Thành tựu giảm nghèo

Hoàng Mai 20/12/2018 08:00

Thông điệp của Tháng “Vì người nghèo” năm 2018 là “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực ra, cũng không phải đến năm nay chúng ta mới quan tâm người nghèo mà có thể khẳng định - đây là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với những người có hoàn cảnh khó khăn.

Thành tựu giảm nghèo

Hướng dẫn kỹ thuật để bà con trồng màu năng suất cao.

Ngay từ khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ giải quyết nạn đói là ưu tiên hàng đầu trong 6 nhiệm vụ Chính phủ phải giải quyết, trong đó Người đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta đấu tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

Từ đó đến nay, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững. Giảm nghèo vì thế đã trở thành một chủ trương lớn, một chương trình của quốc gia, giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc để quyết tâm thực hiện, vì đó còn là một trong những mục tiêu Thiên niên kỷ, phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.

Trong những năm gần đây, mỗi năm ngân sách nhà nước đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cũng như lồng ghép, thông qua các chương trình, dự án, chính sách cho giảm nghèo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế cũng dành sự ủng hộ rất to lớn đối với công tác giảm nghèo.

Về phía Chính phủ, để thực hiện nhiệm vụ “Chính phủ kiến tạo”, Chính phủ đã đề ra một số nhóm nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến quyền con người như “phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, “chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững” và “phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực đời sống; tập trung xây dựng con người”.

Chính phủ đã tập trung thúc đẩy các chính sách về phát triển bền vững, đặc biệt lồng ghép nội dung phát triển bền vững trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020.

Với cam kết mạnh mẽ triển khai hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của LHQ, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia với 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs) và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên của quốc gia. Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh được thành lập với sự tham gia của nhiều cơ quan. Nhiều bộ, ngành, địa phương thành lập Ban Chỉ đạo, Văn phòng Phát triển bền vững. Việt Nam cũng có Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.

Trong dịp công bố Báo cáo Quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ hồi đầu tháng 12 với sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế, báo cáo của Bộ Ngoại giao cho thấy, kể từ lần rà soát trước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình về xóa đói nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Năm 2016, Chính phủ ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chiến lược Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020…

Cùng với đó, nỗ lực phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp được thể hiện với việc thông qua Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở, phòng chống bão lụt; Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo. Tỷ lệ nghèo về thu nhập đã giảm nhanh trong suốt giai đoạn 1998-2016. Tỷ lệ nghèo giảm từ 7% năm 2015 xuống 5,2% năm 2016; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88 năm 2015 xuống 9,2% năm 2016 và 8% năm 2017 .

Không chỉ có thế, các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% (năm 2011) xuống còn 16,8% (cuối năm 2015). Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm khoảng 2% so với năm 2015 (cả nước giảm khoảng 1,3% - 1,5%), 98% số người thoát nghèo không bị tái nghèo. Giai đoạn 2014-2016, 38% người dân tộc thiểu số dịch chuyển lên nhóm có điều kiện kinh tế cao hơn (mức chung cả nước là 28%); 42% nhóm dễ tổn thương kinh tế đã chuyển sang nhóm an toàn kinh tế.

Giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam được nêu trong Báo cáo do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) phối hợp với các bộ ngành có liên quan Việt Nam vừa công bố tại Hà Nội hôm 19/12 cũng cho thấy, trong số 17 SDGs mà Việt Nam cam kết đạt được vào năm 2030, SDG1 về giảm nghèo có khả năng đạt được cao nhất. Thành tích về giảm nghèo đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong tổng số 193 nước thành viên của LHQ về chỉ số SDG năm 2018, tăng 9 bậc so với xếp hạng năm 2017. Về sự kiện này, bà Caitlin Wiesen, quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá tiến bộ Việt Nam đạt được trong giảm nghèo là “thành công ở tầm thế giới”.

Những con số đã nói lên tất cả. Điều đó cho thấy mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều hướng đến người dân. Đặc biệt hơn, nhóm yếu thế được quan tâm bằng một hệ thống chính sách và giải pháp đồng bộ. Sự vào cuộc của các cấp các ngành trong đó có sự góp sức của hệ thống Mặt trận các cấp và của chính người dân đã giúp công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được thành công. Hay nói cách khác, sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, của toàn xã hội được nhân lên, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, hộ nghèo, tiếp tục vun đắp, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành tựu giảm nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO