Nước đến chân… chưa nhảy

Minh Quang 04/10/2019 07:40

Máy lọc không khí và khẩu trang chống bụi là hai mặt hàng đang bán chạy nhất trên thị trường. Khảo sát cho thấy, giá của các loại khẩu trang chống bụi mịn thường dao động từ 25.000-100.000 đồng/chiếc tuỳ loại. Thậm chí có loại cao cấp giá lên tới 950.000-1.200.000 đồng/chiếc. Máy lọc chống bụi có giá bán dao động từ 3 - 20 triệu đồng, tùy công suất và nhãn hiệu.

Nước đến chân… chưa nhảy

Môi trường không khí vốn rất quan trọng với sức khỏe người dân lại chưa được quan tâm đúng mức.

Âu cũng bởi người dân ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang quá lo lắng với ô nhiễm không khí. Vì cơm áo gạo tiền thường nhật, họ không thể ‘ít ra đường’ như khuyến cáo, mà đang tự tìm giải pháp chung sống với bụi mịn…

Vài ngày trước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Báo cáo chính thức về chất lượng không khí Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong tháng 9/2019. Theo đó, việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hóa đã gây những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Điều này càng dấy lên những lo lắng - khi người dân không biết đến bao giờ thì tình trạng sống chung với bụi mịn mới kết thúc.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ người dân ở hai thành phố nói trên, mà nhiều người đều hoang mang khi biết tin thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội liên tục được thông tin về tình trạng ô nhiễm không khí. Thậm chí có những ngày mức ô nhiễm được thông tin là cao nhất trên thế giới so với các thành phố lớn khác. Thế nhưng người dân cũng bày tỏ băn khoăn rằng, tại sao ”sống trong sợ hãi” như thế mà họ lại không nhận được bất kỳ cảnh báo nào từ phía cơ quan chức năng. Điều này đã cho thấy rõ việc thiếu thông tin, hay nói đúng hơn là tình trạng thiếu thông tin chính thức của cơ quan chức năng từ những hiện tượng có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân không phải là hiếm. Có thể thấy mới đây nhất là sự cố ở quanh nhà máy Rạng Đông (Hà Nội), người dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng không hề được cảnh báo về mức độ nguy hại của môi trường để chủ động bảo vệ sức khỏe. Thậm chí thời gian đầu, họ còn bị ém nhẹm thông tin về sự nguy hại.

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam khẳng định, ngoài nguyên nhân về thời tiết, khí hậu, có một phần nguyên nhân rất lớn là do chính hoạt động của con người. Hiện nay ở Hà Nội và khu vực lân cận có quá nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp chưa được di dời, cần phòng tránh, ngăn ngừa, thay vì để xảy ra ô nhiễm, lúc đó mới loay hoay tìm cách xử lý. Mới dây nhất, bên lề Hội thảo Giải pháp thành phố thông minh vì không khí sạch vừa diễn ra tại Hà Nội,TS Hoàng Dương Tùng cho rằng trong khi môi trường nước, chất thải - những thứ có thể nhìn thấy - đã được các cơ quan quản lý quan tâm xử lý trong thời gian qua, thì môi trường không khí vốn rất quan trọng với sức khỏe người dân lại chưa được quan tâm đúng mức; Trong khi, chúng ta đã biết nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở mỗi thành phố trên thế giới cũng khác nhau. Cụ thể tại Việt Nam thì chắc chắn là từ phương tiện giao thông cá nhân, xây dựng hạ tầng nhiều nên phát sinh bụi, từ các nhà máy xi măng, thép, hóa chất, than, làng nghề… Người dân lại đốt rơm rạ sau mỗi vụ gặt, sử dụng than tổ ong… Tất cả những cái đó đều là nguồn gây ra bụi mịn PM 2.5. Lẽ ra khi đã biết nguyên nhân, thì phải sớm tìm nguyên nhân nào là chính để có biện pháp ưu tiên chứ không thể rải mành mành ra được. Giải pháp được TS Hoàng Dương Tùng đưa ra là, trong nội đô Hà Nội có khoảng 4-5 triệu người cần giảm phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường đi bộ; ở ngã tư, ngã năm dừng đèn đỏ nên tắt máy, tăng cường đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng… để góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Hà Nội vừa tròn 20 năm đón nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Trong mắt bạn bè, du khách quốc tế Hà Nội cũng là thủ đô xanh, nhưng nhìn những chiếc khẩu trang do người dân tự trang bị những ngày qua, ai đó nói rằng trông “cứ sai sai thế nào…”.

GS. Trương Quang Học - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, hiện có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, nhưng thực tế cho thấy sự chồng chéo, bất cập trong vấn đề quản lý giữa các bộ, ngành, dẫn đến lúng túng trong phản ứng khi có diễn biến ô nhiễm xấu.

Những giải pháp – cho dù là tạm thời - để bảo vệ sức khỏe của người dân Hà Nội thời gian qua đã chứng tỏ sự ý thức được sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe bản thân và những người trong gia đình, đặc biệt là với người già, trẻ nhỏ. Sự lo ngại càng dâng cao khi chính quyền thành phố trước đó đã không có bất cứ khuyến cáo chính thức nào về chất lượng không khí, trong bối cảnh trang Air Visual xếp hạng Hà Nội là thành phố có điểm quan trắc ô nhiễm không khí nhất thế giới trong một vài ngày qua. Hẳn xếp hạng ấy còn gây nhiều tranh cãi, nhưng rõ ràng những màn khói bụi mờ mịt là có thật.

Ngày 3/10, Hà Nội đã đón “mưa vàng” rửa bụi mịn, chỉ số ô nhiễm không khí đã được cải thiện ít nhiều. Song theo các chuyên gia, việc trông đợi vào thời tiết để “làm loãng” ô nhiễm không khí là một trạng thái rất bị động không thể thay cho việc chủ động của các cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước đến chân… chưa nhảy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO