Hà Nội lại 'vào mùa giải cứu'

An Hà 08/01/2022 07:33

Những ngày này, tại nhiều tuyến phố của Hà Nội, trên nhiều vỉa hè lại xuất hiện những điểm “giải cứu” nông sản, trong đó có nhiều loại trái cây. Đó là trái cây “quay xe” từ các cửa khẩu phía Bắc trở về vì không thông quan được.

Một điểm “giải cứu” dưa hấu.

Trên các vỉa hè khu vực đường Trường Chinh, Nguyễn Xiển, Võ Chí Công, Khâm Thiên… lại tái hiện cảnh trái cây chất đống trên vỉa hè, hoặc là lái xe vận tải nhỏ “đỗ tạm”, mở cửa thùng xe ra bán.

Tại đường Trường Chinh, sáng 7/1, việc “giải cứu” trái cây khá sôi động. Hàng tấn trái cây được chất đống bày bán tại khu vực vỉa hè với giá rẻ. Người dân tới mua khá nhiều. 1 quả mít Thái tới chục kg cũng chỉ bán 80.000 đồng. Thanh long loại 0,5kg/quả có giá 70.000 đồng/thùng. Dưa hấu bán theo quả với trọng lượng trung bình 2kg có giá 20.000 đồng/quả.

Một người bán hàng “giải cứu” cho biết, từ ngày 3/1 đến nay đã tổ chức bán được khoảng 20 tấn mít Thái. Mít có giá rẻ chỉ bằng 1/2 giá trong chợ nên có ngày anh bán được gần 10 tấn. Giá quá rẻ, không chỉ người dân mua lẻ một hai quả, mà cả tiểu thương trong chợ cũng đến cất hàng về bán.

Trên đường Võ Chí Công, việc “giải cứu” đã diễn ra khoảng 10 ngày nay. Một người bán dưa hấu cho biết, trong vòng 1 tuần anh đã bán được tới 50 tấn dưa hấu. Riêng trong ngày Tết dương lịch (1/1/2022) anh bán được hơn 10 tấn dưa. Còn trong ngày 7/1, bày bán từ lúc 10 giờ sáng tới 3 giờ chiều cũng đã được hơn 1 tấn.

Nguồn dưa hấu chủ yếu đến từ các tỉnh Nam Trung bộ, trong đó nhiều nhất là Bình Định. Khi các xe tải chuyển ngược dưa từ cửa khẩu về, thì chất lượng vẫn còn rất tốt. Dưa “giải cứu” được bán theo quả. với giá 10.000 đồng/kg và mỗi quả thường có trọng lượng khoảng 2kg nên thường được bán giá chung là 20.000 đồng/quả.

Nhiều người bán hàng “giải cứu” cho biết, trái cây không chỉ đến từ các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận) mà còn đến từ Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk) và các tỉnh Nam bộ (Cà Mau, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu). Trong số các loại trái cây cần “giải cứu” lần này, nhiều nhất là thanh long và dưa hấu. Giá rất rẻ nên mức tiêu thụ cũng lớn.

Nhiều người tiêu dùng cho biết, họ khá “hào hứng” với mua trái cây “giải cứu”, do đó là nông sản dành để xuất khẩu nên có chứng nhận nguồn gốc rõ ràng, chất lượng lại cao.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần những chính sách giao thương bền vững để tránh lặp lại việc “giải cứu” như một điệp khúc. “Giải cứu” không bao giờ là phương thức kinh doanh tốt, nó chỉ là giải pháp tình thế. Giải pháp này có thể “giải phóng” được hàng hóa tồn nhưng cả người nông dân lẫn doanh nghiệp kinh doanh, doanh nghiệp vận tải thua thiệt, bởi giá bán thấp.

Cùng với việc có một chiến lược xuất khẩu lâu dài, bền vững thì quy hoạch vùng sản xuất là rất quan trọng. Mặt khác, việc phân bổ sản lượng sản phẩm theo từng mùa vụ gắn với quy trình chế biến, hệ thống tiêu thụ và xúc tiến mở rộng thị trường, đa dạng phương thức xuất khẩu tránh bị phụ thuộc vào 1 thị trường nhất định cho sản phẩm nông sản… rất cần được làm một cách bài bản. Không ai muốn “giải cứu” cả, vì thế phải sớm có lời giải cho bài toán ùn ứ nông sản. Càng sớm càng tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội lại 'vào mùa giải cứu'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO