Hà Nội hỗ trợ người lao động nhận tiền hỗ trợ khó khăn bởi Covid-19

HÀ AN - LÊ VIỆT 27/07/2021 19:00

Thành phố Hà Nội sớm triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để nhằm hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19.

Một cửa hiệu làm tóc, gội đầu (huyện Hoài Đức) phải đóng cửa do Covid-19. Ảnh: Hà An.

Nhằm triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, UBND TP Hà Nội đã có quyết định hướng dẫn về nội dung, điều kiện, đối tượng, mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ, chi trả cho các đối tượng trên.

Nhân viên spa, cắt tóc, gội đầu… được hỗ trợ 1,5 triệu đồng

Và theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội.

Các nhóm lao động tự do được hỗ trợ thuộc các ngành nghề kinh doanh không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động được cụ thể hóa trong 7 văn bản chống dịch ban hành từ 30/4 đến 18/7.

Theo đó, các nhóm đối tượng lao động tự do được hỗ trợ gồm: nhân viên quán karaoke, bar, vũ trường, game; phục vụ quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè; nhân viên nhà hàng, quán bia, bia hơi; người làm việc trong các cửa hàng ăn uống khu vực bị phong tỏa, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ bị mất việc khi thành phố chỉ cho bán hàng ăn uống mang về; nhân viên cắt tóc, gội đầu, spa..; lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng…

Quyết định 3642/QĐ-UBND thể hiện: Lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố; bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần. Phương thức chi trả theo hình thức trực tiếp cho người lao động trên cơ sở danh sách được phê duyệt.

Người lao động lập hồ sơ, gồm: đơn đề nghị hỗ trợ (tên tuổi, quê quán, số căn cước, công việc chính, nơi làm và thời điểm mất việc); bản phô tô sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường cấp gửi đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng. Người lao động có thể chọn hình thức nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, bưu điện hoặc chi trả trực tiếp.

Nếu nơi thường trú và tạm trú khác nhau, người lao động muốn hưởng trợ cấp tại nơi tạm trú phải xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại.

Tối đa 10 ngày sau khi nhận được hồ sơ, chính quyền hai cấp xã, huyện phải rà soát, thẩm định và chi trả tiền tới tay người lao động. Danh sách người đủ điều kiện được niêm yết công khai. Thời gian xét duyệt hồ sơ chậm nhất ngày 31/1/2022.

Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được áp dụng đến hết ngày 31/1/2022. Theo đó, người lao động có nhu cầu hỗ trợ gửi bộ hồ sơ theo quy định đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (tại trụ sở chính hoặc tại 13 điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Nhiều lao động tự do mất thu nhập do nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa do Covid-19. Ảnh: Nam Anh.

Ngoài ra, theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND, người lao động và chủ sử dụng lao động được hỗ trợ theo gói 26.000 tỉ đồng của Chính phủ cũng đã bắt đầu được các đơn vị triển khai tiếp nhận hồ sơ.

Các sở, địa phương phê duyệt danh sách

UBND TP Hà Nội ủy quyền Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ và thực hiện hỗ trợ đối với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Sở Y tế phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện hỗ trợ đối với các trường hợp F0, F1 đang điều trị, cách ly tại cơ sở y tế trực thuộc.

Sở Văn hóa và Thể thao phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ và thực hiện hỗ trợ đối với viên chức hoạt động nghệ thuật. Sở Du lịch phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ và thực hiện hỗ trợ đối với hướng dẫn viên du lịch.

Thành phố ủy quyền UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ đối với các chính sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động ngừng việc; lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm; hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ các trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại nhà; các trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly trước ngày quyết định này có hiệu lực; các trường hợp F0, F1 đang cách ly tại cơ sở được chọn làm nơi cách ly tập trung trên địa bàn (ngoài các cơ sở cách ly tập trung đang giao Sở Y tế, Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quản lý).

Thời hạn ủy quyền kể từ ngày ký ban hành quyết định này đến khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ đối với từng chính sách theo thời gian quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

UBND Thành phố giao Công an Thành phố phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ; chỉ đạo, hướng dẫn Bệnh viện Công an TP Hà Nội thực hiện hỗ trợ đối với các trường hợp F0, F1 đang cách ly tại bệnh viện theo quy định.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ; chỉ đạo, hướng dẫn các khu cách ly tập trung thực hiện hỗ trợ đối với các trường hợp F1 đang cách ly tại khu cách ly tập trung được UBND Thành phố giao Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị thường trực điều hành theo quy định.

Rất nhiều lao động tự do bị ảnh hưởng tới thu nhập. Ảnh: Thanh Thúy.

Được biết: Ngày 23/7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cũng đã công bố thiết lập đường dây nóng với số điện thoại 02438344643 để tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời có văn bản gửi các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Công khai, phát loa truyền thanh danh sách người được nhận hỗ trợ

Sáng ngày 27/7, trao đổi với Đại Đoàn Kết online, bà Nguyễn Thanh Tú, Phó Chủ tịch xã Dương Hà (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) cho biết, hiện công tác lập danh sách, cũng như tiếp nhận hồ sơ các nhóm lao động tự do được hỗ trợ thuộc các ngành nghề kinh doanh không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động, đã được bàn giao xuống từng chi bộ thôn, xóm của xã.

Từ đó, bí thư chi bộ từng thôn, xóm có nhiệm vụ rà soát xem trên địa bàn mình có bao nhiêu cơ sở, cửa hàng, cửa hiệu thuộc các ngành nghề kinh doanh không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động… rồi những đối tượng là nhân viên cắt tóc, gội đầu, spa… có đăng ký tạm trú, hay sinh sống trên địa bàn không.

Kế đến, từng thôn sẽ tổ chức cuộc họp quân dân chính để tiếp tục rà soát bản danh sách những người lao động tự do được nhận hỗ trợ. Sau đó, bản danh sách này tiếp tục được dán công khai ở Nhà văn hóa để bà con thôn cùng tham gia đóng góp ý kiến, trước khi được đọc trên loa phát thanh.

Cùng ngày, ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh (quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết, đã giao cho từng tổ trưởng dân phố rà soát lập danh sách các nhóm lao động tự do được hỗ trợ thuộc các ngành nghề kinh doanh không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động.

Tuy nhiên, trong tình hình diễn biến mới, khi mà toàn thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, việc tiếp nhận hồ sơ, cũng như lập danh sách lao động tự do nhận hỗ trợ sẽ chậm hơn dự kiến và cần thêm thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội hỗ trợ người lao động nhận tiền hỗ trợ khó khăn bởi Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO