Ứng phó với điểm nóng tội phạm ma túy

Thành Luân 24/07/2019 08:00

Tình hình tội phạm ma túy xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thời gian qua đang đặt ra nhiều lo ngại với liên ngành Công an - Hải quan thành phố cũng như đối với xã hội. Hải quan TP HCM cho biết, chỉ tính đến cuối tháng 6 năm nay, đã có 29 vụ buôn bán, vận chuyển ma túy lớn bị bắt giữ tại các cửa khẩu (đường sông/biển, cảng hàng không). Số lượng lên tới hàng tấn ma túy các loại, trong đó có chuyên án lớn nhất cả nước được phát hiện, bắt giữ từ trước đến nay, với gần nửa tấn ma tuý giấu trong các thùng loa.

Một lãnh đạo ngành Hải quan TP HCM cho biết, các băng nhóm ma túy xuyên quốc gia không chỉ coi đô thị lớn nhất phía Nam của Việt Nam là nơi trung chuyển ma túy cho khu vực “Tam giác vàng” (Thái Lan, Lào, Myanmar), Lưỡi Liềm Vàng (Afghanistan, Iran, Pakistan), các quốc gia Nam Mỹ, châu Phi”, mà còn là một thị trường tiêu thụ màu mỡ của chúng.

Trong chuyên án phối hợp bắt giữ gần gần nửa tấn ma tuý cách đây mấy tháng, liên ngành Công an, Hải quan đã mở rộng việc điều tra, qua đó tiếp tục thu giữ số lượng ma túy lên đến 1,1 tấn cất giấu trong các loa thùng, do hai nghi phạm nước ngoài vận chuyển qua TP HCM. Vụ này được phá, cùng với một vụ có thủ đoạn, hành vi tương tự được bắt giữ tại Nghệ An trước đó, đã đặt ngành công an vào một giai đoạn đấu tranh, truy quét mới đối với tội phạm ma túy.

Báo động về thực trạng ma túy “khủng” đang tràn về TP HCM, Thiếu tướng Phan Anh Minh- nguyên Phó GĐ Công an TP HCM còn cho rằng, hoạt động của tội phạm về ma túy không chỉ coi thành phố là địa bàn trung chuyển sản xuất ma túy mà còn là thị trường tiêu thụ của chúng, mang tính chất công nghiệp. Đáng lo ngại là các băng nhóm sử dụng cả vũ khí quân dụng nhằm mục đích để thanh toán lẫn nhau và sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm nguy hiểm này còn đan xen giữa các yếu tố về kinh tế, hình sự, ma túy, núp bóng dưới danh nghĩa doanh nghiệp, hay liên kết đầu tư vùng miền, thể sự tinh vi, diễn biến phức tạp hơn, khiến việc phát hiện, bắt giữ ngày càng khó khăn. Gần đây tội phạm ma túy ở một số nước Nam Mỹ cũng có dấu hiệu chọn Việt Nam làm nước trung chuyển bởi có giao thông kết nối nhanh với các nước khác, thuận tiện giao thương. Ngoài ra, do nước ta quản lý ngoại tệ còn yếu kém, cửa khẩu còn thiếu sót so với các nước trên thế giới nên trở thành “điểm ngắm” của loại tội phạm này.

Với đặc thù là đô thị đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, cùng với việc “nở rộ” các loại hình kinh doanh nhạy cảm, như quán bar, vũ trường và các nhà hàng trá hình, biến tướng bar, vũ trường, khiến chính quyền TP HCM thật sự lo lắng. Bên cạnh đó, các loại tội phạm về ma túy cũng rất dễ lợi dụng các loại hình này để mua bán, dụ dỗ, lôi kéo các đối tượng trong nước vào sử dụng ma túy. Từ đó, nhiều người nghiện ở các địa phương khác cũng kéo về các đô thị lớn, trong đó có TP HCM, gây bất ổn về an ninh trật tự xã hội.

Để kiểm soát tình trạng buôn bán, vận chuyển ma tuý, liên ngành Hải quan - Công an cho rằng, cần phải lên phương án nhằm hạn chế tình trạng này. Các băng nhóm tội phạm ma túy đang có nhiều dấu hiệu của việc coi TP HCM và một số cửa khẩu của Việt Nam là nơi trung chuyển mặt hàng trắng, sau đó xuất khẩu đi các nước. Riêng ngành hải quan TP HCM vừa họp bàn, xác định đẩy mạnh việc giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với mặt hàng này tại các cảng hàng không và hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đường sông và đường biển trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đầu tư trang thiết bị để tăng cường việc soi chiếu, cùng các biện pháp nghiệp vụ phát hiện ma túy đối với các lô hàng nhập khẩu, đặc biệt là các lô hàng có nguồn gốc từ các khu vực trọng điểm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển ma túy như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar…

Mới đây, tại Hội nghị về kiểm tra đánh giá việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 33 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn TP HCM”, lãnh đạo của bộ, ngành chức năng và TP HCM cùng nhận định những nguy cơ, thách thức rất lớn hiện nay khi hầu hết các trường hợp vận chuyển ma túy lớn từ trước đến nay bắt đầu được phát hiện, bắt giữ với tần suất nhiều hơn vào nửa đầu năm nay. Liên ngành Hải quan - Công an cũng lo ngại, khi Việt Nam chú trọng đánh mạnh tội phạm ma túy ở các tỉnh biên giới phía Bắc, thì các băng nhóm lại có xu hướng chuyển vào phía Nam, mà cụ thể là vào TP HCM. So với trước đây là một thực tế vô cùng phức tạp.

Một thông điệp được đặt ra từ Hội nghị trên, là đến lúc cả trung ương và TP HCM cần phải quyết liệt hơn, nhất là đầu tư về các máy móc, trang thiết bị soi chiếu phát hiện ma túy (như Chính phủ Thái Lan vừa triển khai) để đối đầu với loại tội phạm nguy hiểm này. Nhất là lo ngại về thực trạng tội phạm ma túy mới, trong đó có ma túy đá phát sinh nhiều, sẽ khiến giới trẻ sử dụng nhiều hơn, gây ra các hệ lụy bất ổn về mặt xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng phó với điểm nóng tội phạm ma túy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO