Hà Nội điều chỉnh học phí: Học sinh nghèo được hỗ trợ thế nào?

Nguyễn Hoài 21/05/2023 13:13

Đề xuất điều chỉnh học phí từ năm học 2023-2024 của TP Hà Nội nhận được nhiều ý kiến đồng tình, song cũng có ý kiến cho rằng, thành phố cần có lộ trình để những hộ nghèo, hộ đông con trong độ tuổi đi học có thể thích nghi.

Mức thu tăng từ 2 – 4 lần

Theo Sở GDĐT Hà Nội, thành phố dự kiến đề xuất mức thu học phí năm học 2023-2024 bằng mức học phí năm học 2022-2023 và bằng mức sàn (mức thấp nhất) trong khung quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Thông tin đáng chú ý là từ năm học 2023 - 2024, Hà Nội dự kiến không hỗ trợ chênh lệch như năm học trước. Phụ huynh sẽ phải đóng nhiều tiền hơn từ 2 - 4 lần.

Theo đó, ở khu vực thành thị, mức học phí với học sinh mầm non, THCS tăng gần 2 lần, từ 155.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng. Ở xã miền núi, học sinh THPT đóng 100.000 đồng/tháng, tăng hơn 4 lần so với mức cũ - 19.000 đồng/tháng, còn bậc mầm non, THCS có mức đóng tăng hơn 2 lần, từ 24.000 đồng lên 50.000 đồng.

Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, thành phố xây dựng mức thu học phí trên căn cứ theo quy định tại Nghị định 81 và các điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.

Trong đó, khung học phí từ năm học 2023-2024 trở đi được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm và khả năng chi trả của người dân, nhưng không quá 7,5%/năm.

Căn cứ khung học phí năm học 2023-2024, HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu học phí cụ thể với mức tăng hằng năm không vượt mức trần quy định.

Bên cạnh đó, đời sống người dân đã ổn định sau dịch Covid-19, nền kinh tế dần phục hồi. Mức thu nhập bình quân năm 2022 của người dân thành phố Hà Nội đã tăng 7,01% so với năm 2021; chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 tăng 3,4% so với năm 2021.

Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ bản tăng 20%, từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng.

Với hai căn cứ trên, TP Hà Nội dự kiến đề xuất HĐND thành phố tạm dừng hỗ trợ từ năm học 2023-2024 và áp dụng mức thu mới.

Thực tế, năm học 2022-2023, Hà Nội quyết định tăng học phí theo Nghị định 81. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19, thành phố đã chi hơn 1.100 tỷ đồng để cấp bù phần chênh lệch tăng so với năm 2021 và hỗ trợ 50% học phí. Do đó, số tiền thực đóng của phụ huynh năm học 2022-2023 không tăng so với trước.

Nhiều chính sách hỗ trợ học phí

Dù nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhưng chủ trương điều chỉnh học phí của thành phố cũng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, nhất là những gia đình đông con, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố nên có lộ trình trong việc giảm hỗ trợ để các gia đình có thời gian thích nghi.

Trước băn khoăn của phụ huynh, ông Trần Thế Cương khẳng định, năm học 2023-2024, thành phố tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi đối tượng học sinh đều được hưởng công bằng trong tiếp cận giáo dục. Ước tính, số lượng trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí là 16.623 học sinh; tổng kinh phí hỗ trợ ước khoảng 16,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, năm học 2023-2024, TP Hà Nội áp dụng chính sách miễn học phí cho người học tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp. Đây là thông tin rất đáng quan tâm trong bối cảnh Chính phủ và các địa phương đang đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.

Bên cạnh chính sách miễn học phí, năm học 2023-2024, TP Hà Nội sẽ áp dụng chính sách giảm học phí với hai mức giảm là 70% và 50%, tùy từng đối tượng. Mức giảm 70% được áp dụng cho các trường hợp học sinh học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trẻ em học mẫu giáo và học sinh là người dân tộc thiểu số ở thôn, bản đặc biệt khó khăn...

Các trường hợp được giảm 50% học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội điều chỉnh học phí: Học sinh nghèo được hỗ trợ thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO