GS.TS.NGND Võ Tòng Xuân: Cái khó nhiều khi do con người tự gây ra

Minh Hải (thực hiện) 17/09/2021 09:00

GS.TS.NGND Võ Tòng Xuân là nhà khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp, một người thầy lớn trong công tác đào tạo lực lượng khoa học cho đất nước trong nhiều thập niên qua và là “cha đẻ” của nhiều giống lúa ngon tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ở tuổi 81, ông vẫn bền bỉ đồng hành cùng giáo dục và nông nghiệp. Với ông, dịch bệnh Covid-19 không phải là rào cản, mà đó là cơ hội để thay đổi. Đặc biệt phải thay đổi những bảo thủ trong cách nghĩ, cách làm. Bởi trong nhiều trường hợp, cái khó lại do chính con người gây ra.

GS Võ Tòng Xuân.

PV:Thưa GS, với lịch làm việc luôn dày đặc: công tác quản lý một trường Đại học, rồi hằng ngày nghiên cứu, tư vấn về nông nghiệp, cây trồng hướng về người nông dân… thậm chí khi liên hệ đặt lịch cuộc trò chuyện này, ông vẫn đang bận rộn chuẩn bị một cuộc Hội thảo trực tuyến với vai trò chủ trì. Như vậy có thể thấy dịch bệnh Covid-19 không “làm khó” được GS?

GS Võ Tòng Xuân: Dịch bệnh Covid-19 đã và đang cản trở không phải mình tôi mà với rất nhiều người. Nhưng tôi lại nhìn ở khía cạnh sáng sủa hơn. Thời gian này khi không thể đi thực tế, không xuống được với bà con nông dân thì tôi dành thời gian để nghiên cứu tài liệu, viết một số báo cáo, và phản biện một số dự án phát triển nông nghiệp. Với công việc tham gia tư vấn tại Trường Đại học Nam Cần Thơ, hiện nhóm sinh viên các khóa trước, nhà trường đã quy tụ các em để bắt đầu năm học mới cả tháng nay bằng chuyển đổi sang hình thức dạy online. Trong khi đó, nhà trường vẫn tiếp tục tuyển sinh online cho nhóm vừa tốt nghiệp THPT quốc gia. Đến thời điểm này đã có hơn 4.000 học sinh đăng ký vào Trường Đại học Nam Cần Thơ năm học 2021-2022.

Thưa GS, ở tuổi 81, ông vẫn đặc biệt tâm huyết với giáo dục?

- Phải đầy đủ là giáo dục và nông nghiệp chứ (Cười).

Vâng, thưa GS, tôi cũng xin được hỏi ông ngay về một câu chuyện liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đó là sự cố đứt gãy chuỗi lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh dịch bệnh. Có cảm giác việc cấp giấy phép đi đường theo kiểu “phép vua thua lệ làng” nên một số địa phương tự gây khó khăn cho nhau? Ông nhìn nhận sự việc này như thế nào?

- Tôi thấy việc vận chuyển lúa gạo lẽ ra không xảy ra ách tắc như vậy đâu. Nhưng cái khó lại chính do con người tự gây ra. Rõ ràng, mình quá sợ con Covid-19, kẻ thù không thấy được, và rất nguy hiểm.
Và với những thiệt hại về nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, lỗi không phải do nông dân sản xuất kém, cũng không phải do thiên tai, mà chính tại những người quản lý dịch bệnh. Không thể tưởng ngay cả nông dân ra đồng để chăm sóc mùa màng của mình trên những cánh đồng mênh mông cũng bị cấm ra khỏi nhà. Máy cày, máy thu hoạch địa phương này cần mà không có, địa phương bên cạnh có máy nhưng không thể chạy qua bên kia giúp… Lúa thu hoạch rồi xe thương lái vào chở cũng không được phép. Cá đã đến lứa thu hoạch mà không có nhân công và không có xe vào chở đến nhà máy. Trái cây đến lứa thu hoạch cho thị trường mà không có nhân công và không xe chở đi giao cho thương lái. Nông dân kêu cứu mãi mới được nghe, rồi xe chở hàng phải mất nhiều thì giờ xin giấy phép với đầy đủ chữ ký và đóng dấu, rồi xét nghiệm âm tính mới đi được trong vòng 3 ngày…

Những quy định đó đưa tới thiệt hại rất lớn cho nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho kẻ gian lợi dụng làm giấy tờ giả. Lưu thông không thông suốt, mà muốn thông suốt thì lại cần quá nhiều thủ tục như thế khiến các doanh nghiệp phải lỗi hẹn với khách hàng trong nước và ngoài nước. Khách hàng ngoài nước thì phạt doanh nghiệp vì trễ hợp đồng, trái lại khách hàng trong nước thì phải trả giá cao vì hàng ít không đủ bán. Những trở ngại này do chính mình tự đặt ra trên danh nghĩa “ngăn chặn dịch bệnh lây lan” do những người quản lý ở địa phương áp dụng một cách máy móc.

Thưa GS, từ đầu vụ thu hoạch nông sản, nhất là lúa, ông đã đề nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) nên liên kết vùng trên quy mô cả nước. Nhiều hội nghị của các địa phương thời gian qua cũng nhắc tới liên kết vùng. Tuy nhiên, liên kết làm sao cho hiệu quả đang là vấn đề đặt ra, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay?

- Có thể thấy dịch bệnh đã bộc lộ nhiều điểm yếu của nông nghiệp nước ta. Vào cùng một thời điểm ở chỗ này đang có hàng, chỗ kia lại thiếu mà hai bên không biết nhau, trong khi mình cứ nói liên kết vùng mãi mà họp nhau xong, ai về nhà nấy, không biết ai đứng ra để kết nối. Tôi rất hoan nghênh Bộ NNPTNT đã thành lập Tổ công tác 970 do Thứ trưởng Trần Thanh Nam phụ trách cùng với TS Lê Thanh Tùng và TS Trần Minh Hải rất kịp thời, đã giúp nông dân và HTX nông nghiệp tiêu thụ được nông sản tới lứa thu hoạch và đầu mối tiêu thụ các nông sản đó. Bước đầu hoạt động như vậy chỉ là thủ công tạm thời.

Theo tôi, Bộ NNPTNT với mạng lưới ngành xuống đến tận xã ấp nắm thật rõ hoạt động sản xuất nông sản của nông dân. Với phương tiện Internet phần mềm IT thích hợp, vào bất cứ thời điểm nào, chỉ cần “bấm nút” Bộ sẽ biết những nơi nào lúa đang chín sắp thu hoạch, chỗ nào doanh nghiệp đang cần lúa giống gì để cung cấp trong nước hoặc xuất khẩu. Hay chỗ nào đang thiếu trái cây, chỗ nào trái cây chuẩn bị thu hoạch,... Bộ sẽ liên kết các bên với nhau, các tỉnh với nhau, các nhóm HTX nông nghiệp sản xuất liên kết với các vựa/chợ đầu mối, hoặc các công ty/doanh nghiệp có đơn đặt hàng để xuất khẩu… Mạng liên kết này sẽ nới rộng đến cộng đồng các doanh nghiệp cần nguyên liệu nông sản, cộng đồng các nhà máy/công ty chế biến nông sản, các đầu mối của Bộ Công Thương, và đầu mối thông tin nhu cầu nông sản trên thị trường quốc tế mà thương vụ của các Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự nước ta tại các quốc gia khắp thế giới.

Mạng liên kết cũng sẽ nối vào mạng lưới logistic của Bộ Giao thông Vận tải để chỉ ra đường liên kết thông suốt nhất giữa điểm xuất phát nguyên liệu nông sản và điểm tiêu thụ, sao cho phương tiện chuyên chở được cấp đầy đủ giấy phép trên đường đi qua. Như vậy trong tương lai 3 Bộ NNPTNT, Công Thương và Giao thông Vận tải sẽ tạo sự nhất trí chung chứ không phải mỗi nơi một kiểu như hiện nay. Như vậy, sẽ không còn những đứt gãy như vừa qua.

GS.TS.NGND Võ Tòng Xuân sinh năm 1940, quê quán huyện Tri Tôn, An Giang. Ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư nông học (1980), Anh hùng lao động (1985), Nhà giáo nhân dân (1999). Ông là đại biểu Quốc hội 3 khóa liền: VII, VIII, IX. Hiện ông là Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Thưa GS, tại sao một quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu như Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa có được một sản phẩm gạo xứng tầm?

- Tôi từng đi công tác bên châu Âu, và Mỹ, rất nhiều người chủ các siêu thị Á châu là người gốc Việt nói với tôi: “Tại sao Việt Nam mình không có giống gạo ngon nổi tiếng để tụi em nhập? Thầy phải làm sao cho có gạo ngon Việt Nam đi, chứ ở bên này tụi em toàn nhập gạo của Thái Lan để bán”.

Lý do Việt Nam chưa có được một sản phẩm gạo xứng tầm vì chúng ta có quá nhiều giống lúa nhưng không xác định mục tiêu chọn giống nên không gút lại được nên chọn giống nào. (Cười).

GS có thể nói cụ thể hơn?

- Theo quan sát chung, từ cấp lãnh đạo cho đến nông dân ai cũng muốn có giống lúa năng suất cao để bảo đảm an ninh lương thực của nước ta. Khi nước ta đã đạt đỉnh an ninh lương thực thì nhà nước bắt đầu cho xuất khẩu, một bộ phận của lãnh đạo muốn có giống vừa năng suất cao vừa ngon cơm hơn.

Khi nhìn qua gạo Thái Lan xuất khẩu giá cao nhờ đặc tính thơm ngon, chúng ta cũng có giống lúa thơm ngon là giống Nàng Thơm Chợ Đào, là giống lúa mùa dài ngày năng suất không quá 4 tấn/ha, đặc biệt chỉ có mùi thơm khi trồng trên 500 ha của xã Mỹ Lệ huyện Cần Đước, Tỉnh Long An, không có đủ để xuất khẩu. Các nhà khoa học cố gắng lai tạo ra giống vừa thơm ngon như gạo Thái, vừa phải có năng suất cao như giống không thơm ngon của ta. Tuy nhiên, công sức đầu tư nhiều vào việc lai tạo mà vẫn không tìm được giống như mình muốn, phải lấy giống Jasmine 85, Đài Thơm 8, RVT từ nước ngoài về Đồng bằng sông Cửu Long để xuất khẩu, không thể gọi là gạo Việt.

Trong khu vực tư nhân, có một số giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, hạt dài, trắng trong nông dân chọn như Nàng Hoa 9 bên cạnh những giống do Viện Lúa Ô Môn lai tạo như: OM5451, OM4900, OM7347, OM18, nhưng không thơm như gạo Thái. Mãi đến tháng 11/2019, giống lúa ST24/ST25 do nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo, được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị quốc tế về Thương mại lúa gạo quốc tế lần thứ 11 họp tại Philippinnes.

Anh Cua trước là sinh viên của tôi, là người rất đam mê cây lúa. Anh ấy quyết tâm phải lai tạo cho được giống lúa đạt thương hiệu gạo của Việt Nam. Cho nên hơn 20 năm anh Cua dùng tiền nhà làm nghiên cứu, vợ con anh ấy cũng rất ủng hộ. Cuối cùng anh Cua đã toại nguyện, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam giành được giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” với loại gạo ST25.

Để đạt được giải gạo ngon nhất thế giới, anh Cua đã tự bỏ kinh phí đi thi. Khi được giải, các thương lái của Hà Lan, Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Hồng Kông (Trung Quốc) tham dự hội nghị rất quan tâm tới ST25 vì phẩm chất gạo không thua gì gạo ngon thơm của Thái Lan, nhưng hơn gạo Thái vì đặc tính ngắn ngày có thể trồng 2 vụ lúa mỗi năm. Lúc đó một số thương lái quốc tế nói với chúng tôi: gạo của các anh ngon không kém của Thái Lan, nếu kinh doanh giỏi anh sẽ chiếm được thị trường của Thái Lan. Tôi cũng nói với anh Cua giờ mình phải làm kế hoạch, gạo Thái Lan bán 1.000 USD/tấn, nếu mình bán 800 USD/tấn người ta sẽ chuyển sang mua gạo ST25 của Việt Nam. Mình hơn Thái Lan ở chỗ là mình trồng được 2 vụ/năm, nếu cần cũng có thể trồng 3 vụ/năm.

Thực ra nhiều nhà khoa học Việt Nam ban đầu cũng nghĩ rằng kỹ sư Hồ Quang Cua lấy giống của Thái Lan để làm ra những giống ST, nhưng giờ mới thấy ST không phải của Thái Lan mà là của Việt Nam và gien từ Viện Lúa quốc tế để mình lai tạo nhiều đời, nhiều đợt nhằm đưa ra một loại gạo của riêng Việt Nam. Kể cả Thái Lan cũng công nhận gạo ST 25 là của Việt Nam chứ không phải giống lúa dài ngày của Thái Lan. Do đó, mọi người công nhận đây là giống của kỹ sư Hồ Quang Cua. Giờ nếu biết cách kinh doanh thì sẽ rất có lợi cho Việt Nam.

GS Võ Tòng Xuân (giữa) trên cánh đồng lúa thử nghiệm.

Nhưng xem ra số phận của ST25 khá lận đận?

- Đúng vậy. (Cười). Khi được công nhận gạo ngon nhất thế giới, mang về Việt Nam, thay vì Bộ NNPTNT đặc cách cho loại gạo này để đưa ST25 thành giống lúa thương hiệu của Việt Nam thì Bộ đã không đặc cách. Bộ chỉ có lời khen kỹ sư Hồ Quang Cua, nhưng yêu cầu anh Cua phải đưa giống để Cục Khảo nghiệm mang trồng cùng với mấy giống lúa đang có triển vọng, đi thử nghiệm ở các vùng ở Việt Nam trước khi công nhận ST25. Do đó mình bị trễ. Vì chưa có kết quả khảo nghiệm của Bộ, bản thân anh Cua không dám đưa giống thuần chủng ra để cho ai trồng.

Tuy nhiên có người đã “nhanh tay” lấy mấy giống lúa cũ của anh Cua, cũng là hạt dài, trong, cũng ngon nhưng tất nhiên là không thơm bằng, để họ trồng bán ra thị trường dưới tên “ST25” giả mạo. Nếu Bộ xác nhận giống ST25 rồi đưa vào danh sách các giống gạo ngon của Việt Nam, thì gạo Việt sẽ thêm uy tín với các nhà nhập khẩu. Vì nhà nhập khẩu nhập gạo theo danh mục của Bộ NNPTNT, do trục trặc như vậy nên số phận của ST25 vẫn lận đận. Hiện gạo ST25 chỉ bán được với giá khoảng hơn 500-600USD/tấn, nếu có sự chấp thuận của Bộ chủ quản, đẩy gạo ST25 là gạo thương hiệu Việt Nam thì giá gạo ST25 có thể lên tới 800 USD/tấn.

GS Võ Tòng Xuân: Hơn 30 năm qua, tôi giữ chế độ ăn sáng thật đầy đủ. Mỗi sáng trước tiên tôi uống 2 trái chanh vắt nguyên chất và ăn 2 trái trứng gà luộc 3 phút, sau đó mới ăn bình thường, như xôi, bánh mì, cơm chiên… So với khuyến cáo về ăn uống đầy đủ để có sức đề kháng dịch bệnh Covid-19 của các bác sĩ, tôi thấy mình đã đi rất đúng bài từ nhiều năm nay. Nhờ vậy sức khoẻ của tôi rất ổn định.

Bao năm qua đời sống của người trồng lúa vẫn bấp bênh và khó khăn?

- Theo kinh nghiệm hơn 40 qua, tôi thấy đây là sự tổng hợp của nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là bản thân người nông dân còn rất bảo thủ. Mỗi người nông dân đều rất tự hào về kinh nghiệm riêng của mình. Họ luôn cho rằng một cán bộ khuyến nông mới ra nghề thì chưa biết gì, “vì từ đời ba tôi, đến đời tôi đã làm như vậy, anh biết gì mà nói!”

Có lần tôi xuống một hợp tác xã ở huyện Tháp Mười, Đồng Tháp, để hướng dẫn các xã viên trồng lúa sạch, vừa tiết kiệm phân bón vừa giảm thiểu khí nhà kính thải ra, bằng cách giảm lượng phân urê và bón lót trước khi sạ lúa thay vì theo kiểu cũ là sạ lúa trước, khi lá lên rồi mới rãi phân. Bà con nông dân ngần ngại bón phân khi chưa có cây lúa. May nhờ có đồng chí Lê Minh Hoan (lúc đó còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nay là Bộ trưởng Bộ NNPTNT) tham gia thuyết phục nông dân làm theo thầy Xuân. Kết quả rất mỹ mãn, nông dân đã giảm chi phí sản xuất gần phân nửa, ô nhiễm môi trường giảm hẳn.

Kế đến là bảo thủ vì không muốn gia nhập HTX một cách nhiệt tình. Tôi từng nói HTX là một công cụ để Nhà nước đầu tư vào cho nông dân sớm làm giàu. Giống như các nước châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, nông dân giàu không thua mấy người làm công nghiệp, vì tất cả họ tham gia xã viên HTX nông nghiệp. Giờ ở Việt Nam thành lập HTX rất hình thức, thực tế hiệu quả của nó không như ý mình muốn. Dĩ nhiên cũng có những HTX có kỹ thuật, đầu ra, người mua hàng hoá, nhưng đó chỉ là số ít.

Nguyên nhân thứ hai chính là doanh nghiệp, bởi họ không có đầu ra ổn định nên không dám liên kết với nông dân. Khi doanh nghiệp có đầu ra mới lệnh cho thương lái đi gom để có nguyên liệu xuất khẩu. Thương lái đi gom lại ép giá người nông dân. Nhưng làm kiểu này nông dân trồng 3 giống lúa khác nhau, thì gạo của doanh nghiệp không có chất lượng đồng đều. Do đó sự liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân rất lỏng lẻo. Sau này cũng có một số doanh nghiệp nhờ ký hợp đồng trước với khách hàng nên trở về tập hợp nông dân sản xuất sạch để có uy tín. Những chỗ làm như vậy có kết quả rất tốt, nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nguyên nhân thứ ba, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cứ để cho nông dân làm tự phát, chứ không tìm được đầu ra cho người nông dân. Thương lái không mua, doanh nghiệp không mua, lại dân tới giải cứu. Cho nên doanh nghiệp phải gắn với người nông dân, doanh nghiệp phải tìm thị trường đầu ra cho tốt. Phải qua các nước tìm các công ty ký hợp đồng, rồi có sẵn hợp đồng về tổ chức sản xuất, như vậy mới ổn định đầu ra.

Bây giờ thị trường lớn nhất của Việt Nam là thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải tìm thị trường mới ngay tại Trung Quốc để ký kết chứ không chỉ chỉ buôn bán theo tiểu ngạch. Thị trường tốt nữa là Mỹ. Theo nghiên cứu của tôi, mỗi năm Thái Lan bán gạo cho Mỹ khoảng 550 ngàn tấn, mình cũng phải học hỏi, làm sao họ lại làm được như vậy.

Có thể nói, thực trạng người nông dân cứ nghèo hoài, là do môi trường quản trị của mình còn nhiều hạn chế.

Dù vậy, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tăng trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trên khắp thế giới, ông nhìn nhận tín hiệu vui này ra sao?

- Đất nước mình có rất nhiều tiềm năng, qua đại dịch Covid-19, có thể thấy mặc dù mình sản xuất hàng hoá chất lượng chưa thật tốt, nhưng bên Mỹ và châu Âu đã nhập khẩu rất nhiều gạo và các loại nông sản Việt. Trong dịch bệnh, các quốc gia thiếu lương thực thực phẩm cho nên người ta nhập khẩu nhiều mặt hàng của mình, do đó xuất khẩu nông sản vẫn tăng hơn 20%.Tuy vậy, hậu Covid-19, ta vẫn phải tính, như nông sản Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào một số thị trường, do đó rất dễ bị tắc nghẽn nếu phía bên kia có những thay đổi bất ngờ về chính sách.

Về vấn đề đa dạng hoá thị trường, dĩ nhiên các doanh nghiệp đầu tiên phải làm việc cho thật tốt. Giờ phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa của mình là doanh nghiệp gia đình, tôi cho rằng để tìm kiếm thị trường mới tìm đầu cho nông sản, họ nên cho con cái đi học về các ngành chế biến, quản trị doanh nghiệp để họ về tiếp quản công ty, chứ những người chỉ biết buôn bán mà không có kiến thức rộng về thị trường và không thông thạo ngoại ngữ thì rất khó để thắng những doanh nghiệp nước ngoài.

Và lưu ý, phải gắn với quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cần tổ chức cho doanh nghiệp được học những cái mới nhất, tiếp cận được những thông tin mới nhất, nắm chặt những thương vụ Việt Nam ở các nước, để họ thông tin về Việt Nam xem quốc gia sở tại đang cần gì, thiếu gì để mình chớp thời cơ, sản xuất đúng theo nhu cầu khách hàng nhập khẩu.

Trân trọng cảm ơn GS!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    GS.TS.NGND Võ Tòng Xuân: Cái khó nhiều khi do con người tự gây ra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO