Gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 2%: Gỡ điểm nghẽn để dòng vốn lưu thông

H.Hương 26/10/2022 08:00

Gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước là chính sách được nhiều doanh nghiệp mong đợi. Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng ưu đãi lãi suất còn chặt chẽ, doanh nghiệp khó đáp ứng được theo quy định để có thể vay vốn.

Tính đến cuối tháng 8/2022, các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 13,5 tỷ đồng. Ảnh: Quang Vinh.

Tỷ lệ hỗ trợ chỉ đạt 0,03%

Ngay sau thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Chương trình) và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Nghị quyết quy định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Chương trình, phương án huy động và bố trí nguồn lực thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể; huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng hợp từ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, sơ bộ tình hình thực hiện và giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình đến ngày 28/9/2022 đạt 61 nghìn tỷ đồng. Trong đó, với chương trình hỗ trợ 2% lãi suất vay qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ gia đình, đến cuối tháng 8/2022, các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 13,5 tỷ đồng. So với quy mô gói hỗ trợ này khoảng 40.000 tỷ đồng thì tỷ lệ hỗ trợ chỉ đạt khoảng 0,03%, một con số rất thấp.

Chia sẻ với báo giới, ông Vũ Văn Hòa - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Hà Lan - một DN sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Vĩnh Phúc cho hay, cách đây 3 tháng, DN này đã được Ngân hàng Agribank thông báo thuộc đối tượng hỗ trợ gói lãi suất ưu đãi 2% và hướng dẫn hoàn tất thủ tục để được nhận chính sách hỗ trợ.

“Công ty có chứng từ đầy đủ, ngân hàng lại hướng dẫn chi tiết, nên chúng tôi đã được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% trên tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu tăng 20%, trong khi giá thành phẩm không thể tăng tương ứng. Gói hỗ trợ lãi suất 2% đã giúp DN giảm chi phí, không bị rơi vào thua lỗ” - ông Hòa nói.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng may mắn tiếp cận được gói hỗ trợ này. Nhiều hộ kinh doanh, HTX không thể tiếp cận gói hỗ trợ với nhiều vướng mắc. Có DN không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Có hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp nhưng không thể tiếp cận chính sách gói hỗ trợ lãi suất 2%, vì lý do địa phương chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp. Có HTX đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu của Bộ Tài chính, mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, hợp đồng mua bán…

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn các nội dung trong việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, các DN thường hoạt động đa ngành, vì vậy cần phải có hướng dẫn cụ thể, có thể là quy định trong các hoạt động đa ngành thì 9 ngành được hỗ trợ chiếm tỷ trọng bao nhiêu để các Ngân hàng thương mại yên tâm xem xét hỗ trợ lãi suất. Những ngành sản xuất trong đó có hoạt động thương mại, nên có quy định để các ngân hàng có cơ sở thực hiện.

Doanh nghiệp đang rất mong mỏi tiếp cận được nguồn vốn từ gói hỗ trợ lãi suất 2% để đưa vào sản xuất.

Ngân hàng cũng ngại

Theo chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, mong mỏi của DN, các hiệp hội là chính sách cần được thực thi tốt hơn nữa. Bởi năm 2023 sẽ khó khăn hơn. Thế giới sẽ khó khăn, các nước rơi vào suy thoái do lãi suất và khủng hoảng năng lượng. Điều đó khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp. Trong bối cảnh đó, rất cần triển khai nhanh và quyết liệt hơn các gói hỗ trợ.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ gần như hạn hẹp. Bài toán tăng lãi suất không phải là mong muốn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tỷ giá cũng rất phức tạp. Dòng tiền của DN gặp nhiều khó khăn khi thị trường trái phiếu để huy động vốn cho DN đang có những vấn đề khó. Chính sách tài khóa tiếp tục là chủ lực, cần phải tính toán xem liệu có tiếp tục giảm thuế phí nữa hay không? Việc đó cần được bàn từ bây giờ vì nếu để muộn sẽ phê duyệt muộn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đã chỉ ra rằng, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế là giữa những định hướng, quyết sách, nghị định của Nhà nước đi vào thực tế có một khoảng cách rất xa. Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ lấy gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ nhưng DN rất ngại tiếp cận do điều kiện, thanh tra, hậu kiểm... “Cho nên cần quan tâm, chú trọng hơn trong vấn đề giữa nghị định, chính sách và thực tế” - bà Diễm nói.

Sau 3 tháng triển khai gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31) có thể thấy một số vấn đề nảy sinh gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của DN cũng như tiến độ giải ngân của các NHTM.

Trước tiên, một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay, DN phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật khi vay. Vậy nên, các DN nhỏ và vừa, yếu kém, gặp khó khăn do đại dịch, không có tài sản bảo đảm sẽ không thể tiếp cận được gói tín dụng hỗ trợ lãi suất.

Về phía người cho vay, NHTM cũng gặp khó khi các tiêu chí giải ngân vẫn phải đạt chuẩn, tránh tình trạng nợ xấu, nếu không ngân hàng sẽ chịu gánh nặng nợ xấu trong tương lai. Bên cạnh đó, đến hết ngày 26/8/2022, hạn mức tín dụng của hệ thống ngân hàng đã được sử dụng tới mức 9,91%/14% được NHNN cấp, do đó việc các NHTM phải hết sức cân nhắc đối tượng cho vay cũng là điều hợp lý.

Thêm đó, thủ tục quyết toán 2% lãi suất cũng khá phức tạp. Được biết, đến nay vẫn có ngân hàng còn chưa quyết toán được khoản hỗ trợ lãi suất 4% trong giai đoạn kích cầu năm 2009. Thủ tục quyết toán cũng là một trong những “rào cản” khiến các NHTM thêm thận trọng khi xem xét cho vay.

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung - Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân nữa khiến giải ngân gói hỗ trợ lãi suất chậm.

Thứ nhất, nhiều DN vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vố vay được sư dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó. Thứ hai, một trong những điều kiện để được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Nghị định 31 là khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, NHNN vẫn chưa có hướng dẫn về phương án khả năng phục hồi, mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu khiến khách hàng bối rối cũng như khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra sau này. Ngoài thủ tục phức tạp, nhiều DN lo ngại sau khi tham gia lại bị cơ quan thanh tra, kiểm toán vào làm việc, rất mất thời gian.

Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, giới chuyên gia cho rằng Chính phủ, các bộ ngành, NHNN Việt Nam xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.

Đối với các trường hợp khách hàng đã giải ngân và ký hợp đồng tín dụng từ 1/1/2022 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và khi thống nhất về đối tượng và điều kiện áp dụng đã quá kỳ hạn trả lãi, đề nghị NHNN Việt Nam, các bộ ngành xem xét cho phép các tổ chức tín dụng thống kê và hạch toán bổ sung hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này.

Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng kiến nghị, NHNN phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chí cụ thể về khả năng phục hồi và mở rộng phạm vi khách hàng được hỗ trợ, cho phép các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ lãi suất.

PGS TS. Nguyễn Thị Mùi - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia:

Công khai minh bạch các điều kiện

Giải pháp để khắc phục vấn đề này, theo tôi rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước với các bộ, ngành liên quan. Trước hết là rà soát các vướng mắc phát sinh liên quan đến đối tượng thụ hưởng chính sách. Cần rà soát các điều kiện đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất theo hướng đơn giản, dễ hiểu, sát với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của DN, hợp tác xã, hộ gia đình. Công khai, minh bạch về các điều kiện để đối tượng thụ hưởng có điều kiện hoàn tất các thủ tục, giúp các Ngân hàng thương mại có đủ căn cứ để thẩm định, đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất này.

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính):

Sẽ có hướng dẫn cụ thể

Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai quyết liệt chương trình này. Liên quan trực tiếp đến Bộ Tài chính có hai nội dung, về bố trí nguồn vốn, quy trình, thủ tục về quyết toán hồ sơ đã được quy định rất rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, nếu trong quá trình triển khai có vướng mắc hoặc chưa rõ, Bộ Tài chính sẵn sàng phối hợp và có những hướng dẫn cụ thể.

Nguồn vốn thực hiện chương trình cơ bản đã được bố trí. Bộ Tài chính cam kết sẽ thực hiện cấp kinh phí theo đúng các quy định và kịp thời, đảm bảo cho các ngân hàng có nguồn lực để triển khai chương trình này. Về khâu quyết toán cuối cùng, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những giải đáp một cách thống nhất và rõ ràng.

H.Hằng(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 2%: Gỡ điểm nghẽn để dòng vốn lưu thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO