Hà Nội đề xuất 14 làn đường ưu tiên xe buýt: Liệu có khả thi?

LÊ KHÁNH 01/12/2021 06:15

Nhằm mục tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng, TP Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức thêm 14 làn ưu tiên cho xe buýt... Tuy nhiên dư luận đặt câu hỏi, phương án này có khả thi trong khi xe buýt nhanh (BRT) vẫn chưa hoạt động hiệu quả.         

Mới đây, Hà Nội đã có văn bản trả lời cử tri dự kiến sẽ tổ chức thêm 14 làn ưu tiên cho xe buýt nhằm mục tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng... Phương án này liệu có khả thi trong khi xe buýt nhanh (BRT) vẫn chưa hoạt động hiệu quả, thành phố vẫn có chưa giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông giờ cao điểm, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế...

Xe buýt nhanh tốc độ “rùa bò”

Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết sáng 30/11 tại làn đường ưu tiên dành riêng cho BRT xuất phát tại nhà chờ Yên Nghĩa đến điểm cuối nhà chờ Kim Mã (Ba Đình). Dù trong khung giờ cao điểm nhất của hoạt động vận tải hành khách công cộng song những tuyến BRT khi xuất bến từ điểm đầu bến xe Yên Nghĩa trên xe chỉ lác đác 10-20 hành khách (trong khi xe có thể chở 90 hành khách). Giá vé của suốt hành trình di chuyển được bán tại nhà chờ có giá 7.000 đồng.

Quá trình di chuyển qua 21 nhà chờ trong làn đường ưu tiên buýt nhanh bị hàng loạt xe máy, xe ôtô cá nhân và các phương tiện khác chỉ được di chuyển trên các làn đường còn lại đã khiến các tuyến đường Quang Trung - Tố Hữu - Lê Văn Lương… ùn tắc nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn lái xe buộc phải di chuyển với tốc độ “rùa bò”. Trong đó, phải kể đến tuyến đường Lê Văn Lương mặc dù chỉ kéo dài 2 km nhưng phải mất gần 25 phút xe buýt nhanh mới đi hết được tuyến đường này do quá ùn tắc giao thông. Theo đúng lộ trình bình thường của xe buýt nhanh là 42 phút/chuyến, song thực tế để đến điểm cuối (bến xe Kim Mã), PV ghi nhận tuyến BRT trên mất tới trên 60 phút trên quãng đường 14,7 km.

Chuyên gia nói gì?

Chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung nhận định, việc đầu tư hạ tầng, trong đó có làn đường dành riêng cho xe buýt là rất cần thiết và mang tính quyết định đến hiệu quả của loại hình vận tải công cộng này. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào cho phù hợp lại cần phải nghiên cứu kỹ.

Ông Chung phân tích, Hà Nội hiện đang quá tải các loại phương tiện giao thông, đường sá liên tục mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại. Bởi vậy, khi thiết lập làn đường riêng cho xe buýt có thể gây khó khăn nhất định cho các loại phương tiện khác. Rút kinh nghiệm từ tuyến buýt BRT 01, làn đường dành riêng cho xe buýt phải dễ tiếp cận hơn, tốt nhất nên nằm về bên phải hướng lưu thông, khu vực đường dành cho xe máy, xe thô sơ để tránh xung đột với ô tô, khi ra vào điểm dừng chờ cũng không gây ách tắc.

Và quan trọng hơn nữa là xe buýt phải chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông, đi đúng phần đường, làn đường của mình, không vượt ẩu, chèn ép các loại phương tiện khác. Bên cạnh đó, song song với việc đầu tư hạ tầng cũng cần tập trung tối ưu mạng lưới xe buýt, làm sao để đáp ứng cao nhất nhu cầu đi lại của đa số người dân.

Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình chia sẻ, chúng ta không chối bỏ vai trò của giao thông công cộng, nhưng giao thông công cộng chưa phát triển thì đương nhiên người dân sẽ sử dụng phương tiện cá nhân. Còn với đường sắt đô thị đương nhiên sẽ rất tốt vì chạy 1 mình một đường riêng, nhưng phải đầu tư lớn và thời gian triển khai dự án kéo dài. Trong bối cảnh ấy thì để tăng được giao thông công cộng chỉ còn cách dựa vào xe buýt công cộng. Ông Bình cho rằng, 14 tuyến xe buýt có làn đường ưu tiên là chủ trương đúng đắn, nhưng cần xem xét cách xây dựng, tránh lặp lại bất cập như đối với tuyến BRT 01.

Có nghĩa là bên cạnh làn đường ưu tiên cho xe buýt thì cần xây dựng tuyến đường xe buýt ở 2 bên để người dân dễ tiếp cận với xe buýt mà không phải băng qua đường, và cũng tránh được việc “lấn làn” của các phương tiện giao thông khác.

Dự kiến 14 làn đường xe buýt

Từ nay đến năm 2030, cùng với làn đường ưu tiên cho BRT hiện có, Hà Nội sẽ nghiên cứu tổ chức thêm 14 làn ưu tiên nữa nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn. Trong đó: Giai đoạn từ nay đến 2025 nghiên cứu tổ chức 9 làn ưu tiên: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông); Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cổ Việt; Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự; Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm; Hoàng Quốc Việt; Trần Duy Hưng; Xã Đàn; Võ Chí Công; Võ Văn Kiệt.

Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, nghiên cứu tổ chức 5 làn ưu tiên: Nhổn - Hồ Tùng Mậu, Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín, Trần Duy Hưng - Hòa Lạc, Mỹ Đình - Nội Bài, Thường Tín - Phú Xuyên (dọc theo QL1 cũ).

Tuyến đường Lê Văn Lương vào đầu giờ sáng đông nghịt người lấn đường vào làn đường dành riêng cho BRT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội đề xuất 14 làn đường ưu tiên xe buýt: Liệu có khả thi?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO