Gương mặt của thế giới

Thế Tuấn 04/09/2021 07:45

8 tháng của năm 2021, nhân loại phải chứng kiến nhiều sự kiện được cho là “chưa có tiền lệ trong lịch sử”.

Đó là biến thể Delta hoành hành khiến cho đại dịch Covid-19 càng thêm nguy hiểm; cùng đó là cuộc rượt đuổi vaccine - virus, và trong khi nhiều quốc gia vẫn phải oằn mình vì dịch bệnh thì cũng không ít quốc gia “mở cửa”, trở về với “tự do”. Mùa hè năm 2021 cũng được cho là mùa hè nắng nóng kỷ lục, cùng đó là lũ lụt và các đám cháy rừng. Động đất ở Haiti . Và, cũng không thể không nói đến việc lực lượng Taliban quay lại kiểm soát Afghanistan sau 20 năm.

Biến thể Delta gây làn sóng Covid-19 mới

Từ đầu năm 2021, cuộc đua vaccine ngừa Covid-19 chính thức bắt đầu. Đại dịch Covid-19 bắt đầu từ cuối năm 2019 và trở nên rõ ràng khi bước vào năm 2020. Vào thời điểm đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chính thức tuyên bố đại dịch trên phạm vi toàn cầu.

Cuộc chiến chống Covid-19 cũng là cuộc rượt đuổi giữa vaccine và virus. Nhiều “ông lớn” dược phẩm đã vào cuộc với những đầu tư rất lớn. Công nghệ vi sinh học cũng như những thành tựu khoa học y học về vi trùng học trước đó đã khiến đường đua rút ngắn. Thông thường, muốn có được một loại vaccine, người ta phải mất từ 5 đến 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển cho đến khi được công nhận. Lần này, WHO đã nhanh chóng cấp giấy phép sử dụng trong trường hợp “khẩn cấp” đối với một số vaccine, trong đó có AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen...

Tuy nhiên, dù là vũ khí quan trọng nhất để dập dịch, nhưng các loại vaccine cũng phải đối mặt với biến thể virus SARS-CoV-2, đặc biệt là với biến thể Delta khi mà độ lây lan ở mức “siêu tốc”. Đáng chú ý, trong cuộc rượt đuổi vaccine - virus cũng lại xuất hiện sự chênh lệch giữa các quốc gia: Những quốc gia giàu có đã tích trữ lượng vaccine rất lớn đến độ dư thừa, trong khi nhiều quốc gia nghèo thiếu hụt vaccine trầm trọng. Chính vì vậy, những nỗ lực của Cơ chế COVAX Liên hợp quốc được các quốc gia hoan nghênh trong một cố gắng “công bằng vaccine” cho mọi quốc gia trên thế giới.

Người trẻ London (Vương quốc Anh) trong “Ngày Tự do” 19/7.

“Chung sống với Covid-19”, hy vọng hồi phục kinh tế

Ngày 19/7/2021, người dân thủ đô (Vương quốc Anh) đổ xô đến các sự kiện âm nhạc, sau một thời gian dài ngừng hoạt động kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu năm 2020, để nhảy múa xuyên đêm. Ngày 19/7 được người Anh gọi là “Ngày Tự do”. Trong khi đó, tại Mỹ, nhiều tiểu bang cũng đã không áp lệnh đeo khẩu trang, các hoạt động giao thương kinh tế hoạt động trở lại. Phố sá đông đúc, hàng quán tấp nập, bất chấp biến thể Delta vẫn hoành hành với số ca dương tính mỗi ngày gần cả trăm ngàn người vào giữa tháng 8.

Tại châu Âu, hầu hết các quốc gia EU cũng tính đến chuyện “mở cửa”. Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Đức... là những nước “tiên phong”. Chung sống với Covid-19, đó là điều nhiều chính phủ châu Âu xác định khi mà dịch bệnh đã được kiểm soát nhờ vaccine.

Cũng chính vì vậy, các định chế tài chính quốc tế đều cho rằng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ hồi phục, ở nhiều quốc gia có những bước tiến ngoạn mục. Dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng 5,6%, tốc độ phục hồi nhanh nhất từ bất kỳ cuộc suy thoái toàn cầu nào trong vòng 80 năm qua mà phần lớn nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ từ một số nền kinh tế lớn. Trong khi đó, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tăng trưởng toàn cầu sẽ vào khoảng 6% cho năm 2021, nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các nền kinh tế phát triển với nhiều thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. IMF cũng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 8,1%; còn với Mỹ là ở mức 6,5%. Đối với 19 quốc gia thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozonne), IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu của khối này sẽ là 4,6% trong năm 2021.

Cháy rừng khủng khiếp trên đảo Evia (Hy Lạp).

Tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu

Từ cuối tháng 6, những trận mưa lớn bắt đầu trút xuống nhiều vùng trên Trái Đất. Cho đến giữa tháng 7, mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia Tây Âu, nặng nề nhất là Đức, Bỉ và Hà Lan. Tại Đức, mưa lũ gây hậu quả thảm khốc nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2. Mưa lớn cũng gây lũ lụt hoành hành tại một số quốc gia châu Á, mà thiệt hại nặng nề nhất là tại Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines.

Trong khi những trận mưa trút nước xuống nhiều nơi thì ngược lại, nhiều cánh rừng đã bị bốc cháy do cái nắng gay gắt kéo dài. châu Âu và Bắc Mỹ được cho là phải chịu đựng một mùa hè nóng bỏng nhất trong vòng 142 năm qua. Đảo Evia của Hy Lạp gần như bị thiêu rụi. Những khu rừng bị cháy mà cảnh tượng được mô tả như “ngày tận thế” trong những bộ phim kinh dị của Hollywood.

Nhà môi trường nổi tiếng Marine Floy cho rằng, mùa hè năm 2021 sẽ vĩnh viễn đi vào ký ức nhân loại với ngập lụt và những cánh rừng bốc cháy. “Thật đáng tiếc là trong đó chúng ta phải chống chọi lại chính những gì do mình gây ra, đó là việc hủy hoại môi trường sống của chính mình” - bà Marine nói.

Cảnh đổ nát sau trận động đất ngày 14/8.

Haiti điêu đứng sau thảm họa động đất

Ngày 15/8, trận động đất 7,2 độ richter đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người, làm bị thương gần 10.000 người và nhiều nhà cửa bị sập đổ. Nhiều khu vực tại trung tâm thành phố Les Cayes bị san phẳng. Thị sát tại Les Cayes, Thủ tướng Haiti Ariel Henry nói rằng thảm họa đã khiến quốc gia Caribe này “gục ngã”. Chỉ trước đó hơn 1 tháng, Tổng thống Haiti Jovenel Moise tại dinh thự riêng ở thủ đô , vào lúc 1 giờ sáng ngày 7/7. Hơn 10 năm trước, vào năm 2010, Haiti cũng đã chịu đựng một trận động đất kinh hoàng, khiến 200.000 chết, hơn 300.000 người bị thương.

Haiti là quốc gia nghèo, thường xuyên gặp thảm họa thiên nhiên. Trong khi đó, tình hình chính trị bất ổn kéo theo bất ổn xã hội cùng sự lộng hành của nhiều băng nhóm cướp bóc.

Lực lượng Taliban trong cuộc xung đột Afghanistan.

Taliban kiểm soát Afghanistan

Kể từ đầu tháng 5/2021, khi Mỹ và liên quân tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan, ngay lập tức lực lượng Taliban dù không được trang bị vũ khí hiện đại, đã mở nhiều cuộc tấn công vào quân đội Chính phủ. Chỉ sau hơn 3 tháng, Taliban đã trở lại Kabul, nắm quyền kiểm soát quốc gia Tây Nam Á này. Ngày 2/7 mở ra thời cơ mới cho các cuộc tấn công của Taliban khi quân Mỹ và NATO trao lại cho quân đội Afghanistan quyền quản lý căn cứ không quân Bagram, cách phía Bắc Thủ đô Kabul 50km - một trung tâm đầu não của các chiến dịch quân sự của liên quân nước ngoài trong suốt 20 năm hiện diện ở nước này. Chỉ trong tháng 7, các tay súng Taliban liên tiếp đánh chiếm thủ phủ của các tỉnh trọng yếu. Đến cuối tháng 7, Taliban đã kiểm soát được 65% lãnh thổ đất nước. Tháng 8 chính là cuộc tấn công tổng lực của lực lượng Taliban. Chỉ vẻn vẹn 10 ngày, các tay súng Taliban đã tiến vào kiểm soát hầu hết thủ phủ các tỉnh của Afghanistan. Vòng vây Kabul dần siết lại. Cho đến sáng ngày 15/8, Taliban tiến vào Kabul mà không gặp sự kháng cự nào của quân Chính phủ. Cũng trong ngày này, Tổng thống Ashral Ghani rời khỏi Afghanistan.

Đất nước Afghanistan trong vòng 20 năm qua dù được hậu thuẫn lớn từ Mỹ và đồng minh phương Tây nhưng đã không tự đứng được trên đôi chân của mình. Thế giới đang hướng sự chú ý về Afghanistan khi Taliban nắm quyền. Afghanistan sẽ ra sao? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gương mặt của thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO