Thay đổi, nói dễ hơn làm

Hữu Nguyên 23/09/2016 09:00

Lần đầu tiên sau hơn một thập niên, ngành nông nghiệp Việt Nam có mức tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm nay. Điều đó phản ánh thực trạng khá ảm đạm trong một lĩnh vực được xem là trụ cột của nền kinh tế. Đồng thời cũng cho thấy nhiều bất cập trong chính sách phát triển, trong quy định của pháp luật và cả tập quán, thói quen tư duy đang trở thành gánh nặng cho ngành này.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới bức tranh ảm đạm của nông nghiệp Việt Nam thường được đưa vào trong các báo cáo và cũng dễ được chấp nhận là do tác động xấu của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là một trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có nhiều dẫn chứng rất rõ cho điều đó. Biến đổi khí hậu đã làm cho sản xuất truyền thống của chúng ta bị đảo lộn, nước biển dâng, thậm chí Đồng bằng sông Cửu Long nguy cơ theo kịch bản đã công bố sẽ ngập tới 1m sau 100 năm nữa. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ này với tốc độ khốc liệt hơn, nhanh hơn.

Nguyên nhân thứ hai cũng thường được viện dẫn là do tác động của hội nhập kinh tế toàn cầu. Chúng ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới, điều này đồng nghĩa là hàng nông sản Việt Nam có cơ hội đi thị trường quốc tế nhiều hơn nhưng chúng ta sẽ phải chịu chấp nhận cạnh tranh khốc liệt với các hàng hóa thế giới vốn có sức cạnh tranh nhiều hơn của chúng ta về tài nguyên, khoa học, công nghệ, sức sản xuất, quản trị.

Nguyên nhân thứ ba, được cho là nút thắt lớn nhất, quan trọng và tùy thuộc rất nhiều vào các cố gắng của chính bản thân chúng ta. Nông nghiệp Việt Nam sau nhiều thập niên đổi mới hiện vẫn dựa trên nền sản xuất nhỏ lẽ, quy mô phân tán là chính. Điều này đã làm cho năng suất lao động thấp so với khu vực và thế giới, không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập và còn rất khó cạnh tranh về kinh tế khi hội nhập.

Như vậy, cùng một lúc ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải chịu ít nhất 3 áp lực. Do đó, không còn con đường nào khác ngoài việc phải thay đổi, tái cơ cấu ngành theo hướng sản xuất hàng hóa chuỗi giá trị bền vững có giá trị gia tăng cao, cải thiện đời sống cho người nông dân. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường, đây cũng chính là thời điểm bước ngoặt buộc chúng ta phải biến thách thức thành cơ hội để thay đổi và phát triển.

Tái cơ cấu, thay đổi để phát triển, nói thì rất dễ nhưng hành động để mang lại hiệu quả thực tế thì không hề đơn giản. Đầu tiên phải kể tới việc thay đổi nhận thức và tư duy trong chính sách, quy hoạch đầu tư và phát triển nông nghiệp từ giới chức trách cho tới từng người dân trong xã hội cũng không phải là chuyện có thể làm được ngay trong ngắn hạn.

Thiên tai và biến đổi khí hậu mặc dù đã được dự báo từ lâu, không phải là chuyện bất thường, thế nhưng do sự chủ quan của chúng ta nên hậu quả càng trở nên hết sức nặng nề khi diễn biến trong dự báo trở thành hiện thực. Đã đến lúc, người dân và chính quyền các cấp không thể chậm trễ hơn nữa, cần thay đổi tư duy về ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu để có những chính sách và chương trình hành động tương xứng.

Chỉ đơn cử, trong rất nhiều năm qua, tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp trong tổng ngân sách quốc gia hàng năm rất thấp đã góp phần không nhỏ khiến cho công tác ứng phó với thiên tai, chủ động trong sản xuất trở nên kém hiệu quả. Nông nghiệp hiện đóng góp gần 18%-20% GDP, tạo việc làm cho khoảng một nửa lao động cả nước, cung cấp 15% giá trị xuất khẩu nhưng tổng đầu tư toàn xã hội cho toàn ngành nông nghiệp chỉ 5%-6%. Đáng chú ý, chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp của toàn nền kinh tế tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn lại chỉ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chúng ta phải thay đổi về mô hình tăng trưởng, có cách cư xử khác với nông nghiệp, có sự đầu tư đáng kể, đổi mới thể chế thì nông nghiệp mới tăng khả năng trăng trưởng, tăng khả năng cạnh tranh, chống chịu được những rủi ro biến đổi khí hậu và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế. Các chính sách vĩ mô không chỉ khuyến khích đầu tư bền vững cho nông nghiệp mà còn phải đồng bộ trong mối quan hệ giữa cách ngành có mối tương tác mang tính mâu thuẫn buộc phải lựa chọn trên cơ sở lợi thế so sánh.

Chẳng hạn như mới đây, tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu phát triển trở thành địa phương hàng đầu cả nước trong lĩnh vực nuôi tôm nên đã không ngần ngại từ chối các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Bạc Liêu là một dẫn chứng điển hình cho việc định hướng chính sách thay đổi để thích ứng và phát triển bền vững với chủ đề con tôm. Từ mô hình Bạc Liêu, giới chức nông nghiệp Việt Nam đang có tham vọng đưa con tôm trở thành một ngành công nghiệp với kim ngạch không dừng ở 4 tỷ USD như hiện nay mà dư địa có thể lên đến 8-10 tỷ USD/năm vì có thể mở rộng theo kịch bản nước biển dâng. Hiện vùng nuôi tôm giống chất lượng để cung cấp cho cả nước đã được Bộ NN&PTNT xác định là 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Tuy nhiên, điều đáng nói là các vùng biển có khả năng ảnh hưởng tới môi trường phát triển con tôm trong khu vực nói trên lại đang bị đe dọa bởi các nhà máy, khu công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nặng đã được đưa vào quy hoạch của ngành công thương.

Thay đổi chính sách hoạch định kinh tế vĩ mô phù hợp và thích ứng với môi trường, biến đổi khí hậu để tạo nền tảng cho nông nghiệp Việt Nam phát triển do đó nói dễ hơn làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi, nói dễ hơn làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO