Hà Tĩnh: Đất đấu giá được chính quyền 'thổi' trên trời

HẠNH NGUYÊN 26/02/2022 13:00

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, dư luận tại tỉnh Hà Tĩnh đang xôn xao về việc đất đấu giá ở huyện Đức Thọ được đẩy lên quá cao. Người dân không có tiền mua, giới “cò mồi” cũng hoảng hốt vì giá cao trên trời. Hệ lụy của vấn đề này để lại khó lường.

Đất đấu giá ở xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ đang là ruộng lúa, chưa làm hạ tầng.

Đất “dát vàng” ?

Cuối tháng 1/2022, Công ty đấu giá hợp danh Minh Nhật (Hà Tĩnh) ra thông báo đấu giá quyền sử dụng đất đối với 9 lô đất tại thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).

Cụ thể, 8 lô cùng diện tích 160m2 có giá khởi điểm 3,52 tỷ đồng, bước giá mỗi lần đấu 176 triệu đồng, riêng lô số 24 diện tích 262,21m2 có giá 4,737 tỷ đồng, bước giá mỗi lần đấu 237 triệu đồng. Tương đương mỗi mét vuông đất ở đây có giá từ 18-22 triệu đồng/m2.

Nhìn vào bảng giá niêm yết công khai của thông báo này, không chỉ người dân mà các nhà đầu tư “lướt sóng” cũng hốt hoảng. Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng, “đất ở đây có kim cương” hay “đất dát vàng”…!

Điều đáng nói là khu vực đất đấu giá này giáp Quốc lộ 8A nhưng người dân đang làm ruộng, lúa mọc lên xanh tốt và chưa hề được đầu tư xây dựng hạ tầng. Theo người dân địa phương, năm 2021, xã Lâm Trung Thủy cũng bán đấu giá 1 khu đất cạnh 9 lô vừa được đưa ra đấu giá. Tuy nhiên thời điểm đó mức giá khởi điểm lô cao nhất cũng chỉ 650 triệu đồng. Năm nay giá lô cao nhất là hơn 4,7 tỷ đồng, tăng gấp 6-7 lần so với năm trước. “Mức giá đất đưa ra quá cao, chưa sát giá thị trường đất ở vùng này” - ông Đinh Khánh Toàn (trú thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy) nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy cho biết, 9 lô đất tại thôn Hòa Bình đã mở bán nhưng vừa rồi không có người mua hồ sơ vì dân cho rằng giá quá cao nên phải đấu giá lại. “Trước khi đưa 9 lô đất thôn Hòa Bình ra đấu giá, xã tham mưu lên huyện với giá khởi điểm giao động khoảng 1,05 tỷ đồng vì thời điểm đó giá đất dưới dân bán khoảng 1,2 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm này, giá đất lên khoảng 2 tỷ đồng. Việc giá đấu khởi điểm là huyện xem xét để đưa ra, còn địa phương chỉ tham mưu” - ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết thêm.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy cũng thông tin, ở địa phương không có dự án nào vào đầu tư. Nếu đấu giá đất thành công xã sẽ đưa vào ngân sách 45% để phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ đất ở xã Lâm Trung Thủy mà tại thị trấn Đức Thọ của huyện này cũng vừa mở đấu giá 12 lô đất tại vùng quy hoạch Nhà Lay Trên với giá cao ngất ngưởng. Lô số 11, diện tích 149,5m2 có giá 4,485 tỷ đồng, bước giá hơn 224 triệu đồng, tương đương hơn 30 triệu đồng/m2. Các lô khác cùng diện tích 160m2 có giá 4 tỷ và 2 tỷ đồng, bình quân mỗi mét vuông có giá từ 12 - 25 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 25/2, công ty đấu giá công bố kết quả nhưng chỉ có 2 bộ hồ sơ bỏ đấu giá 1 lô duy nhất, còn lại 11 lô khác không có bộ hồ sơ nào tham gia đấu giá. Khảo sát tại thực địa, khu vực đất đưa ra đấu giá này cũng chưa hoàn thiện hạ tầng, mới chỉ san gạt đường đất và phân lô để bán.

Người dân thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ, Hà Tĩnh) bất ngờ khi giá đền bù thấp mà giá bán đấu giá lại cao ngất ngưởng.

Hệ lụy khó lường

Chính quyền huyện Đức Thọ thu hồi đất, áp giá đền bù tài sản trên đất với giá thấp trong khi chưa có tiền chi trả cho người dân. Nếu vòng tròn “giá đất cao, không có người mua” kéo dài sẽ để lại dư luận không tốt. Mặt khác, theo các chuyên gia, hệ lụy lâu dài về môi trường đầu tư của địa phương sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Lê Đình Mậu - người dân trú thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy cho hay, gia đình ông có hơn 520m2 đất ruộng tại khu vực đấu giá “nổi tiếng” vừa qua. Năm 2021, ông đồng ý để chính quyền thu hồi toàn bộ số đất này với giá đền bù là 92 triệu đồng, tương đương 176.000 đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay ông Mậu chưa được nhận tiền đền bù. “Nghe bảo khi nào bán đất xong mới trả cho dân, vừa rồi thông báo đấu giá đất mà giá cao quá nên không có người mua hồ sơ. Không biết đến khi nào chúng tôi mới được nhận tiền đền bù nữa” - ông Mậu nói.

Lý giải về cơ sở đưa ra giá đất đấu lần này, ông Thái Sơn Vinh - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ cho hay, huyện đưa ra giá đất đấu giá dựa vào thị trường chuyển nhượng thành công trên khu vực chuẩn bị đấu. “Huyện đưa ra mức giá đó dựa trên thị trường chuyển nhượng thành công và đợt đấu giá gần đó, tính theo mét vuông các khu vực lân cận. Đây là biện pháp so sánh, bởi theo quy định có mấy phương án đưa ra để định giá, trong đó có phương án so sánh thị trường trực tiếp. Quan điểm của huyện nếu cao quá, không có người mua thì sẽ giảm” - ông Vinh nói.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc hiện nay Chính phủ yêu cầu các địa phương kiểm soát giá đất nhưng huyện Đức Thọ lại đưa ra giá đất cao như vậy liệu có đi ngược lại chủ trương của Chính phủ không? Ông Thái Sơn Vinh khẳng định: “Đây không phải đầu cơ tích trữ, như “cò” là khác, đây là giá nhà nước đặt ra có cơ sở”.

Tuy nhiên, theo quy định, qua 3 lần đấu giá không thành công, giá đất mới được điều chỉnh nhưng chỉ được phép hạ xuống không quá 10%. Với mức hạ này, giá đất đấu giá 2 khu vực được huyện Đức Thọ đưa ra nói trên vẫn cao ngất ngưởng, người dân có nhu cầu mua đất ở không thể với tới.

Theo các chuyên gia đấu giá ở Hà Tĩnh, khi đưa ra mức đấu giá đất cao, không có ai mua sẽ để lại hệ lụy khó lường. “Xây dựng giá đất đấu cao như thế sau này chính quyền trả tiền đền bù cho dân sẽ rất vất vả. Người dân có nhu cầu mua đất ở thực sự không thể mua được vì giá quá cao. Mặt khác, giá đất đấu giá cao ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Không có nhà đầu tư dự án nào dám đặt chân đến nơi có giá đất của Nhà nước cao như thế” - một chuyên gia về bất động sản nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Tĩnh: Đất đấu giá được chính quyền 'thổi' trên trời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO