Tiếp tục chống tham nhũng, tiêu cực để phấn khởi, vững tin bước vào Đại hội Đảng

Vũ Lân 28/05/2020 08:00

Ngày 26/5, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Mặc dù khối lượng công việc lớn, nhiều việc khó, lại chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, nhưng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không hề dừng lại, mà vẫn tiếp tục, tạo không khí tin tưởng phấn khởi đi vào đại hội.

Thực ra, về nguyên tắc, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực không cản trở công tác xây dựng Đảng, thậm chí còn hỗ trợ tích cực, góp phần Đại hội thành công. Nhưng bấy lâu nay, vì lý do khác nhau mà thời gian gần Đại hội, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhiều khi bị chùng xuống. Đến nay đã khác. Đây là thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta, đồng thời là tín hiệu vui khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng không còn xa nữa, nhất là đáp ứng sự mong mỏi, chờ đợi của nhân dân. Có lẽ chưa bao giờ, trước Đại hội có già nửa năm, Đảng ta lại tích cực và quyết liệt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như Đại hội lần này. Điều này có thể giải thích bằng một số lý do chính như sau:

Từ trước đến nay, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, khâu nhân sự của Đại hội bao giờ cũng được chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, cụ thể. Ấy vậy mà tình hình tham nhũng, tiêu cực vẫn trong tình trạng nhiệm kỳ sau lại lan rộng, phức tạp, nghiêm trọng hơn nhiệm kỳ trước, kể cả trong những cán bộ cấp cao.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, mặc dù Đảng ta đã tích cực thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận khác của Trung ương, ấy vậy mà cho đến nay, đã có 100 cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật, thậm chí bị “vào vòng lao lý”, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị.

Dù rằng có nhiều vụ án đã xảy ra ở thời gian trước đó nhưng tới nhiệm kỳ XII mới đưa ra xét xử, nhưng điều này chứng tỏ công tác nhân sự tại Đại hội XII đã để lọt những đảng viên không đủ tiêu chuẩn, vi phạm kỷ luật vào BCH Trung ương, thậm chí cả trong Bộ Chính trị.

Con số 100 chắc chưa dừng lại bởi vì từ nay đến hết năm 2020 các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra 13 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 17 vụ án, xét xử sơ thẩm 21 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 18 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã đề ra.

Chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta đạt được những thành tích, ghi dấu ấn, tạo sự chuyển biến tích cực như trong nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực được ngăn chặn, đẩy lùi một bước, góp phần quan trọng làm Đảng ta trong sạch hơn, thế giới đánh giá cao hơn, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta được tăng cường. Nói một cách hình ảnh thì “Lò đã cháy lên rồi” “củi tươi, củi ướt” vẫn còn đó, công tác phòng, chống tham nhũng phải được tiếp tục, làm trong sạch đội ngũ, tạo niềm tin, phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhân dân, góp phần cho thành công cùa Đại hội Đảng.

Đại hội Đảng có nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề phải quyết định tập thể, trong đó “gốc” của mọi công việc là cán bộ mà cán bộ ở đây là ở tầm chiến lược, những lãnh đạo chủ chốt của cả hệ thống chính trị nước ta trong những năm trước mắt. Do vậy những đại biểu đi dự Đại hội, nhất là những ứng viên BCH Trung ương phải được lựa chọn, sàng lọc cho thật kỹ. Thời gian qua, vấn đề nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng nổi lên, thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân.

Tất nhiên nhân sự BCH Trung ương Đảng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đã được đề ra, đồng thời không phạm sai lầm khuyết điểm, trước hết phải không để lọt những người tham nhũng, tiêu cực vào BCH Trung ương cũng như những vị trí lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Một trong những vấn đề vẫn đang nổi lên mà quần chúng, nhân dân dễ thấy, dễ biết và rất quan tâm hiện nay và chờ Đảng ta xử lý. Đó là những đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý “kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”.

Chính vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo sự phấn khởi trong toàn Đảng, toàn dân, vững tin bước vào Đại hội XIII của Đảng cần sự quan tâm đặc biệt đến công tác nhân sự. Vấn đề này rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm cộng với cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập. Đó là việc giám sát, kiểm tra kê khai tài sản của các ứng viên BCH Trung ương vẫn còn hình thức, nhất là mức độ chính xác, chân thực của bản kê khai.

Vấn đề nổi lên là, Trung ương, các cơ quan chức năng có thể rà soát, kiểm tra xem liệu trong số trong số những Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII những ai không đủ tiêu chuẩn, nhất là tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật...thì không để lọt vào đại biểu dự Đại hội hay ứng cử Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XIII.

Dư luận cán bộ, quần chúng, nhân dân cho thấy vẫn còn những cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược có biểu hiện giàu nhanh, có nhiều nhà, nhiều đất, vợ, chồng, con thiếu gương mẫu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi bất chính nhưng từ lâu đã được che giấu rất tinh vi.

Thời gian từ nay đến Đại hội XIII không còn nhiều, vậy việc kê khai, kiểm tra, giám sát tài sản của các ứng viên BCH Trung ương khóa liệu có kịp mà không bỏ sót người lọt tội? Việc xác định độ trung thực của bản kê khai, nếu không trung thực thì xử lý sao cho kịp thời gian trước khi Đại hội; nhiều thủ đoạn tẩu tán tài sản tinh vi cho vợ, chồng, con, người thân, kể cả người vị thành niên nhưng chưa có cơ chế xác minh, xử lý, thậm chí không bị tịch thu; cơ chế tiêu dùng tiền mặt phổ biến hiện nay khiến rất khó có căn cứ để xác minh, kiểm tra, giám sát; và còn một loạt vấn đề khác liên quan đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, lợi ích nhóm...những biểu hiện không dễ nhận ra.

Chắc chắn Đảng ta sẽ có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để thực hiện cho được quyết tâm chính trị của mình. Qua thực tiễn công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ XII, nhất là kinh nghiệm từ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực những năm qua, nhất định công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, vi phạm kỷ luật vào BCH Trung ương cũng như vào vị trí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đây là giai đoạn để nguyên tắc tự phê bình và phê bình phát huy tác dụng.

Qua công tác này, những ai không đủ tiêu chuẩn, những đảng viên không xứng đáng, chưa bị lộ hãy tự nguyện rút lui khỏi hàng ngũ cán bộ chiến lược trước khi bị Đảng, nhân dân phát hiện ra.

Bấy lâu nay, công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức, nội chính, bảo vệ chính trị nội bộ đã phát huy tốt vai trò, chức năng của mình, thì nay sẽ là những chốt chặn cuối cùng để phát hiện, xử lý những dấu hiệu vi phạm của những cán bộ, đảng viên trước thềm Đại hội.

Một điều vô cùng quan trọng là Đảng phải có cơ chế, quy định để thật sự dựa được vào dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngoài việc phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đại diện cho dân, Đảng cần có cách hỏi dân về những người cán bộ của mình. Dân biết hết đấy, nhưng ai sẽ là người hỏi dân để người dân nói ra ý nghĩ của mình...”. Được lời như cởi tấm lòng”, người dân sẽ phấn khởi, tin tưởng, vững bước cùng Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm cho Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục chống tham nhũng, tiêu cực để phấn khởi, vững tin bước vào Đại hội Đảng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO