Hai bức phù điêu được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia

Minh Sơn 19/07/2015 08:30

Sau khi tiến hành nghiên cứu các tiêu chí và quy định, Hội đồng thẩm định của Sở VHTT&DL tỉnh Bình Định vừa có đệ trình đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với 2 hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định là phù điêu nữ thần Mahisha Mardini và phù điêu rắn Naga.

Hai bức phù điêu được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia

Phù điêu nữ thần Mahisha Mardini.

Phù điêu nữ thần Mahisha Mardini được người dân tìm thấy tại gò Núi Cấm ở thôn Thủ Thiện Thượng (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn). Phù điêu được làm bằng chất liệu đá sa thạch có kích thước cao 1,2 m, rộng 1,1 m, dày 9-13 cm, còn khá nguyên vẹn. Dáng hình lá đề, mặt trước tạc tượng thần trong tư thế múa, ngực trần, hai chân chùng xuống trong tư thế nhón gót, tay trái chống vào hông, tay phải cầm quạt, khuôn mặt nghiêm nghị. Sau lưng là 8 cánh tay cầm nắm các linh vật bao gồm quả bầu, kiếm, móc, cung, chùy...

Với những chi tiết tinh xảo và hình thể khá hoàn, nhất là các tay từ chính đến phụ đều có sự kết nối trong các động tác múa của thần, kết hợp với chân nhún nhảy uyển chuyển theo điệu nhạc…

Được biết, phù điêu nữ thần Mahisha Mardini được giới nghiên cứu Chămpa học đánh giá là đẹp nhất trong những bức tượng tìm thấy ở nhiều địa phương trong nước cho đến nay.

Hai bức phù điêu được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia - 1

Phù điêu rắn Naga.

Phù điêu rắn Naga được phát hiện trong đợt khai quật tại tháp Dương Long (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn). Phù điêu chạm khắc trên một khối đá sa thạch còn nguyên, cao 1,35m, rộng 1,35m, dày 0,5m, chia làm 2 phần: Một bên đục lõm vào để trơn, bên kia chạm khắc nổi rắn Naga 3 đầu: 1 đầu chính và 2 đầu phụ về một phía, trán to nhô ra và nhướng lên, mắt mở to nhìn về phía trước, với 2 lớp lông mày xếp kiểu hình vảy cá. Ở phần ngực chạm khắc 2 hàng vảy nổi xếp chồng lên nhau chạy dài đến bụng, giữa 2 lớp vảy là hoa văn hình tròn 2 lớp như một bông hoa đang nở.

Điều đặc biệt là ba rắn Naga và một rắn cách điệu đều chạm khắc về một phía không giống như những phù điêu đã phát hiện trước đây. Ngoài ra, đây cũng là loại hình phù điêu rắn Naga lớn nhất và được chạm khắc sắc sảo nhất có niên đại thế kỷ XII-XIII.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, 2 hiện vật sẽ tiếp tục được xem xét, tuyển chọn từ Hội đồng thẩm định của Bộ VHTT&DL. Nếu đạt yêu cầu sẽ tiếp tục được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai bức phù điêu được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO