Hà Tĩnh: Bỏ hoang hơn 600 nhà văn hóa thôn

Hạnh Nguyên 29/07/2017 10:00

Việc sát nhập thôn, tổ dân phố ở Hà Tĩnh trong những năm gần đây đã vô tình gây lãng phí hơn 600 nhà văn hóa được xây dựng trên diện tích hàng nghìn m2 đất. Hiện tỉnh Hà Tĩnh cũng chưa đưa ra quyết định cuối cùng về “số phận” của hơn 600 nhà văn hoá nói trên do vướng Luật Đất đai.

Nhà văn hóa thôn Quang Trung, xã Thịnh Lộc rào bằng tre.

Lãng phí kéo dài

Sau khi có chủ trương sát nhập thôn, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà là đơn vị hăng hái, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, có một thực tế là sau khi sát nhập, toàn xã có tới 4 nhà văn hóa thôn bị bỏ hoang phí. 5 năm nay, một nhà văn hóa của thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc phải rào bằng tre, bên trong là mái ngói dột nát, tường nhà bong tróc, cánh cửa thủng rộp, cỏ dại mọc um tùm.

Ông Võ Hồng Chuẩn, trưởng thôn Yên Điềm cho biết: “Sau khi sát nhập thôn 2 và 3 thành thôn Yên Điềm thì thừa một nhà văn hóa. Kinh phí khi làm nhà văn hóa này hết gần 1 tỷ đồng do Dự án SRDP đầu tư, người dân đóng góp 10%. Biết là lãng phí, nhưng người dân không sử dụng đến đành phải để hoang”.

Chung cảnh ngộ, năm 2012, thôn 6 và 7 xã Thịnh Lộc sát nhập thành thôn Hồng Thịnh, đồng nghĩa với việc nhà văn hóa kiên cố được xây lên bằng công sức, tiền của của hàng trăm người dân trong thôn đóng góp phải bỏ hoang. Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Hiền, trưởng thôn cho hay: “Mấy năm nay, thỉnh thoảng có nhà thầu về xây dựng công trình trên địa bàn mượn để bảo quản vật liệu và HTX môi trường của xã thỉnh thoảng dùng để tổ chức hội họp chứ không phát huy được hiệu quả”.

Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, ông Nguyễn Công Trình cho biết: Toàn xã này hiện có 4 nhà văn hóa thôn không sử dụng. Nhưng muốn thanh lý 4 nhà văn hóa bỏ hoang cũng phải có phương án từ cấp trên vì vướng nguồn của Dự án SRDP tài trợ. “Xã đã có ý tưởng và đang xin ý kiến huyện là thu hồi đất của 4 nhà văn hóa này sau đó bán cho dân xây nhà ở hoặc giao cho các câu lạc bộ sử dụng”- ông Trình nói.

Tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, việc bỏ hoang nhà văn hóa cũng chưa có cách hóa giải. Theo tìm hiểu, năm 2011, thôn Võ Đa và La Ngà sát nhập thành thôn Nam Hải. Cả 2 nhà văn hóa này không đủ điều kiện sinh hoạt cộng đồng nên xã quy hoạch một vị trí mới để xây hội quán thôn. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí khó khăn, nhà văn hóa cũ lại chưa có hướng giải quyết nên từ đó đến nay, người dân thôn Nam Hải phải sinh hoạt nhờ tại nhà chống bão của xã. Hiện xã Cẩm Nhượng có tới 9 nhà văn hóa bị bỏ hoang, do lâu năm không sử dụng, không được quản lý tốt nên những nhà văn hóa này ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Ông Nguyễn Sĩ Huyền- Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: Xã đất chật, người đông, nhu cầu sử dụng đất ở của người dân rất lớn, trong khi địa điểm đất tại các nhà văn hóa có vị trí rất đẹp, rất dễ đấu giá. Nếu 9 nhà văn hóa được đấu giá thì địa phương cũng có ít nhất 4 đến 4,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các nhà văn hóa ở vị trí mới. Ông Huyền nói: “Chúng tôi đã đề xuất phương án giải quyết, nhưng đến nay vẫn đang phải chờ phản hồi, hướng dẫn xử lý”.

Cần “giải phóng” sớm

Theo số liệu thống kê, từ năm 2011, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có đến hơn 600 nhà văn hóa thôn với hàng trăm nghìn m2 đất bị bỏ hoang. Điều đáng nói là, trong khi nhu cầu bố trí sử dụng các khu đất dư thừa rất lớn, nhưng các địa phương không thể xử lý được.

Ông Hồ Nhật Lệ - Trưởng phòng Quy hoạch - Giao đất (Sở TN&MT Hà Tĩnh) cho biết: “Việc xử lý thu hồi đất nhà văn hóa thôn do không có nhu cầu sử dụng đã được các địa phương phản ánh từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, do vướng Luật Đất đai, cụ thể là chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc thu hồi đất nhà văn hóa thôn do không có nhu cầu sử dụng, nên chưa xử lý được”.

Ngoài ra, theo ông Lệ, Hà Tĩnh hiện mới chỉ có Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh, chưa có cấp huyện nên việc thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai cũng chưa thực hiện được.

Trước những vướng mắc này, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã có văn bản tham mưu, đề xuất phương án đến UBND tỉnh. Theo đó, đối với các khu đất thu hồi tại địa bàn thành phố, thị xã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh quản lý, lập phương án bố trí sử dụng, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đối với các khu đất thu hồi thuộc các địa bàn huyện thì giao cho UBND cấp xã quản lý; UBND cấp xã có trách nhiệm căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan để lập phương án bố trí sử dụng, trình UBND tỉnh phê duyệt. Các khu đất quy hoạch vào mục đích đất ở, đất sản xuất kinh doanh, thương mại, thì đề nghị thực hiện giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lệ, đây mới chỉ là ý kiến tham mưu, đề xuất của Sở TN&MT trình lên UBND tỉnh. Việc xử lý cụ thể như thế nào đang chờ HĐND tỉnh xem xét, thông qua. Về việc này, ông Võ Hồng Hải - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh nói: “Qua giám sát, HĐND tỉnh đã nắm được vấn đề này từ lâu, thực tế là UBND tỉnh xử lý chậm quá, đúng ra phải tháo gỡ sớm cho địa phương. HĐND tỉnh đang xem xét theo hướng phân cấp cho cấp xã xử lý, không thu hồi về Trung tâm quỹ đất tỉnh nữa để giảm bớt thủ tục hành chính”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Tĩnh: Bỏ hoang hơn 600 nhà văn hóa thôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO