Phát triển năng lượng nhanh và bền vững

Hoài Vũ 22/02/2020 07:00

An ninh lương thực, an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng luôn là 3 trụ cột quan trọng cho sự phát triển của toàn thế giới nói chung, cũng như mỗi quốc gia nói riêng.

Phát triển năng lượng nhanh và bền vững

Phát triển điện mặt trời cũng là xây dựng nguồn năng lượng bền vững.

Vì thế việc bảo đảm nguồn cung năng lượng sẽ góp phần ổn định kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, an ninh năng lượng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và có chiến lược phát triển năng lượng quốc gia với những tầm nhìn dài hạn. Nhưng vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay không chỉ nằm ở mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà còn gắn với phát triển bền vững của quốc gia gắn với yếu tố, xanh, sạch, tiết kiệm, và hiệu quả.

An ninh năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khối APEC, mặc dù đối với mỗi nước quan niệm về an ninh năng lượng có sự khác nhau. Còn nhớ vào năm 2001, các nhà lãnh đạo của APEC đã thiết lập chương trình sáng kiến an ninh năng lượng (ESI) để củng cố an ninh năng lượng khu vực và nhấn mạnh vào chính sách và hành động thực tế khi sự cạn kiệt của các nguồn năng lượng truyền thống đang là thách thức rất lớn đang phải đối mặt. Còn tại Việt Nam, việc đảm bảo an ninh năng lượng tạo nền tảng phát triển bền vững cũng là một trong những vấn đề thách thức trong bối cảnh hiện nay khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí đang được khai thác hết, hoặc đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy: “Điện năng sản xuất từ thuỷ điện năm 2030 sẽ chỉ chiếm khoảng 12,4%. Từ việc trước đây Việt Nam từng xuất khẩu điện sang Campuchia, Lào và cũng là nước xuất khẩu than lớn, đỉnh điểm lên tới 20 triệu tấn than/năm nhưng từ năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than và dự kiến sẽ nhập 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% sản lượng than cho nhu cầu phát điện đến năm 2020, tiếp tục tăng mạnh nhập khẩu than vào những năm sau đó”. Nói vậy để thấy rằng, tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng cần phải có sự gắn kết, mà qua đó rất cần những chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam trong thời gian tới khi các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường cũng tạo ra áp lực to lớn đối với việc thực hiện chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững.

Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước chúng ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn mà như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “Chưa bao giờ đất nước chúng ta có cơ đồ tốt đẹp như ngày hôm nay”. Trong thành tích chung đó của cả nước, chúng ta có thể tự tin, tự hào khẳng định rằng, ngành năng lượng Việt Nam đã có đóng góp hết sức xứng đáng. Điều đó không chỉ được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân của ta mà còn được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đến nay đất nước chúng ta đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới có những thay đổi về chất, đòi hỏi ngành năng lượng Việt Nam cũng phải có những bước phát triển mới. Trước tình hình đó, ngày 11/2 vừa qua, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo rất toàn diện và sâu sắc. Cụ thể, Nghị quyết 55 đã đưa ra nhiều giải pháp đột phá trong việc nâng cao chất lượng quản lý, khai thác sử dụng năng lượng như: Cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh; tách bạch chức năng kinh doanh với chức năng quản lý nhà nước. Đồng thời có cơ chế, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp năng lượng tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh, hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Có lần khi đề cập đến nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng, Đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam từng đưa ra một sự so sánh “đáng suy ngẫm”. Theo đó, trên thế giới tăng trưởng 1% GDP thì tăng trưởng năng lượng dưới 1%, còn ở Việt Nam tăng trưởng 7% GDP thì tăng trưởng năng lượng trên 10%. Cũng chính vì thế mà vị ĐBQH là nhà khoa học này cho rằng, bên cạnh sử dụng tiết kiệm năng lượng, cần hạn chế phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao năng lượng, chú trọng đầu tư phát triển các ngành tốn ít năng lượng. Và ông cũng khuyến nghị: “Tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch để đảm bảo mục tiêu phát triển năng lượng bền vững”.

Phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành, một lĩnh vực, không chỉ là vấn đề kinh tế, chất lượng tăng trưởng mà bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người. Do đó để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa năng lượng và kinh tế, điều cần thiết vào lúc này nằm ở trong chiến lược phát triển năng lượng cần ưu tiên khai thác tối đa nguồn năng lượng nội địa, tăng khai thác năng lượng tái tạo thông qua các giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo. Dẫu rằng, năng lượng tái tạo tuy có đắt hơn nhưng sẽ tạo giá trị bền vững, đặc biệt là tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho người lao động. Khi đảm bảo các tiêu chí an ninh năng lượng, Việt Nam sẽ tránh được bài toán phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ nước ngoài, trong bối cảnh an ninh năng lượng là trụ cột quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển năng lượng nhanh và bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO