ GDĐT đã thống nhất điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 – 2020 theo các mốc thời gian như sau: Kết thúc năm học trước ngày 30/6/2020; Xét công nhận và hoàn thành chương trình tiểu học, xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 15/7/2020; Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 THPT trước ngày 15/8/2020; Thi THPT quốc gia từ ngày 23/7 đến 26/7/2020. Trường hợp địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại muộn hơn trong tháng 3 thì phải căn cứ vào các mốc thời gian nói trên để xây dựng kế hoạch học bù, đảm bảo chương trình, kịp thời gian kết thúc năm học và thi THPT quốc gia của cả nước.

Sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra, 63 tỉnh thành trong cả nước đã lần lượt quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học hết tháng 2. Xung quanh những lo lắng, băn khoăn của phụ huynh về việc đảm bảo an toàn, an tâm cho học sinh trở lại trường, ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết: Trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Bộ GDĐT đã cùng các địa phương bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo và hướng dẫn các nhà trường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn. Đến nay, các nhà trường đã thực hiện việc vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp; học sinh đã được hướng dẫn thực hiện quy trình phòng, chống dịch bệnh; giáo viên đã được tập huấn về các quy trình phòng, chống dịch bệnh để hướng dẫn học sinh thực hiện khi trở lại trường học.Trước đó trong ngày 22/2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng; Ủy ban Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Bộ Ngoại giao; Bộ VHTTDL; Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Đại học Y Hà Nội, Trường Đoàn Thị Điểm… đều cho rằng việc cho học sinh, sinh viên cả nước đi học trở lại vào đầu tháng 3 tới là phù hợp và khả thi. Đồng thời, việc tổ chức đi học trở lại phải bảo đảm các giải pháp an toàn học đường để ngăn ngừa dịch bệnh như bố trí nước rửa, xà phòng… đặt ở những khu vực đông người để sát khuẩn. Các ý kiến cũng nhấn mạnh rằng học sinh, sinh viên đi học không phải đeo khẩu trang.

Trên cơ sở xem xét phân tích điều kiện thực tiễn công tác phòng chống dịch, điều kiện về y tế và kinh nghiệm các nước, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, phụ huynh học sinh đồng tình với việc cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 3. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng đối với các trường hợp như học sinh THPT, các cháu đã lớn, có ý thức và tự chăm sóc được bản thân, có thể tổ chức cho đi học trở lại ngay từ ngày 24/2 để tránh ảnh hưởng tới việc học tập, thi cử…

Như vậy, theo điều chỉnh khung thời gian năm học vừa công bố, mốc thời gian kết thúc năm học cũng như lịch thi THPT quốc gia 2020 …sẽ lui lại so với các năm học trước khoảng 1 tháng. Việc cho học sinh đi học trở lại ở thời điểm đầu tháng 3 và kết thúc năm học vào cuối tháng 6 đã được Bộ GDĐT tính toán kỹ để không ảnh hưởng tới thời lượng của chương trình.

Với học sinh và sinh viên, có lẽ chưa năm nào kỳ nghỉ Tết lại kéo dài đến như vậy. Được nghỉ dài ngày cũng đồng nghĩa với việc thời gian vui chơi, giải trí của trẻ em được tăng lên nhiều hơn. Song những xáo trộn trong sinh hoạt, cuộc sống ở nhiều gia đình cũng đã được nhìn thấy rõ. Mối lo lắng hơn cả là với học sinh cuối cấp, việc học tập, ôn thi sao cho sát với chương trình, để đạt được hiệu quả cao nhất cũng đang là mối bận tâm của cả phụ huynh và học sinh. Việc tổ chức dạy và học trực tuyến những ngày qua âu cũng là giải pháp tình thế, chỉ thuận lợi với học sinh ở khu vực thành phố, còn học trò vùng nông thôn, nhất là nơi vùng sâu vùng xa, các em chưa có điều kiện nên vẫn còn thiệt thòi.

Riêng về kỳ thi THPT quốc gia 2020, được biết, năm nay Bộ GDĐT không công bố đề thi minh họa. Theo Bộ GDĐT, tài liệu để các thí sinh tham khảo trong định hướng ôn tập tốt nhất là đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019 đã được Bộ công bố. Kèm theo với việc lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, thời gian đăng ký dự thi, xét tuyển vào ĐH 2020 cũng sẽ thay đổi. Bộ GDĐT sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định, Bộ GDĐT chỉ hướng dẫn thay đổi về khung kế hoạch thời gian năm học. Các địa phương căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch dạy học bù cho học sinh địa phương mình một cách phù hợp, hiệu quả nhất. Nguyên tắc là phải dạy đủ thời lượng chương trình theo quy định, đảm bảo đủ kiến thức cho học sinh…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi học trở lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO