Hài Tết 2017: Đặc sản có 'đổi món'?

Tùng Anh 27/11/2016 09:15

Nếu phim chiếu rạp và sân khấu kịch Tết được coi là “đặc trưng” của phương Nam thì từ lâu nay đĩa hài Tết được coi là “đặc sản” của miền Bắc. Mang đến tiếng cười sảng khoái, đậm chất dân gian, bình dân, đi vào đời sống là chủ đích của sản phẩm này. Tuy nhiên, món ngon ăn mãi cũng nhàm, liệu mùa xuân Đinh Dậu, hài Tết có “món” gì mới?

Hài Tết 2017: Đặc sản có 'đổi món'?

Danh hài Quốc Anh trong một vở hài Tết.

Thị trường mở

Còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết, đồng nghĩa với việc chỉ khoảng hơn tháng nữa là các đĩa hài Tết trình làng bởi đây là sản phẩm “đón Tết”, người ta bắt đầu xem khi năm về cuối.

Bao giờ cũng thế, khi thấy các cửa hàng băng đĩa treo biển “Có hài Tết” và tiếng mở loa nheo nhéo từ các nhà thưởng thức như khiến không khí Tết đến gần hơn, giục giã người ta làm nốt việc để mà thưởng Tết, chơi Tết. Từ khoảng hai chục năm nay, đĩa hài Tết là sản phẩm giải trí không thể thiếu với một bộ phận người dân.

Nếu như thị trường phim Tết có sự “vào-ra” bất ổn định thì đĩa hài Tết đánh dấu sự bền bỉ, trung thành với dòng giải trí Tết của rất nhiều đơn vị sản xuất.

Đó là các đạo diễn Phạm Đông Hồng, Trần Bình Trọng, nghệ sĩ Công Vượng (Vượng “râu”)... với dàn diễn viên chuyên nghiệp như: Công Lý, Giang “Còi”, Quang Thắng, Chiến Thắng, Minh Hằng, Quốc Anh, Trung Hiếu...

Năm nay, đạo diễn Phạm Đông Hồng thực hiện tới 3 dự án phim hài Tết là: “Enter”, “Bờm” và “Chôn nhời 4”; nghệ sĩ Công Vượng (tức Vượng “râu”) thực hiện 2 đĩa hài “Cưới đi kẻo ế” (tiếp nối phim “Cưới đi kẻo Tết” 2015) và dự án Gala Tết Vạn lộc 2016; đạo diễn Trần Bình Trọng tiếp tục với “Làng ế vợ 3”; đạo diễn Phạm Đức Dũng “đổi gió” với đĩa hài “Tết này con ở đâu?”; NSƯT Công Lý thủ vai chính trong đĩa “Ván cờ vồ - Bí tịch thất truyền”…

Có vẻ như thấy thị trường hài Tết vẫn “còn cửa” và nhiều hứa hẹn nên năm nay lần đầu tiên đạo diễn Mai Hồng Phong “lên sàn”. Vốn được biết đến với nhiều phim truyền hình dài tập như: Những ngọn nến trong đêm, Đèn vàng, Phía cuối cầu vồng, Blog nàng dâu, Lời ru mùa đông…, người ta cả chờ đợi, hi vọng lẫn tò mò về vị đạo diễn lần đầu “lấn sân” sang lĩnh vực hài Tết này.

Đó là đĩa hài “Ra phố tìm con” kể về hành trình đi tìm đứa con nuôi “bạc tình bạc nghĩa” của đôi vợ chồng nhà quê lần đầu ra phố…

Sự thật thà chất phác của hai ông bà nhà quê đã bị những người “thành phố” lợi dụng, kiếm tiền. Tuy nhiên, chính sự thật thà chất phác đến ngây thơ của họ lại làm cho họ trở nên đẹp đẽ lạ thường giữa những lọc lừa, dối trá và xô bồ của chốn thị thành.

Và cũng chính những mộc mạc, chân chất mà sâu nặng nghĩa tình ấy đã cảm hoá được những dối trá lọc lừa nơi phồn hoa đô thị.

Đổi mới có hấp dẫn

Như mọi năm, hài Tết luôn có những gương mặt mới, “hot” tham gia vào để tạo sự mới lạ, “cập nhật” về “nhân vật đình đám” trong năm.

Năm nay, không ngoại lệ, hài Tết đánh dấu lần đầu tiên tham gia của Lê Thị Dần- người gây ấn tượng với khán giả chương trình “Thách thức danh hài” với biệt danh “cô gái 100 triệu”.

Tiếp đó còn phải kể đến ca sĩ chuyển giới Lâm Chi Khanh, diễn viên truyền hình phía nam Tường Vy trong phim hài “Enter”; diễn viên trẻ Đỗ Duy Nam phim hài “Bờm”; NSƯT Đức Khuê trong “Chôn nhời 4”; Cẩm Nhung trong “Làng ế vợ 3”; diễn viên Trương Phương trong “Ván cờ vồ - Bí tịch thất truyền”…

Thậm chí, để có thể tìm được những gương mặt mới cho phim hài “Cưới đi kẻo ế”, nghệ sĩ Công Vượng còn tổ chức hẳn một ngày casting. Anh hy vọng những gương mặt mới sẽ góp phần làm sinh động hơn cho tiểu phẩm hài Tết của mình.

Mới đây, Sao mai Phương Thúy cũng tiết lộ, cô tham gia cùng đạo diễn Bình Trọng trong phim hài “Làng ế vợ”. Mấy năm nay, “Làng ế vợ” đã trở thành thương hiệu của đạo diễn Bình Trọng.

Tuy nhiên, mỗi năm anh lại phải xoay xỏa để tìm cái mới. Với việc cộng tác cùng ca sĩ Phương Thúy để mời cô thể hiện một ca khúc “tương tác” với phim, đạo diễn Trần Bình Trọng cũng hi vọng có thể đem đến một cảm giác là lạ cho khán giả.

Bên cạnh đó, đạo diễn Bình Trọng quay “Làng ế vợ 3” tại Yên Bái, có sự tham gia của các đồng bào dân tộc cũng hứa hẹn đem tới những “phong vị” hấp dẫn...

Ngoài ra, theo những thông tin “hậu trường” mới được tiết lộ, MC Thảo Vân cũng tham gia một vai trong “Cưới đi kẻo ế”. Đó là vai cô Lành con ông Lẩm (do Công Vượng đóng), bà Cẩm (NSƯT Minh Hằng)…

Hài Tết như mọi năm vẫn khai thác lối dân gian với những tình huống dở khóc dở cười hoặc là sau lũy tre làng, gái ế, người xấu mong thành đẹp…

Dù rằng cố gắng mời nhiều diễn viên mới để đổi gió nhưng sự không chuyên của họ có thể sẽ là chênh lệch với những diễn viên gạo cội.

Trong khi đó, dàn diễn viên chuyên nghiệp thì trở đi trở lại, năm nào cũng “nhẵn mặt” không khỏi dẫn đến sự nhàm chán, dù là ở các vai tiếp nối hay với vai diễn khác.

Gần đây, các đĩa hài bắt đầu gắn những vấn đề xã hội khiến câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn, thời sự hơn. Đó là một cách để vượt thoát khỏi “hài độc lập”, tách rời cuộc sống, chỉ là tiếng cười giải trí sảng khoái hay đả kích thói đời chung chung như trước kia.

Song nó cũng không khỏi có tính lệ thuộc vào sự kiện mà mọi người đã biết trong năm, và đó cũng là cách mà “Gặp nhau cuối năm” khai thác một cách khá “đỉnh”.

Cái khó bó cái khôn

Tuy nhiên, năm nay, các đạo diễn và nhà sản xuất hài Tết vẫn còn nguyên nỗi băn khoăn về… đĩa lậu. Câu chuyện bị ăn cắp bản quyền trắng trợn thông qua việc in sao trái phép đã quá quen với những người làm nghề.

Vì thế, mỗi đạo diễn khi vào “cuộc chơi” này đều phải tìm “lối thoát hiểm” cho mình. Có như vậy mới thu hồi được vốn và có lời. Năm ngoái, đạo diễn Phạm Đông Hồng hợp tác với Youtube.

Song song với đó là chuyện phải lo các mối quảng cáo, tài trợ trong đĩa hài. Cũng có đạo diễn may mắn, hợp “cạ” nên đã có sẵn mối quảng cáo, chỉ phải lo kịch bản, diễn viên phù hợp.

Như danh hài Vượng “râu” hơn chục năm qua cũng sống vào những đơn vị tài trợ thân thuộc, vì nếu ít tiền đầu tư, sản phẩm hài Tết khó lòng hay và hình ảnh không đẹp.

Với giới làm đĩa hài, nhà tài trợ chính là “bầu sữa” để đưa sản phẩm đến khán giả. Nói cách khác, khán giả được cười, thư giãn, giải trí trong những ngày xuân chính là nhờ công lao của các nhãn hàng. Chứ nếu thuần túy trông vào bán đĩa thì… lỗ vốn, chẳng ai dám “húc đầu vào đá”.

Chính vì hạn hẹp tài chính, các nhà sản xuất trông chờ vào nhà tài trợ, mà nhà tài trợ thì chỉ nhỏ lẻ, tài trợ dăm ba chục triệu đồng đã là nhiều, nên theo nghệ sĩ Giang Còi, hiện chưa có ai bỏ tiền đầu tư viết kịch bản chuyên nghiệp, hầu hết nhặt nhạnh ngoài đời thường, từ ngữ khá bình dân.

Thị trường băng đĩa giống như một thứ “đồ ăn nhanh”, cũng lắm người muốn giành giật thị phần. Vì thế, đĩa hài Tết có món ngon, món dở, có cả hàng giả, hàng nhái nên cũng khó đòi hỏi những sản phẩm có chất lượng tuyệt hảo, cùng lúc hợp gu nhiều tầng lớp người xem được.

Là sản phẩm theo mùa, công chúng tùy từng sở thích, thị hiếu mà thích hoặc không, xem đi xem lại hoặc chán ngay từ đầu. Dù sao hài Tết vẫn là một “món đặc sản” mà nhiều người chờ đợi được “đổi” mỗi khi xuân về...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hài Tết 2017: Đặc sản có 'đổi món'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO