Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai năm 2013

Luật sư Lê Đức Tiết 13/10/2015 06:11

Luật Đất đai năm 2013 có 44 điều được giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Dự thảo Nghị định “Quy định bổ sung một số nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” và đưa ra lấy ý kiến trong dân.

Qua theo dõi ý kiến đóng góp của dân, thấy nổi lên các vấn đề như sau:

Về định giá đất đai

Đây là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dân. Trong định giá đất đai, các nơi thường dùng các tiêu chí như: đất vàng, đất dọc đường chính, đường phụ, đất sát mặt đường, đất sâu trong ngõ, đất dự án khác nhau v.v… để định ra giá đất theo các hệ số K khác nhau. Cách làm này đã đi ngược lại nguyên lý: “dĩ bất biến ứng vạn biến” tức là lấy cái biến động thường xuyên làm cái bất biến. Dân không chịu giao đất để chờ giá đền bù được cao hơn là do vậy.

Mọi sản phẩm đều có hai giá trị: giá trị sử dụng và giá trị hàng hóa. Để có thể đưa ra được mức giá phải chăng về đất đai, như đất canh tác, nên chăng là căn cứ vào hoa lợi bình quân năm của đất canh tác trong vòng 3 hoặc 5 năm gần nhất và nhân lên 20 năm – một thế hệ, làm giá bình quân về đất canh tác để xác định giá đất... Giá đất này chỉ áp dụng khi thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế vì lợi ích công cộng, quốc gia.

Việc điều chỉnh giá đất nên được tiến hành theo định kỳ 5 năm một lần. Việc xác định giá đất nên giao cho tổ chức độc lập chuyên trách khảo sát và đệ trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định và công bố niêm yết rộng rãi cho nhân dân được biết.

Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất vì mục đích kinh doanh thì theo giá quy định của Nhà nước và theo luật cung cầu của thị trường. Khi có sự tranh chấp về giá đất thì trước hết nên tiến hành đối thoại để thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì đưa ra Tòa án giải quyết.

Tuyệt đại bộ phận các đơn khiếu kiện của dân đều do sự bất hợp lý, thiếu dân chủ trong xác định giá đất. Bởi vậy nếu việc xác định giá đất thể hiện được tính dân chủ, đảm bảo sự cân bằng về lợi ích của Nhà nước, tập thể và cá nhân sẻ đảm bảo ổn định xã hội tốt hơn cách làm cũ. Nó sẽ góp phần hạn chế các tiêu cực trong thu hồi đất và giảm bớt khiếu nại trong dân.

Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ cho dân khi bị thu hồi đất

Nhà nước đã rất cố gắng áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ cho dân khi bị thu hồi đất như dạy nghề, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ sở sản xuất dịch vụ, đưa đi lao động nước ngoài, cho vay tín chấp. Nhưng nhìn chung kết quả chưa như mong muốn. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa càng mở rộng thì số dân bị thu hồi đất đai càng nhiều. Chính sách hỗ trợ cho dân khi bị thu hồi đất là tạo cho dân có cuộc sống bằng hoặc khá hơn.

Để hỗ trợ tốt cho dân khi bị thu hồi đất, điều cơ bản là tạo ra công ăn việc làm mới cho dân. Người nông dân được đền bù nhưng ngồi không mà tiêu xài thì tiền nhiều bao nhiêu cũng không đủ. Nó còn phát sinh nhiều tiêu cực khác. Hướng dẫn dân thành lập các hợp tác xã kiểu mới, hỗ trợ miễn phí hoặc với mức phí thấp về kỹ thuật cho dân, hướng dẫn pháp luật để họ biết sử dụng quyền làm chủ của dân… là những vấn đề cốt lõi của việc hỗ trợ cho dân.

Các cơ quan nhà nước phải thực sự trở thành những cơ quan phục vụ dân trên thực tế. Để làm được việc này không nên khoán trắng cho Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Tất cả các Bộ, ngành của Trung ương, địa phương đều phải góp tay vào.

Phổ biến và nhân rộng các mô hình giám sát của dân

Điều 199 Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ quyền của người dân trong giám sát việc tuân thủ nghiêm Luật Đất đai. Quyền thì đã có. Nhưng để làm cho dân sử dụng được quyền thì phải giúp cho dân biết cách sử dụng quyền của mình. MTTQ các cấp gần đây đã quan tâm nhiều hơn trong vấn đề này và đã thu được nhiều kết quả.

Đặc biệt đã có những tổ chức phi lợi nhuận như Landa, S-code, Salung đã cộng tác với một số tỉnh, huyện, xã khảo sát, nghiên cứu xây dựng các mô hình giám sát thực thi Luật Đất đai ở các tỉnh Cần Thơ, Hòa Bình, Quảng Nam, Bắc Giang, Quảng Bình. Chính quyền và các Ban MTTQ nơi đây đã rất hoan nghênh hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận này.

Về kỹ thuật xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật

Luật pháp về đất đai và những luật có liên quan đến việc sử dụng đất đai ở nước ta còn khá rối rắm, còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn và chưa được hệ thống hóa và pháp điển hóa. Luật Đất đai 2013 gồm 14 chương, 212 điều. Luật có 44 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành. Việc biên soạn các nghị định quy định chi tiết thi hành có liên quan đến nhiều Bộ, ngành.

Nếu không có cách làm hợp lý thì khó có thể tránh cho tình trạng Luật Đất đai vấp phải những bất cập vốn có là rườm rà, khó tra cứu, vận dụng vì xung đột pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp v.v…

Chính phủ cần có kế hoạch giao cho các Bộ có liên quan, không riêng Bộ Tài nguyên - Môi trường, phối hợp cùng nhau xây dựng Nghị định hướng dẫn tất cả 44 điều mà Luật đất đai đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành. Tên của Nghị định nên viết “Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tư pháp tiến hành ngay việc hệ thống hóa luật pháp về đất đai. Nếu việc hệ thống hóa, pháp điển hóa luật pháp bị xem nhẹ thì khó khắc phục được tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trùng lặp và rườm rà của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai năm 2013

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO