Nụ cười thầy thuốc

Miên Thảo 10/09/2016 00:05

Mới đây, một thông tin đã khiến nhiều người phải suy nghĩ: Trung bình mỗi năm người Việt Nam chi 2 tỉ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Đó là con số rất lớn. Người ta băn khoăn rằng, vì sao cứ phải ra nước ngoài chữa trị, trong khi ngành y tế trong nước đạt được nhiều thành tựu thế giới phải thừa nhận. Một cán bộ Y tế nói vui rằng, người có tiền ra nước ngoài chữa bệnh là do bệnh viện trong nước... thiếu nụ cười của người thầy thuốc.

Nụ cười thầy thuốc

Thái độ phục vụ của y, bác sĩ đối với người bệnh đang được cải thiện.

Trước hết, nói về đội ngũ y, bác sĩ và một số thành tựu của y học nước nhà. Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về đội ngũ bác sĩ tay nghề rất cao. Xưa, danh y Lê Hữu Trác lừng danh mấy trăm năm vẫn sừng sững trong làng y học. Thời người Pháp còn đô hộ, chính các thầy thuốc “mẫu quốc” đã phải kinh ngạc thốt lên trước những bài thuốc và cũng như cách chữa trị của những ông lang, bà lang “vườn” Việt Nam.

Y thuật phương Tây rất mạnh về phong tỏa, khu trú, tiêu diệt bệnh tức thời đã không thể cắt nghĩa được vì sao chỉ với vài chiếc lá rừng, một bó rễ cây mà người An Nam lại chế ra được những thang thuốc nâng cao thể trạng cho con người, không ít trường hợp lại còn trị được cả những bệnh nan y. Sau này, thời hiện đại, tên tuổi của các vị Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Tài Thu..., cha con bác sĩ Tôn Thất Tùng - Tôn Thất Bách đã “vang danh thiên hạ” theo đúng nghĩa của cụm từ này.

Y học hiện đại Việt Nam được thế giới thừa nhận ở nhiều lĩnh vực chuyên ngành, trong đó có việc cấy ghép nội tạng, mổ tim, chữa bỏng, chống độc, thụ tinh nhân tạo, chữa vô sinh... Đó là điều rất đáng tự hào.

Nhưng, vẻ vang là thế, sao người có tiền lại ra nước ngoài chữa bệnh mà không chữa tại các bệnh viện trong nước? Trả lời câu hỏi đó không dễ dàng. Phải chăng, trước hết là tâm lý vọng ngoại theo kiểu “đồng hồ Tây không bao giờ sai”?

Thật mừng là tới nay ngành Y tế đã thẳng thắn nhìn nhận, phân tích thực tế ấy để tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng bệnh viện của chúng ta. Không ai có thể mặc cả trước cái chết, vì thế bệnh viện phải là nơi người bệnh an tâm tìm đến, giao phó sự sống chết của mình cho các y, bác sĩ.

Trong vấn đề này, y đức của người thầy thuốc được đặt lên hàng đầu. Người bệnh khi rơi vào những “sát na”- tình thế hiểm nghèo thập tử nhất sinh biết trông cậy vào ai ngoài thầy thuốc. Trông cậy ở tay nghề bác sĩ, ở những vị thuốc công phạt hữu hiệu và trông cậy vào tấm lòng lương y. Có lẽ do áp lực công việc quá nặng nề mà trên môi người thầy thuốc vắng đi nụ cười?

Một ngày, có khi phải mổ cả chục ca, công việc rất dễ làm người ta cáu bẳn. Nhưng, chính trong những lúc ấy, sự bình tĩnh, nhân ái của người thầy thuốc lại càng quan trọng.

Cũng thật khó cho hệ thống bệnh viện khi mà tình trạng quá tải lưu cữu từ năm này sang năm khác. Hai, ba người bệnh nằm một giường. Người nhà bệnh nhân phải trải chiếu nằm la liệt ngoài hành lang, có khi phải nằm cả dưới gầm giường bệnh. Mấy năm trước, trong một lần Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến “vi hành”, có một người nhà bệnh nhân chui từ gầm giường ra... chào bà.

Cũng chính vì thế, cả nhiệm kỳ đầu cho tới nhiệm kỳ thứ hai này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến rất coi trọng việc giảm tải bệnh viện, cũng như nâng cao chất lượng bệnh viện, trong đó có việc khảo sát sự hài lòng người bệnh đối với nhân viên y tế.

Tại Hội nghị “Hướng dẫn triển khai- kiểm tra- đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng người bệnh và nhân viên y tế năm 2015”, nhiều ý kiến cho rằng khảo sát hài lòng là hoạt động không thể thiếu trong việc triển khai quản lý, cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh. Chỉ số hài lòng của người bệnh cũng được công bố song song với mức chất lượng của một bệnh viện, sẽ là cơ sở để người dân lựa chọn dịch vụ phù hợp. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng bệnh viện.

Từ việc triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nên chất lượng bệnh viện đã được nâng lên. Tại Hội nghị báo cáo tổng kết sau một năm triển khai thực hiện Quyết định 2151 về thay đổi phong cách, thái độ phục vụ trong ngành Y, ông Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, nhận thức của hầu hết nhân viên y tế tại các bệnh viện được khảo sát đã có sự chuyển biến tích cực, được bệnh nhân ghi nhận.

Cụ thể, có 70,1% số bệnh nhân được phỏng vấn cho biết đã được nhân viên y tế hướng dẫn các thủ tục khám, chữa bệnh tận tình hơn trước; 70,5% được giải thích về tình trạng sức khỏe rõ ràng hơn trước; 72% được dặn dò cách phòng và điều trị bệnh chu đáo hơn trước; 69% được nhân viên y tế đáp ứng kịp thời hơn.

Đồng thời cũng đã có 71% người bệnh nhận xét nhân viên y tế có thái độ cử chỉ ân cần, thân thiện hơn; 69,2% nhận thấy tác phong làm việc của nhân viên y tế nghiêm túc hơn; 69,9% cho rằng nhân viên y tế đã tôn trọng người bệnh hơn; 71% cho biết nhân viên y tế có kỹ năng giao tiếp tốt hơn và trang phục gọn gàng, sạch đẹp hơn. Các bệnh viện đều đã rút ngắn các bước trong quy trình khám, chữa bệnh.

Cũng theo ông Tác, qua khảo sát có 87,67% bệnh nhân đã biểu thị thái độ hài lòng đối với dịch vụ khám, chữa bệnh tại 10 bệnh viện được khảo sát.

Chưa dừng ở đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục đẩy mạnh hơn đối với thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ. Bà từng phát biểu một cách thẳng thắn rằng, trong ngành y vẫn còn những con sâu làm rầu nồi canh, “vì vậy chúng ta phải quyết liệt đưa các đối tượng này ra khỏi ngành. Không thể vì một cá nhân, vì một hành động nhỏ mà làm mất uy tín của ngành, mất hình ảnh người thầy thuốc và làm giảm chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế”.

Với những gì đã đạt được và những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến lúc nào đó chúng ta có thể vui mừng khi người bệnh chọn chữa trị trong nước thay vì ra nước ngoài. Điều đó, bao giờ?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nụ cười thầy thuốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO