Hài hòa không gian sống cho người dân đô thị

LÊ ANH 07/12/2021 08:08

Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về tốc độ đô thị hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những kỷ lục được thiết lập mới hàng năm, thành phố cũng đang phải loay hoay bảo tồn, cải tạo các di tích, công trình tín ngưỡng văn hóa và biệt thự cổ vốn đã có tuổi đời hàng trăm năm nhưng đang xuống cấp trầm trọng.

Nhiều di tích, biệt thự cổ xuống cấp

Hiện nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM và các cơ quan phản biện đang cho ý kiến đối với dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP HCM. Một khi được ban hành, quy chế này sẽ giúp cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố. Không gian kiến trúc đô thị hài hòa giữa quá khứ và tương lai sẽ định hình “vốn văn hóa” của đô thị, đồng thời đáp ứng hài hòa giữa nhu cầu vật chất và môi trường sống tốt hơn cho cư dân đô thị.

Tại TP HCM, nhiều di tích, công trình tôn giáo, tín ngưỡng và biệt thự cổ đang xuống cấp trầm trọng. Việc trùng tu ở một số đình chưa có chiều sâu, bài bản. Không ít địa phương tận dụng di tích làm “điểm đến” của ngành du lịch, nhưng lại không gắn với bảo tồn, hoặc gắn kết giữa không gian văn hóa đình với hoạt động của cộng đồng dân cư.

Điển hình là câu chuyện của Đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp) đã 323 năm tuổi, là ngôi đình cổ của vùng đất Gia Định xưa và của cả Nam Bộ. Di tích được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1988 nhưng cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo đại diện Ban Trị sự đình Thông Tây Hội, trước đây Ban trị sự đã vận động kinh phí xã hội hoá nâng sân và sửa chữa một phần nhưng phần nhà hội sở vẫn nằm thấp hơn sân khiến mùa mưa bị ngập nước. Cũng do bị xuống cấp, nhà hội sở hầu như không còn được sử dụng theo đúng chức năng là thờ tiên sư, mà dùng để vật dụng suốt thời gian dài.

Tương tự, trên địa bàn quận 9 (cũ) nay là thành phố Thủ Đức có di tích chùa Hội Sơn. Vào tháng 7/2012 công trình từng bị hỏa hoạn khiến toàn bộ kiến trúc gian lớn (bằng gỗ) bị cháy rụi cùng với hơn 30 pho tượng gỗ quý. Dù hiện tại những phần bị cháy đã được trùng tu nhưng phải nhìn nhận rằng giá trị về văn hóa và giá trị về di sản vật thể kiến trúc cổ gần như đã mất.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh Lợi, việc bảo vệ, bảo tồn di tích hiện nay rất khó khăn, nhất là đối với các công trình nhiều năm tuổi. Lý do, quá trình trùng tu để đúng như bản gốc đòi hỏi phải tìm được đúng nguyên liệu xây dựng ban đầu nhưng hiện nay để tìm được là rất khó. Với phương án tìm vật liệu thay thế, ông Lợi cho rằng, cần đặc biệt hạn chế bê tông hóa di tích, nhất là tại các đình làng…

Định hình không gian sống đô thị

UBND TP HCM mới đây đã có quyết định đưa thêm 35 biệt thự cũ trên địa bàn vào diện quản lý, bảo tồn. Qua đó, nâng tổng số biệt thự cũ vào diện bảo tồn, quản lý riêng tại thành phố là hơn 200, tập trung nhiều nhất tại hai quận trung tâm (quận 1, quận 3).

Liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, kiến trúc văn hóa tại TP HCM, TS Nguyễn Thị Hậu - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử thành phố đặt ra yêu cầu bảo tồn di sản không chỉ là bảo tồn những kiến trúc, cơ sở vật chất hiện hữu mà còn phải bảo tồn lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo tồn đời sống tinh thần của cả cộng đồng.

Do đó, TS Hậu cho rằng, các nhà quy hoạch, nhà quản lý cần xác định rõ giá trị không thể đánh đổi của di sản trong quá trình phát triển đô thị. Công tác quản lý nhà nước hướng đến bảo tồn bền vững và việc quy hoạch di sản phải nằm trong quy hoạch đô thị.

Theo rà soát danh sách biệt thự cổ của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, có khoảng 1.550 địa chỉ biệt thự cũ, trong đó số đã được kiểm kê khoảng 1.058 địa chỉ và có khoảng 560 địa chỉ không còn là biệt thự. Lý do, nhiều biệt thự xây từ trước năm 1975 vốn đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí đã mất khoảng 600 căn. Đáng chú ý, theo đại diện Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố, có nhiều biệt thự cổ hiện nay thuộc sở hữu tư nhân. Gần đây, ngành quy hoạch kiến trúc của thành phố ghi nhận có tình trạng chủ sở hữu tự ý tháo dỡ biệt thự cổ hoặc tự cải tạo làm nhà hàng, văn phòng công ty đã làm mất đi không ít công trình kiến trúc cổ mang những giá trị di sản về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Điển hình như một số biệt thự cũ như số 12 Lý Tự Trọng (quận 1); 237 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh); 6B Ngô Thời Nhiệm (quận 3) chưa kịp phân loại để xếp hạng bảo tồn đã bị tháo dỡ…

Đại diện UBND quận 3 nhận định, thách thức rất lớn trong bảo tồn và bảo vệ các biệt thự cũ chính là tình trạng xuống cấp rất nhanh của chúng. Kèm theo đó, chủ sở hữu tự ý tháo dỡ hoặc sửa chữa cải tạo cũng gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý di tích của địa phương.

Việc bảo vệ di sản, kiến trúc văn hóa không thể chỉ là câu chuyện của công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của từng địa phương. Để di sản có sức sống và hài hòa với lợi ích của cộng đồng, lợi ích kinh tế, việc phát huy giá trị di sản phải được tính tới trong phát triển bền vững. Nhà nước ngoài một phần kinh phí để bảo tồn di tích hàng năm cần huy động, tận dụng nguồn lực xã hội hóa bằng nhiều chính sách ưu đãi đặc thù để tạo nguồn kinh phí cho từng di tích, di sản phục vụ trùng tu, nâng cấp trong khi vẫn tuân thủ nguyên tắc bảo tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hài hòa không gian sống cho người dân đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO