Tôn vinh và đầu tư

Nam Việt 04/09/2015 06:10

Tôn vinh người nông dân phải đi liền với tái cấu trúc nền nông nghiệp, phát huy vai trò của hợp tác xã kiểu mới và phải có cơ chế thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. 70% dân số nước ta sống tại nông thôn, trong đó tỉ lệ người làm nông nghiệp rất cao. Đó là “vùng đất’” mênh mông để đầu tư, phát triển.

Tôn vinh và đầu tư

Lễ tôn vinh những nông dân Việt Nam xuất sắc, ngày 11/10/2014.

Hôm nay, 4/9, diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam lần thứ IV và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc. Đây là ngày vui của người nông dân Việt Nam- những người một nắng hai sương dựng nên “trụ đỡ của nền kinh tế”. Với những gì mà họ đóng góp cho đất nước từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, tiếng trống Tiền Hải, Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, qua các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước trong thế kỉ XX và dựng xây đất nước- nông dân Việt Nam xứng đáng được tôn vinh.

Ngay từ tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương- tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay. Tại phiên họp ngày 17/1/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14/10/1930 làm ngày kỷ niệm thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương lúc mới thành lập gồm 8 điều, trong đó nêu rõ mục đích ‘’Thống nhất hết thảy để đấu tranh, bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa’’.

Ngày 6/8/1949, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 02- NQ/TW về việc thành lập Ban Nông vận Trung ương. Trong kháng chiến chống Pháp, trụ sở Ban Nông vận Trung ương đóng tại Bản Lá (Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), sau chuyển sang thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Tháng 11/1949, trong Thư gửi Hội nghị Cán bộ nông dân cứu quốc toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thực sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”. Hội nghị đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau đổi tên là Ban Liên lạc nông dân toàn quốc).

Còn tại miền Nam, trong thời điểm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập.

Sau chiến thắng 30/4/1975, đất nước thống nhất, ngày 25/6/1977, Ban Bí thư ra Thông báo số 16-TB/TW về việc thành lập Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương. Tới ngày 27/9/1979, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 78-CT/TW về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Ngày 1/3/1988, Ban Bí thư ra Quyết định số 42-QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam.

Từ đây, Hội Nông dân Việt Nam có chức năng tập hợp, vận động, giáo dục hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt; Đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; Tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất và đời sống.

Như vậy, kể từ khi thành lập tổ chức của mình (10/1930), nông dân Việt Nam đã được Đảng tập hợp, tổ chức, lãnh đạo; đồng thời vai trò của nông dân Việt Nam- Hội Nông dân Việt Nam đã được xác định là vô cùng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng.

Đại hội thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam lần thứ IV và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc diễn ra lần này đúng vào lúc công cuộc đổi mới nông nghiệp đang được gấp rút tiến hành. Thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được vị thế mới. An ninh lương thực bảo đảm, xuất khẩu nông sản tăng mạnh, Việt Nam trở thành một trong số quốc gia đứng hàng đầu xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, hạt điều, cá tra, tôm… Tuy nhiên, giá trị sản phẩm vẫn là vấn đề phải bàn. Dù cho khối lượng xuất khẩu lớn, nhưng lợi nhuận thu về không cao, nên người nông dân vẫn thiệt thòi. Câu chuyện “được mùa rớt giá” với cây trồng; “treo chuồng, treo ao” với chăn nuôi vẫn diễn ra. Đây đó còn có chuyện người nông dân trả lại ruộng vì làm lụng vất vả nhưng không có lời...

Tái cấu trúc nông nghiệp, đổi mới nền nông nghiệp phải được đặt ra như một thực tế cấp bách. Nếu không, sẽ tụt hậu. Việc phát huy sức mạnh của những hợp tác xã kiểu mới cần được nhân rộng và đi vào chiều sâu. Ở đây, có câu chuyện tích tụ ruộng đất để có thể phát triển trồng trọt quy mô lớn, để có điều kiện ứng dụng khoa học - kĩ thuật và cũng là để sản xuất có quy hoạch, không để tái diễn việc được mùa rớt giá, cũng như không để bà con nông dân thua thiệt do bị tư thương ép giá.

Câu chuyện liên kết 4 nhà đặt ra đã lâu, cũng như chuyện cánh đồng mẫu lớn vậy, nhưng đến nay vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng. Ruộng đất vẫn không tích tụ được theo như yêu cầu, “4 nhà” vẫn chưa cùng nhìn một hướng bởi “nhà” nào cũng nghĩ tới phần lợi của mình trước mà không có tư duy “cùng thắng”. Vấn đề vốn đầu tư cho nông nghiệp cũng còn nhiều hạn chế. Người nông dân khó tiếp cận vốn vay ngân hàng vì yêu cầu thế chấp. Còn các doanh nghiệp vẫn không mặn mà đầu tư vào khu vực này vì lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn lâu, tính rủi ro lại cao.

Tôn vinh người nông dân phải đi liền với tái cấu trúc nền nông nghiệp, phát huy vai trò của hợp tác xã kiểu mới và phải có cơ chế thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. 70% dân số nước ta sống tại nông thôn, trong đó tỉ lệ người làm nông nghiệp rất cao. Đó là “vùng đất’” mênh mông để đầu tư, phát triển. Trong chiến tranh, người nông dân đóng góp mồ hôi, công sức và máu xương của mình. Trong thời bình dựng xây đất nước, họ đã trần lưng ra để đất nước có thể tự hào về ngành nông nghiệp. Việc “cởi trói”, đầu tư mạnh vào khu vực nông thôn để thúc đẩy nông nghiệp phát triển là điều phải làm, không chỉ trước mắt mà còn rất lâu dài.

Vì thế mới nói, bên cạnh tôn vinh thì cần phải đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tôn vinh và đầu tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO