Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: Bảo đảm khả thi, nhanh chóng, kịp thời

H.Vũ 06/12/2021 06:10

Ngày 5/12 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững được khai mạc theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 57 điểm cầu trong nước và quốc tế (Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Thái Lan).

Quy mô và tính khả thi của gói hỗ trợ

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đại diện cho nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các chuyên gia đã trình bày một số gợi ý chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Lực, chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển cần phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa. Nhất là cần có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó cần hỗ trợ cả “tổng cung” và “tổng cầu”, tính khả thi và triển khai nhanh.

Theo ông Lực, tổng hợp các gói chính sách, gói hỗ trợ gồm: chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, chính sách an sinh xã hội và chính sách khác sẽ khoảng 843.845 tỷ đồng, tương đương 10,38% GDP năm 2021. Tổng giá trị thực tế là 445.760 tỷ đồng, chiếm 5,48% GDP.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, theo tính toán, gói hỗ trợ cần từ 6-8% GDP và trực tiếp chi cho y tế, người lao động, chú trọng cho cả cung và cầu, cho các động lực tăng trưởng.

“Chính sách tiền tệ phải giảm mặt bằng lãi suất, tăng cung tiền hợp lý. Chính sách tài khoá cần tập trung chi tiêu cho các mục tiêu y tế, nhà ở xã hội, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, giãn, hoãn thuế phí, đẩy mạnh đầu tư công, ưu tiên các dự án có thể hấp thụ vốn”- ông Tuấn đề nghị.

Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) cũng cho rằng, hiện gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5-7% GDP. Trong khi dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo, trong ngắn hạn Việt Nam có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế.

Còn theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, gói hỗ trợ cần tập trung cả phía cung và phía cầu, phối hợp hài hoà hiệu quả các chính sách vĩ mô, đủ lớn và có trọng tâm để tạo ra cú hích và tạo sự thay đổi cho nền kinh tế nhưng tránh nguy cơ có thể gây lãng phí.

“Gói này phải khả thi và thực thi nhanh, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có khả năng hấp thụ nhanh, an toàn. Nhưng quan trọng phải bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia. Cho nên cần đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Trong giai đoạn nhất định, một số chỉ tiêu có thể thay đổi song phải cân đối khả năng vay, trả nợ và khả năng hấp thụ của nền kinh tế”- ông Thanh nói và cho rằng, phải hết sức công khai minh bạch về gói hỗ trợ. “Nhanh, rộng nhưng phải có cơ chế giám sát để chính sách phát huy tác dụng, chống tham nhũng lãng phí, lợi ích nhóm” – ông Thanh nhấn mạnh.

Phải đánh giá được sức “hấp thụ” của các chính sách

Để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị, trước mắt cần đẩy mạnh chiến lược vaccine. Cần công bố công khai, cập nhật các phác đồ điều trị thuốc chữa Covid-19 để tạo tâm lý an tâm trong xã hội, thông tin nhanh nhất về các diễn biến của dịch bệnh, để định hướng người dân, DN trong sản xuất, làm sao vừa đảm bảo an toàn, vừa phát triển kinh tế ổn định.

“Cần phải thể chế hóa các chính sách hỗ trợ kịp thời, khắc phục những hạn chế trong công tác triển khai thực hiện chính sách” - ông Bảo nói và đề nghị cần có chính sách miễn thuế thu nhập DN trong thời gian từ 3-5 năm.

GS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc tăng cường nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế, cần đánh giá được sức “hấp thụ” của các chính sách hỗ trợ này ra sao, để đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát.

“Hiện tại, tiêu chí để đánh giá, xác định hiệu quả của việc hấp thụ nguồn vốn hỗ trợ cho các DN đều rất chậm. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng chậm”- ông Cường dẫn chứng và nhìn nhận, điều này chứng tỏ sức hấp thụ nguồn vốn hỗ trợ của nền kinh tế đang có vấn đề.

Trong khi đó, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, khi tiến trình hồi phục đang được triển khai hiệu quả, Việt Nam cần tập trung vào tăng trưởng bền vững; tạo sức chống chịu cao nhờ vào tăng trưởng xanh; chuyển đổi nền kinh tế, số hóa và Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh: Cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhất là, Việt Nam nên chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi cần thiết như: Tạo không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, tiêm chủng và trợ cấp; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; cải cách, nâng cao năng suất lao động.

Tăng cả tổng cung và tổng cầu

Phát biểu kết luận Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, diễn đàn đã dành nhiều thời gian thảo luận về các chính sách tài chính, tài khóa tiền tệ, an sinh xã hội. Căn cứ nghiên cứu sâu sắc hơn, để chuẩn bị cho kỳ họp bất thường cuối năm nay, đầu năm 2022. Tác động của đại dịch Covid-19 là bất ngờ, chưa biết bao giờ chấm dứt, nhất là gần đây đã xuất hiện thêm chủng mới Omicron. Dịch đã gây ra thiệt hại nặng nề các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo Chủ tịch Quốc hội, 2 năm qua, chúng ta thiệt hại khoảng 37 tỷ USD, trên 500 nghìn tỷ đồng, chưa tính các thiệt hại khác. Do đó rất cần gói hỗ trợ. Như thế giới là 65-35, tức là tài khóa là 65%, còn tiền tệ là 35%, thời gian thực hiện trong 2 năm. Tuy nhiên gói hỗ trợ phải đảm bảo tính khả thi, nhanh chóng và kịp thời phục hồi nền kinh tế, nền tảng cho giai đoạn mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài là vấn đề khó. Cho nên giải pháp đề ra phải lâu dài, gói hỗ trợ cần lớn hơn, đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng xanh, bền vững. Gói hỗ trợ cần đúng và trúng tạo sự lan tỏa để kích thích đầu tư. Đặc biệt, cần chú trọng tăng cả tổng cung và tổng cầu.

“Cung là hỗ trợ cho DN, người dân. Còn cầu là kích cầu thị trường hàng hóa, đầu tư trong nước của các thành phần kinh tế”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đồng thời cho rằng quy mô của gói hỗ trợ phải đủ lớn, đủ liều lượng mới hiệu quả.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: Việt Nam cần thúc đẩy sản xuất vaccine

Việt Nam cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư cho y tế, tiêm vaccine cho người dân. Tăng cường phối hợp giữa các nước để có vaccine, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước qua đó đảm bảo sức khỏe người dân. Đồng thời cần kết nối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để phát triển du lịch, tạo ra việc làm, đẩy nhanh chuyển đổi số, đào tạo nghề cho DN nhỏ ở địa phương để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Chú trọng đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân

Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ để tái thiết nền kinh tế. Đặc biệt là giảm sự cứng nhắc trong hệ thống phân bổ ngân sách. Cho phép nguồn vốn được phân bổ dễ dàng hơn giữa các danh mục chi tiêu. Cân nhắc kỹ lưỡng hơn về danh mục các khoản đầu tư hiện nay. Áp dụng các cơ chế số hóa mới để đạt được hiệu quả cao hơn. Đầu tư cho các DN tư nhân để giúp họ ứng dụng được những công nghệ số mới, nhằm giúp cho Việt Nam giữ được vị thế tiên phong trong mặt trận đổi mới và công nghệ. Bởi khu vực tư nhân chính là động lực cho quá trình phục hồi và phát triển của Việt Nam.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Chúng ta có tiềm năng để bứt phá về kinh tế số

Về nền kinh tế số, Việt Nam có tiềm năng để có thể bứt phá. Theo số liệu, quy mô kinh tế số Việt Nam năm 2021 đạt 21 tỷ USD. Dự báo đến 2025, chúng ta đứng thứ hai Đông Nam Á với 54 tỷ USD, chỉ thua Indonesia (146 tỷ USD).

Về các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế, chính sách tiền tệ phải giảm mặt bằng lãi suất, chính sách tài khóa tập trung chi tiêu cho các mục tiêu về y tế; nhà ở xã hội; chú trọng phát triển DN nhỏ và vừa; giãn, hoãn thuế phí; đẩy mạnh đầu tư công; ưu tiên các dự án có thể hấp thụ vốn…; đặc biệt, cần tăng cường và đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Đây là cơ hội vàng nên phải tăng cường đầu tư bằng vật chất, nguồn lực; cải thiện và hoàn thiện về thể chế, trong đó có thí điểm về thể chế đổi mới sáng tạo cho các nhà khoa học nghiên cứu. Chúng ta cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, nâng cao kỹ năng số để có các giải pháp, chính sách tạo ra Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đã đến giai đoạn phải thay đổi, bắt buộc thay đổi, thay đổi nhanh mới thích ứng được trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: Bảo đảm khả thi, nhanh chóng, kịp thời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO