Minh bạch giá đất

Mai Loan 28/05/2019 08:00

Hôm qua (27/5), Quốc hội đã dành 1 ngày để nghe và thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Thừa uỷ quyền của Chính phủ gửi báo cáo để phục vụ công tác giám sát về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai nói chung, đất đô thị nói riêng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thực tiễn cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế đã phát sinh nhiều vấn đề mới nhưng cơ chế chính sách hiện hành chưa có quy định đầy đủ để kịp thời điều chỉnh, như chính sách sử dụng đất cho người nước ngoài, condotel, officetel…

Một số nội dung quy định trong Luật Đất đai chưa thống nhất, thiếu đồng bộ với quy định của Luật Nhà ở, Luật Đầu tư về chủ thể sử dụng đất.

Quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, chỉ định chủ đầu tư giữa Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Nhà ở chưa thống nhất. Thẩm quyền chấp thuận sự cần thiết phải thu hồi đất và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư cũng chưa đồng bộ.

Sự khác biệt cũng bộc lộ rất rõ giữa quy định gia hạn tiến độ sử dụng đất; việc xử lý vấn đề đất đai, tài sản gắn liền trong trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động với đất theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai và Điều 46, Điều 48 Luật Đầu tư. Pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về đầu tư liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư đều khá “mờ” và không thống nhất.

Bên cạnh đó, không chỉ “không thống nhất”, mà còn có sự chồng lấn trong quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Quy định về mối quan hệ giữa các quy hoạch và các cấp quy hoạch thiếu khả thi, đồng bộ, thống nhất, tạo ra độ trễ làm chậm tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch. Đặc biệt, báo cáo thẳng thắn thừa nhận, các quy định về biện pháp, chế tài xử lý vi phạm pháp luật chưa đầy đủ, thiếu quy định về trách nhiệm, hành chính, hình sự để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

Báo cáo số liệu tổng hợp gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, từ năm 2014 đến năm 2018, cả nước phát sinh 342.710 đơn khiếu nại với 156.071 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước (khiếu nại về đất đai chiếm trên 60% số này), trong đó đã giải quyết 128.646 vụ việc (đạt 82,43%).

Qua giải quyết khiếu nại, các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, công dân 1.398 tỷ đồng, 772 ha đất; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 1.538 người (đã xử lý 1.180 người), chuyển cơ quan điều tra 40 vụ, 36 đối tượng.

Theo kết quả tổng hợp của ngành tài nguyên và môi trường từ trung ương đến địa phương, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường mà ngành nhận được đã có xu hướng giảm. Các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài chủ yếu phát sinh trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực.

Phân tích nội dung đơn thư, Chính phủ cho biết, đa số khiếu nại về đất đai phát sinh do áp dụng chính sách, pháp luật đất đai trước năm 2013, liên quan đến quyết định thu hồi đất (trình tự, thủ tục..); giá bồi thường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khiếu nại liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính, cho thuê đất tương đối thấp, chỉ khoảng 1%.

Đơn khiếu nại, tố cáo mà Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ không đáng kể (chiếm 3% số vụ việc, trong đó thuộc thẩm quyền giải quyết là 2% và Thủ tướng giao là 1%), còn lại hầu hết là đơn đang thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, công dân gửi đơn vượt cấp (chiếm hơn 80%), gửi nhiều lần (đơn trùng chiếm khoảng 50%).

Nói đi cũng phải nói lại, trong cái khó chung ấy, nhờ nỗ lực trong công tác quy hoạch, quản lý đã làm thay đổi bộ mặt đô thị, đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước. Nhưng, có lẽ, giá đất hay nói cách khác, giá để tính tiền bồi thường đất bị thu hồi chính là nguồn cơn cho mọi bức xúc nảy sinh. “Nó rất bất cập không sát với thị trường làm thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách” - ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nói. Cứ nhìn các vụ tụ tập khiếu kiện đông người là thấy, điều ĐB nói không phải không có lý. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết nhưng rõ ràng vẫn còn khoảng cách với thực tiễn.

“Nhà nước phải có trách nhiệm ban hành chính sách, tổ chức thực hiện chính sách để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân - chủ thể được Hiến pháp trao cho quyền sở hữu đất đai. Không tính toán được giá đất sát thị trường thì không thể chấm dứt được khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai” - ông Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh.

Từ thực tế những vấn đề của giá đất, có thể thấy, việc đề xuất giá đất phải do tổ chức cung cấp dịch vụ giá đất độc lập thực hiện. Những điều này, chúng ta chưa thực sự làm tốt như công tác theo dõi, cập nhật biến động giá đất trên thị trường, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất, cơ chế giám sát các cơ quan quản lý, cơ quan định giá, khuyến khích phát triển các tổ chức định giá độc lập cũng làm chưa tốt, chưa có giải pháp cụ thể để xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất thị trường và giám sát việc định giá đất cũng là những yếu tố gây khó khăn cho việc xác định giá đất cụ thể. Đây chính là những bất cập cần được khắc phục trong thời gian sớm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch giá đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO