Ưu tiên cho trẻ em

Vi Cầm 10/01/2020 07:00

Năm học vừa rồi lớp học của con tôi chỉ còn lại 60 bạn. Đây là sĩ số của lớp 4 tại một trường tiểu học thuộc quận Hoàng Mai- Hà Nội. Khi tôi kể chuyện này với người thân và bè bạn, nhiều người tròn mắt ngạc nhiên: 60 em một lớp thì học hành làm sao? Tôi đành phải giải thích rõ hơn, sĩ số như thế này là đã giảm đáng kể so với hồi các cháu bắt đầu bước vào lớp 1, do phụ huynh xin chuyển trường cho con. Thời điểm đông nhất lớp học này đã lên tới 68 cháu.

Ưu tiên cho trẻ em

Ảnh minh họa.

Không riêng gì quận Hoàng Mai, mà nhiều địa bàn khác trên địa bàn Thủ đô cũng đang quá tải trường lớp. Đặc biệt là ở những khu đô thị mới như các quận Hoàng Mai, Từ Liêm, Thanh Xuân… Ở những nơi này, trường tiểu học/trung học cơ sở xưa kia vốn là trường làng, chỉ để phục vụ cho người dân sở tại. Nay do quy mô dân số gia tăng quá nhanh, thành thử trường làng xưa phải “cõng” lượng học sinh tăng gấp 4,5, thậm chí gấp gần mười lần so với sức chứa. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều trường học phải tổ chức dạy- học luân phiên, học sinh phải nghỉ học 2 ngày trong tuần mới có đủ lớp cho hàng ngàn học sinh của trường. Lâu dần rồi cũng thành quen, người dân phải chung sống với mọi thứ đang trở nên quá tải do quy hoạch đồng bộ trong việc phát triển các khu đô thị mới, xây nhà ở mà “quên” xây trường.

Nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông nhưng việc đầu tư xây dựng không đúng với dự án, chậm xây dựng so với tiến độ xây nhà ở. Đơn cử rõ nhất như Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm (Hoàng Mai) quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, nhưng đến nay mới chỉ có 1 công trình trường tiểu học hoàn thành và đưa vào sử dụng. Còn 5 ô đất thì Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Xây dựng đã chuyển nhượng hạ tầng 2 ô cho nhà đầu tư thứ cấp nhưng chưa xây dựng công trình; 2 ô đất đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch và 1 ô còn lại đang vướng mắc, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Thiếu trường học đã đành, ở những khu đô thị mới nói chung, khu vui chơi cho trẻ em cũng gần như không có. Vì lẽ đó cái thiệt thòi của trẻ em đô thị hôm nay là thiếu đi sự gắn kết cộng đồng từ những khu vui chơi công cộng. Theo các chuyên gia tâm lý học, điều này tác động rất rõ tới việc thiếu hụt kỹ năng sống của trẻ.

Trước đó, từ năm 2017 trước thực trạng nhiều địa phương, nhiều khu đô thị thiếu trường học, Bộ GDĐT đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Cùng với đó, Bộ GDĐT cũng đề nghị các tỉnh dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục. Khuyến khích, huy động đến mức cao nhất mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức (góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng...) để góp phần giải quyết các khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.

Dẫu vậy, nhiều năm qua những nỗ lực giải tỏa tình trạng quá tải trường lớp/thiếu khu vui chơi dành cho trẻ em vẫn chưa đáng được là bao.

Có lẽ vì thế mà thông tin tỉnh Bình Định tới đây sẽ dành nhiều khu “đất vàng” xây trường học đang khiến dư luận chú ý nhiều hơn. Theo quy hoạch mới, diện tích đất tỉnh Bình Định dành cho giáo dục sẽ tăng từ 18,7ha lên 29ha, nhiều trường sẽ được xây tại các khu đất đẹp dọc núi Bà Hỏa, khu dân cư Hưng Thịnh, khu đô thị Hồ Phú Hòa... Người dân rất mừng trước chủ trương ấy và cũng mong nó sẽ sớm trở thành hiện thực chứ không chỉ là những bản quy hoạch trên giấy.

Rồi qua các phương tiện truyền thông, mới đây nhiều người đã biết đến câu chuyện Trường Mẫu giáo Măng Non khang trang vừa khánh thành, lại nằm ở hai mặt tiền rộng rãi (trục ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Huệ), ngay cửa ngõ vào trung tâm phố cổ Hội An - Quảng Nam. Trước khi Trường Mầm non này được xây, có không ít đồn đoán rằng sẽ có một siêu thị chuyên hàng hiệu hoặc nhà hàng, khách sạn cao cấp mọc lên…Nhưng không phải thế, lãnh đạo TP Hội An đã hiện thực hóa chủ trương dành đất đẹp để xây trường. Trong mắt người dân, với diện tích đất đai chật hẹp và quá đông khách du lịch như Hội An thì nơi đặt Trường Mẫu giáo Măng Non không phải là khu đất “vàng”, mà phải gọi là khu đất “kim cương”, bởi người có tiền thậm chí không thể mua nổi. Chỉ mong ngày càng có nhiều chủ trương nhân văn như thế/ những ưu ái dành cho con trẻ, cho sự nghiệp giáo dục được hiện thực hóa ở nhiều địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ưu tiên cho trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO