Hà Nội trong 'mắt ảnh' Đỗ Huân

Dương Hoài An 24/10/2021 09:00

Bây giờ mỗi ngày có hàng ngàn cú bấm máy chụp Hà Nội. Và Thủ đô sau 67 năm giải phóng hiện lên lung linh với đủ góc nhìn, đủ các thiết bị máy móc, trong đó có cả những bức ảnh chụp Hà Nội lộng lẫy từ trên cao. Thế nhưng, mỗi khi lắng lại, tôi thường nghĩ tới những bức ảnh với hai sắc độ, đen và trắng, ghi lại phong cảnh Hồ Gươm, hay những sinh hoạt bình dị của người Hà Nội một thuở. Thuở đó chưa quá xa, nhưng làm người ta nhớ.

NSNA Đỗ Huân.

Hà Nội bây giờ vẫn là Hà Nội. Nhưng trong câu chuyện của một vài thế hệ, Hà Nội đã không còn thuộc về họ nữa. Hà Nội hôm nay là một Hà Nội của tiện nghi, của phương tiện... Hà Nội hôm nay là Hà Nội những cuộc đua xây nhà cao ốc. Cứ đứng ở Hồ Gươm là thấy, những ngôi nhà cao tầng đã khiến không gian nơi này trở nên chật hẹp.

1. Dạo này, trên facebook của nhà sử học Dương Trung Quốc, ông hay kể chuyện những bức ảnh. Khi thì ông viết về trang phục, khi ông viết về sinh hoạt phố phường. Những “chuyện ảnh” mà nhà sử học đọc ra trong kho ảnh tư liệu xưa, cho người đọc hôm nay nhiều câu chuyện thú vị.

Cũng vậy, khi tôi xem lại những bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đỗ Huân chụp cách đây hơn 50 năm, tự nhiên cứ muốn đi dọc phố phường, nhìn ngắm và chụp lại những góc phố ấy, khuôn hình đấy để làm đối sánh chuyện Hà Nội xưa, Hà Nội nay. Những vân vi so sánh ấy, không phải chỉ để thả nỗi hoài niệm mỗi khi thấy gió thu se sẽ lạnh thổi tràn trên phố, mà để thấy một Hà Nội đã đổi thay đến nhường nào. Trong sự đổi thay ấy, có cái gì hơn, cái gì làm hư hao mất mát.

Mỗi lần đi qua Hồ Gươm, tôi lại nhớ tới bức ảnh “Mưa bay mặt hồ” của nghệ sĩ Đỗ Huân. Một bức ảnh đẹp mà tôi nghĩ, sinh thời Đỗ Huân rất tâm đắc. Có lẽ ông chụp bức ảnh này vào một ngày cuối đông, mưa phùn, khi những tàng cây ven hồ đã rụng hết lá. Bức ảnh không có bóng người, chỉ có bóng cây lấp lóa dưới vỉa hè sũng nước. Xa xa, Tháp Rùa mờ ảo. Và những chiếc ghế đá kiểu dáng cũ gợi điều gì đó “rất Hà Nội”… Khoảnh khắc ấy bây giờ không còn nữa, nhưng nó vẫn được nhiều người nhớ.

Bây giờ, Hồ Gươm đã không còn dãy ghế đá ấy nữa. Người ta đã thay quá nhiều “thế hệ” ghế đá, ghế sắt quanh Bờ Hồ, nhưng thật sự, tôi vẫn ao ước ở đây, xuất hiện những chiếc ghế được làm theo lối cũ, như trong bức ảnh của NSNA Đỗ Huân. Có thể là một ước ao xa vời, song thực sự mà nói, khi đến một Di tích quốc gia đặc biệt mà cái gì cũng được làm mới, thi thoảng lại được làm mới, cảm xúc nó cứ hư hao làm sao...

Tác phẩm “Mưa bay mặt hồ”. Ảnh: Đỗ Huân.

2. NSNA Đỗ Huân còn có nhiều bức khác về Hồ Gươm, như “Đi học trong mùa sương”, “Mùa xuân Hà Nội”, “Hầm trú ẩn bên Hồ Gươm”… Mỗi bức là một khoảnh khắc về một Hà Nội xa xưa, bình dị và kiêu sa. Nó cũng chính là những tư liệu ảnh quý giá để chúng ta nhìn về một Hà Nội thời thiếu thốn, khi đó các nghệ sĩ nhiếp ảnh ai nấy đều nghèo, chụp bằng phim nên “mỗi lần bấm máy là đắn đo”, thậm chí “tiếc đứt ruột”.

Trước Đỗ Huân, đã nhiều người chụp về Hồ Gươm, nhưng giới cầm máy vẫn có lời thì thầm: Phải đến Đỗ Huân mới làm cho Hồ Gươm ra Hồ Gươm được. Ảnh của ông bố cục chặt chẽ, xử lý tiền cảnh kéo léo, thường mang sắc thái nhẹ nhàng, thơ mộng…

Nhưng NSNA Đỗ Huân không chỉ thành công với đề tài Hồ Gươm. Những năm Pháp còn chiếm Hà Nội, ông hoạt động trong nội thành nên có điều kiện chụp được những khoảnh khắc đắt giá. Bức “Xé khẩu hiệu địch” chụp năm 1949 thực sự là tư liệu quý, đó chưa kể về sự thành công của tác giả trong việc xử lý ánh sáng. Rồi thời chống Mỹ, bức “Đôi bạn chiến đấu” đầy chất thơ khi ông chụp hai nữ tự vệ mũ sắt mũ rơm đạp xe trên đường Hà Nội ra trận địa phòng không. Đặc biệt, một số bức về phố cổ Hà Nội đến nay thành những tư liệu quý để ta có dịp đối sánh về sự mất còn của những góc phố với mái ngói thâm nâu. Giai đoạn sáng tác thành công nhất của nghệ sĩ Đỗ Huân đó là sau mốc son 1954, khi đó ông làm phóng viên ở Sở Văn hóa Hà Nội…

Tôi vẫn còn nhớ, năm 1996, chỉ trước khi mất có 4 năm, nghệ sĩ Đỗ Huân mới xuất bản một cuốn sách ảnh. Đó là cuốn “Việt Nam xưa và nay”. Cả cuộc đời cầm máy của mình với hàng ngàn tác phẩm, ông chỉ chọn in 75 bức. Điều ấy cho thấy sự kỹ tính của ông. Xem lại tập sách ảnh này, ta gặp lại một số tác phẩm đã đoạt giải thưởng của Đỗ Huân như: “Đường làng mùa thu” (Giải danh dự tại triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế Budapest, Hungary, 1958), “Nguồn vui” (Huy chương vàng Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế Berlin, 1962), “Đôi bạn chiến đấu” (giải Nhất cuộc thi ảnh báo Thời mới Liên Xô, 1976), “Hướng đi lên” (giải Nhất giải Hồ Gươm của Hà Nội, 1980)… Ngoài ra, ta không thể không công nhận, một Hà Nội đầy chất thơ trong ảnh của nghệ sĩ lão thành Đỗ Huân, bất kể ông chụp Hồ Gươm, ngõ Phất Lộc hay chân dung họa sĩ Bùi Xuân Phái. Đúng như lời nhận xét của đồng nghiệp, Đỗ Huân vừa là nhà chép sử bằng ảnh vừa là nhà thơ bằng ảnh của Hà Nội.

3. Sinh năm 1918, Đỗ Huân là con trai một gia đình trí thức Hà Nội gốc, thân sinh là cụ Đỗ Lợi trong kháng chiến chống Pháp đã là chủ tịch Tuần lễ vàng khu Ba Đình.

Trưởng thành trong một gia đình sung túc, nhưng tố chất mẫn cảm bẩm sinh của người nghệ sĩ đã khiến ông không vùi đầu vào những thú vui xa hoa mà quên đi thực tại. Cảnh sống cơ cực, đói khổ của nhiều tầng lớp nhân dân Hà Nội dưới ách nô lệ vẫn đập vào mắt ông, khiến ông rung động, xót thương và tìm hiểu đến ngọn nguồn. Chính vì vậy, Đỗ Huân căm ghét bọn xâm lược và sớm có cảm tình với cách mạng. Ông tham gia cách mạng trong chương trình hoạt động Việt Minh ngay trong lòng Hà Nội. Ông cũng từng mua tín phiếu của Tổng bộ Việt Minh trị giá 1.000 đồng Đông Dương, tương đương với giá tiền 2 tấn gạo ngày đó. Trên cương vị một người trí thức gốc Hà Nội, ông lại cùng bạn bè trí thức Hà Nội xuất bản tờ “Công luận” để tỏ rõ thái độ ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp của Cụ Hồ.

Năm 17 tuổi, khi còn là học sinh trường Bưởi, Đỗ Huân làm quen với máy ảnh. Được gia đình mua cho chiếc máy hiệu Ikonta dùng phim 6x9cm, Đỗ Huân mày mò tự học qua sách báo, và chỉ sau 3 năm Đỗ Huân đã có hai tác phẩm được chọn trưng bày trong phòng ảnh nghệ thuật của Hà Nội. Có thể nói, nhiếp ảnh đã chọn ông và chính nhiếp ảnh cũng đưa ông vào danh sách những cái tên khó quên trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Những năm 50 của thế kỷ trước, ảnh đen trắng của nghệ sĩ Đỗ Huân đã được triển lãm ở Singapore, Hong Kong, Pháp và Ấn Độ. Vì thế, có thể nói, Đỗ Huân là người đã đưa ảnh đen trắng Việt Nam vào đẳng cấp nhiếp ảnh thế giới ngay từ khi nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam còn non trẻ. Ông trở thành một trong những người đặt nền móng cho nền nhiếp ảnh Việt Nam, được Liên đoàn Nhiếp ảnh thế giới (FIAP) phong tước hiệu nghệ sĩ.

Tôi vẫn còn nhớ, NSNA Đỗ Huân mãi mãi chia tay Hà Nội vào đầu giờ chiều một ngày tháng ba. Đó là ngày 23/3/2000. Cuộc đời 83 năm của ông, trong đó 60 năm gắn đời mình với nhiếp ảnh, Hà Nội là “gương mặt” đã ám ảnh ông nhất, đã chiếm vị trí trung tâm trong sự nhìn ngắm suốt đời của ông. Chính bởi vậy, Hà Nội hiện lên trong ảnh của ông suốt chiều dài lịch sử đầy biến động, có chiến tranh, có hòa bình, có những mái ngói phố cổ rêu phong, có Hồ Gươm lung linh… Nhưng thực sự, những tác phẩm của ông còn ít được người Hà Nội hôm nay biết đến. Ngay cả khi lên mạng internet tìm, thì dữ liệu kiếm được cũng rất ít ỏi. Sự ít ỏi đó là một thiệt thòi chung của cả một thế hệ những người sống khi chưa có internet. Dịp kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng Thủ đô này, cũng nên có một góc, dù nhỏ thôi, online cũng được, để quảng bá những khoảnh khắc vừa mang tính tư liệu quý vừa là những cái nhìn đầy chất thơ, chất hào hoa của Hà Nội đến với công chúng cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội trong 'mắt ảnh' Đỗ Huân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO