Mỗi người góp phần thay đổi

Ngọc Anh 04/09/2015 14:30

Ngày khai giảng năm học mới 2015 – 2016 đang được chờ đón diễn ra đồng loạt trên cả nước vào ngày mai (5/9), với kỳ vọng không còn diễn văn dài lê thê, cũng như không bắt các cháu phải nắng nôi chờ đợi. Tinh thần ấy được quán triệt kể từ sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết năm học 2014-2015 của ngành giáo dục. Nhưng một ngày khai giảng đồng loạt vào 5/9, hay việc lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn trang nghiêm đâu phải là việc mới.

Nó là việc ngày xưa đã từng như thế. Cũng như chuyện bắt tội các cháu nắng nôi mệt mỏi trong lễ khai giảng ai cũng thấy từ lâu. Vậy thì vì sao phải cần đến khi lãnh đạo có ý kiến chúng ta mới thay đổi điều này. Sự thay đổi ấy tại sao không đến từ kiến nghị của phụ huynh, của chính thầy cô tự thấy cần thay đổi. Ngành giáo dục không hề có một chỉ đạo nào về ngày khai giảng phải làm rải rác, cũng như không hề qui định diễn văn phải dài. Đó là tự mỗi nhà trường, mỗi địa phương hình thành nên một việc không hay từ những năm qua. Phải chăng sự chấp nhận của xã hội là quá dễ dàng. Biết một việc không nên làm nhưng vẫn phải chịu đựng nhau qua nhiều năm, thụ động đến mức phải chờ có ý kiến chỉ đạo từ Phó Thủ tướng mới thay đổi được.

Trong ký ức của nhiều người, hẳn còn nhớ những ngày khai giảng êm đềm ngày trước. Nhất là lễ khai giảng ở các trường làng. Khi mà không hề có chuyện cờ giong trống mở, lễ khai giảng là của chính các em. Ở đó, các em mặc quần áo mới, hớn hở đến trường. Bản thân người viết bài này suốt những năm học phổ thông năm nào cũng một ngày khai trường thân thương như thế vào đúng sáng 5/9.

Vẫn không thể nào quên giọng nói trầm ấm của thầy hiệu trưởng, từng lời từng lời thấm vào tâm khảm, là lời của thầy nói với học sinh trước một năm học mới. Tôi nhớ là chưa bao giờ thầy lại kể lể thành tích trường mình năm học trước, bài diễn văn của thầy chỉ để dành để nói với học sinh, về việc học, về tương lai và mong mỏi của thầy về tương lai đất nước do chính các em góp phần tạo nên. Rồi thầy đánh trống khai trường. Và sau đó, học sinh trở về lớp bắt đầu ngay buổi học đầu tiên. Năm nào, cũng một cảm giác như trong văn Thanh Tịnh.

Suốt nhiều năm gần đây, sau buổi khai trường nếu hỏi con về ngày khai giảng, con chắc chắn không nhớ tên bác nào đến dự, chỉ biết có một bác lãnh đạo đến mà nếu bác chưa xuất hiện, các con còn phải ngồi chờ. Con cũng không nhớ bác nói những gì, vì bài phát biểu của bác thường dành cho người lớn. Con càng không nhớ cô hiệu trưởng đã đọc bài diễn văn khai trường thế nào, vì bài rất dài và thường dành phần lớn để báo cáo thành tích với cấp trên, hơn là để nói với học sinh… Và mỗi trường khai giảng một ngày, sống cùng 1 khu tập thể mà mỗi bạn học mỗi trường thì hôm nay trường bạn này khai giảng, trường bạn khác đến mai cơ, nên không còn nỗi hân hoan, hồi hộp của tất cả các trẻ em cho một ngày trang trọng như nhau…

Tất cả những điều vừa nói, từ nhiều năm qua chúng ta đều biết. Ai cũng nhận ra một vấn đề cần thay đổi mà tại sao không thay đổi được. Từ ngày khai trường suy rộng ra nhiều việc khác, đời thay đổi khi chúng ta thay đổi. Sự thay đổi mỗi thói quen, mỗi hành vi nên bắt đầu từ sự dũng cảm thay đổi của mỗi người. Năm nào, người ta cũng kêu về các khoản đóng góp đầu năm học, nhưng vẫn chưa thay đổi được. Tại sao trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm học, phụ huynh không trực tiếp kiến nghị để có những điều chỉnh kịp thời.

Sự thụ động chấp nhận của xã hội là một trong những nguyên nhân để hình thành những thói quen xấu trong xã hội. Chúng ta ai cũng có lần nhờ cậy để giải quyết việc gì đó không đúng với qui định và hoan hỉ khi nhờ quen biết mà được việc. Việc chấp nhận xin xỏ, nhờ vả của mỗi cá nhân góp phần hình thành ra việc cửa quyền, hách dịch, tiêu cực trong một bộ phận công quyền.

Có một đặc điểm chung, đang biểu hiện rất rõ trên mạng xã hội hiện nay, là mỗi người luôn phàn nàn chỉ trích về nhiều vấn đề nhưng hầu như lại ít tự xem lại rằng, tự mình trong công việc hoặc thói quen ứng xử hàng ngày cần phải thay đổi thế nào cho xã hội tốt hơn. Mọi người dường như luôn coi chỉ có người khác làm chưa tốt mà không có cả chính mình trong đó. Một xã hội muốn thay đổi thì mỗi người ở cương vị của mình, hoặc tự thay đổi hoặc đóng góp ý kiến cho thay đổi, mới góp thành sự chuyển biến của cả xã hội.

Từ việc trả lại cho ngày khai trường ý nghĩa đích thực của nó – một điều ai cũng nhận ra đã lâu, vậy mà chỉ đến khi có ý kiến chỉ đạo từ cấp cao mới thay đổi được (tất cả các trường năm nay đang chuẩn bị cho ngày khai giảng một cách rất nhẹ nhàng), mỗi người chúng ta, cả phía nhà trường và xã hội, hãy nhận ra có phần “làm thinh” của mình trong đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỗi người góp phần thay đổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO