Dịch tả lợn chưa 'thua' chúng ta

Trần Duy Hưng 15/05/2019 08:30

Dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm hơn mức chúng ta hình dung ban đầu. Nếu gọi việc phòng chống dịch ròng rã 4 tháng qua là một “cuộc chiến” thì đến thời điểm này dịch vẫn chưa chịu “thua” chúng ta.

Sau một vài thời điểm tạm lắng ở một số tỉnh phía Bắc, dịch tiếp tục hoàng hành, lan rộng hơn thế, mới đây, vượt qua các biện pháp ngăn chặn, dịch tràn vào, tấn công các gia trại, trang trại chăn nuôi ở một số tỉnh phía Nam- nơi vốn được xem là có trình độ, công nghệ chăn nuôi, cơ chế phòng dịch cao hơn hẳn hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ ở miền Bắc.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay dịch đã xảy ra tại gần 2.300 xã của hơn 200 huyện tại 29 tỉnh, thành phố trong cả nước; tổng số lợn bệnh buộc phải tiêu huỷ đã lên tới hơn 1,2 triệu con (chiếm hơn 4% tổng đàn lợn của cả nước).

Dịch tả lợn chưa 'thua' chúng ta

Phòng chống, dập dịch tả lợn cần sự chung tay của toàn xã hội.

Diễn biến xấu trên nói lên điều gì? Ngoài việc cho thấy cơ chế lây lan của loại dịch bệnh lần đầu xâm nhập nội địa này quá nguy hiểm, quá dễ dàng còn cho thấy nguồn lực cũng như biện pháp phòng chống, dập dịch thời gian qua chưa đủ mạnh, trên hết là chưa hiệu quả.

Ở nhiều địa phương có tình trạng những ngày đầu dịch xuất hiện, công tác phòng chống, dập dịch, kiểm soát dịch bệnh lây lan rất hăng hái, tích cực, chặt chẽ, khó lòng đưa được một con lợn bệnh ra khỏi vùng dịch.

Tuy nhiên, những ngày sau đó tinh thần phòng chống dịch giảm xuống, xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là, đối phó; xuất hiện tình trạng mệt mỏi, than vãn về việc thiếu nguồn lực, kinh phí; mang cả chuyện ngày công cán bộ tham gia phòng chống dịch không bằng ngày công của lao động tự do ra so bì. Từ đó, dẫn đến việc các biện pháp phòng chống, dập dịch, kiểm soát dịch của một số địa phương bị lỏng dần.

Biểu hiện rõ nhất là xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng lợn ốm, lợn chết không được thu gom, tiêu hủy đúng quy định, thay vào đó được vô tư vứt ở bờ đê, ngoài đồng, trên sông dẫn đến mầm dịch được thỏa sức lây lan theo cơ chế... tự nhiên.

Nêu lên thực tế trên để thêm một lần nữa thấy rõ hơn sự nguy hiểm của dịch bệnh nói chung, của dịch tả lợn châu Phi nói riêng; thấy rõ hơn trong lúc dịch bệnh hoành hành dữ dội như hiện nay mà cả chính quyền, cơ quan chức năng và người dân không làm hết trách nhiệm; lơ là, chủ quan, đối phó, gian dối trong công tác phòng chống... là không thể chấp nhận, cần phải bị xử lý.

Bởi, nói như Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn việc phòng chống dịch tổ chức ngày 13/5 mới đây, thì nếu để dịch tái xuất hiện ở các ổ dịch đã được khống chế; để dịch lan rộng sang các vùng chưa bị; phát sinh dịch ở những đàn lợn lớn thì hậu quả sẽ “vô cùng thảm khốc”, gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn đe doạ một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan cả đến chỉ số giá tiêu dùng.

Cũng xin nói thêm, trong bối cảnh dịch tả lợn đang tiếp tục hoành hành dữ dội, công tác phòng chống, dập dịch cả từ phía chính quyền và người dân “đều có vấn đề” thì Hội nghị trực tuyến toàn quốc trên có ý nghĩa như một cuộc “xốc lại tinh thần” phòng chống dịch. Ở đó, các giải pháp chung, những công việc cụ thể phải làm trước mắt và lâu dài đã được lãnh đạo Chính phủ nêu ra, chỉ đạo thực hiện.

Trong đó, giải pháp huy động các lực lượng vũ trang tham gia công tác phòng chống, dập dịch đã được tính đến; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu các địa phương nếu không ngăn chặn được dịch bệnh cũng được nhắc lại. Cùng với đó là giải pháp từ Nhà nước như xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện thu mua, giết mổ lợn ngay khi đến lứa, giảm nguy cơ mắc bệnh. Vấn đề còn lại là tinh thần, ý thức trách nhiệm trong triển khai thực hiện của cả bộ máy.

Có một thực tế, dù Chính phủ, chính quyền các địa phương có huy động nguồn nhân lực lớn đến đâu, chi ra số tiền lớn đến thế nào công tác phòng chống dập dịch cũng không hiệu quả nếu thiếu đi tinh thần hợp tác, tích cực tham gia phòng chống dịch của người chăn nuôi và toàn xã hội. Chỉ cần một hộ chăn nuôi thiếu ý thức trách nhiệm, vì chút lợi ích trước mắt mà có hành vi gian dối, giấu dịch, tẩu tán mầm dịch, cẩu thả trong tiêu hủy lợn bệnh, để mầm bệnh lây lan ra cộng đồng thì mọi sự nỗ lực phòng chống dịch sẽ bị “đổ xuống sông, xuống biển”.

Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi hộ chăn nuôi cần nhận thức được rằng sự hợp tác, tuân thủ các quy định phòng chống dịch của mình trong lúc này có ý nghĩa như một hành động góp phần cứu cả ngành chăn nuôi, thiết thực nhất là bảo vệ chính sinh kế của mình. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, việc chậm trễ trong hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại được nhìn nhận là một trong những nguyên nhân chưa khuyến khích được người dân tích cực tham gia phòng chống dịch thời gian qua.

Với người tiêu dùng, chỉ xin nhắc lại, thời gian qua, trong bối cảnh xuất hiện dịch tả lợn, trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học, các cơ quan quản lý, chuyên gia vẫn luôn khuyến cáo rằng: Dịch tả lợn không lây lan sang người, thịt lợn đã qua kiểm dịch vẫn đảm bảo an toàn, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng. Lựa chọn hay tẩy chay thịt lợn là quyền của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc người tiêu dùng có nhận thức, hiểu biết đúng, đầy đủ về dịch tả lợn, về thịt lợn đã qua kiểm dịch trong lúc này có ý nghĩa quyết định sống còn của ngành chăn nuôi nội địa và hàng triệu hộ chăn nuôi trên cả nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch tả lợn chưa 'thua' chúng ta

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO