Gỡ khó cho khoa học

Cẩm Anh 18/02/2016 11:44

Nhiều nhà khoa học dùng từ “cởi trói” khi nói về Thông tư liên tịch 27 về việc khoán chi cho các công trình khoa học do Nhà nước đặt hàng được Bộ Tài chính và Bộ Khoa học-Công nghệ ký từ cuối tháng 12/2015, bắt đầu có hiệu lực từ 15/2 năm 2016 này. Nhân việc này, có một con số khủng được nhắc tới là mỗi năm có khoảng 3.500 tỷ đồng đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó chỉ có khoảng 10% các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.

Gỡ khó cho khoa học

Ảnh minh họa (Ảnh: Hoàng Long).

Có thể hiểu Thông tư 27 một cách giản dị là thay vì phải lo đủ hóa đơn chứng từ quyết toán cho được một công trình nghiên cứu khoa học thì nay nhà khoa học chỉ tập trung vào nghiên cứu theo đơn đặt hàng của Nhà nước và nhận đủ tiền đặt hàng nếu công trình đáp ứng đúng chất lượng. Không còn lo giấy tờ, hóa đơn- nói như Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân- nhà khoa học không còn phải nói dối nữa.

Có nghĩa là trong những năm qua ở nhiều công trình khoa học thì tính chất nghiên cứu lại ít, mà loay hoay lo cho đủ chứng từ, “bịa” ra các cuộc họp, bóc tách các công việc sự vụ cho hợp lý để quyết toán được thì nhiều hơn. Mọi công trình đã sử dụng vốn nhà nước thì rồi đều được nghiệm thu, đều được đánh giá là xuất sắc và phần lớn trong số ấy đều bỏ vào ngăn kéo. Nhiều năm qua, có thể đếm xem có bao nhiêu công trình nghiên cứu đề tài cấp bộ, cấp nhà nước mang lại những giá trị đối với cuộc sống? Cũng như có bao nhiêu công trình nghiên cứu bằng ngân sách nhà nước gây tiếng vang rộng rãi để người dân bình thường nhất cũng biết nó là cái gì, mang lại lợi ích gì cho xã hội?

Tâm trạng hoan hỉ của các nhà khoa học được bày tỏ trong những ngày qua hay phân tích về tính “đột phá” của Thông tư 27 của chính các nhà quản lý cho thấy rằng nhiều năm qua, ai cũng hiểu sự vô lý của chính sách đối với nghiên cứu khoa học nhưng lại quá khó khăn để thay đổi. “Từ nay, các nhà khoa học không còn phải nói dối nữa” – câu nói của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phản ánh một thực tế khiến nhiều nhà khoa học đau đầu trong những năm qua là phải nghĩ ra nhiều chuyên đề để quyết toán được tổng kinh phí. 3500 tỷ đồng mỗi năm đầu tư cho nghiên cứu khoa học không thể gọi tên nào khác ngoài phần lớn là sự vô bổ, lãng phí.

Các nhà khoa học gọi là một sự “cởi trói” khi mà về thực chất chỉ là sự thay đổi về cơ chế tài chính: Các nhà khoa học sẽ được trao quyền chủ động hoàn toàn trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học. Nhà nước chỉ đặt hàng ban đầu và tập trung vào nghiệm thu chất lượng kết quả cuối cùng. Để thấy chỉ thay đổi một cung cách quản lý, hiệu ứng và hiệu quả có thể mang tính bước ngoặt. Với Thông tư 27, trách nhiệm của nhà khoa học lớn hơn rất nhiều khi đi kèm với đơn đặt hàng là một cam kết nghiêm ngặt: Nhà khoa học có thể phải hoàn trả từ 40% đến 100% kinh phí thực hiện đề tài nếu kết quả nghiên cứu không đạt được giá trị mong muốn.

Điểm mới của Thông tư 27 là tất cả đề tài, dự án khoa học sẽ được khoán chi theo một trong hai phương thức khoán chi, khoán từng phần và khoán đến sản phẩm cuối cùng. Phương thức khoán từng phần được áp dụng đối với các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng như khó xác định rõ sản phẩm đầu ra, tiêu chí của sản phẩm đầu ra. Phương thức này sẽ khoán chi một số nội dung như tiền công, hội thảo, công tác trong nước; không khoán chi tiền mua nguyên nhiên, vật liệu, phụ tùng chưa được ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; sửa chữa, mua sắm tài sản cố định. Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng áp dụng đối với các đề tài, dự án được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được, số lượng quy mô sản phẩm tạo ra, địa chỉ ứng dụng.

Theo lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, với Thông tư 27 khi thực hiện cơ chế khoán chi, sản phẩm sẽ chỉ được nghiệm thu khi đáp ứng đúng các tiêu chí, yêu cầu trong thỏa thuận ban đầu giữa cơ quan đặt hàng đề tài và nhà khoa học, có nghĩa là quản chặt sản phẩm nghiên cứu đầu ra. Có nghĩa là giờ đây không quản lý chặt về “chứng từ” nữa mà quản lý chặt về chất lượng của công trình khoa học. “Nhiều sản phẩm nghiệm thu xuất sắc nhưng không có sản phẩm, không được ứng dụng trong thực tiễn. Giờ sẽ không như thế” – Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ sự tin tưởng vào tính đột phá của Thông tư 27.

Cho đến thời điểm này còn quá sớm để nhìn thấy kết quả đạt được sau khi có Thông tư 27. Dù đã có tính “đột phá” thì Thông tư 27 cũng chỉ thực sự đạt tới mong muốn và kỳ vọng của các nhà quản lý khi mà nó thực sự được thực hiện một cách công tâm và trách nhiệm. Tức là nó được đặt hàng đúng nơi đúng chỗ và được nghiệm thu minh bạch, công khai. Sẽ không có bất cứ sự thay đổi nào mang tính “đột phá” nếu đề tài nghiên cứu vẫn được đặt hàng theo cơ chế xin – cho, nếu hội đồng nghiệm thu vẫn dĩ hoà vi quý.

Nhưng rõ ràng, với Thông tư 27 mà cơ chế thực hiện đã tiệm cận tới thông lệ quốc tế, hy vọng sự phát triển của khoa học-công nghệ nước nhà không còn rào cản nữa. Để các nhà khoa học tài năng chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học, để những công trình nghiên cứu xong không nằm trong ngăn kéo mà thiết thực với đời sống nhân dân, tạo ra sản phẩm hữu ích cho xã hội. Không còn những đề tài nghiên cứu được phân chia như một miếng bánh hậu hĩnh chỉ cần làm chơi nhưng ăn thật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó cho khoa học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO