Hàng không chờ phục hồi

Hạnh Nhân 24/02/2021 08:42

Hiện các hãng hàng không trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính sống còn trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. Tuy vậy, các hãng đang lên kịch bản sống chung với dịch bệnh, chờ cơ hội phục hồi.

Hàng không “sống chung” với Covid-19. Ảnh: Gia Chính.

Liên tiếp gặp khó

Đầu năm 2021, các hãng hàng không tiếp tục gặp khó khi Covid-19 bùng phát trở lại. Có thể thấy, dịch bệnh đã phá vỡ kịch bản nỗ lực phục hồi của hàng không khi tất cả các hãng đều kỳ vọng vào việc vận chuyển trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán. Theo đó, sản lượng vận chuyển dự tính tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 7,5 triệu khách trong giai đoạn tháng cao điểm Tết.

Nhưng không như kỳ vọng, trong 7 ngày Tết Nguyên đán (từ ngày 10 - 16/2), tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam chỉ đạt 9.500 lần hạ cất cánh, giảm tới 43,4%; đạt hơn 815.000 hành khách, giảm 66,6%; 14.000 tấn hàng hóa, tăng 3,3% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam chỉ vận chuyển được 408.000 khách, giảm gần 65% và 2.000 tấn hàng hóa, giảm hơn 54% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2020. Lượng khách qua 3 cảng hàng không quốc tế lớn trên cả nước cũng vì thế mà sụt giảm nghiêm trọng. Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ đạt 256.000 lượt khách, giảm hơn 71%; với 3.400 lần hạ cất cánh, giảm 44,5%. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đạt 1.900 lần hạ cất cánh, giảm hơn 51%; với tổng 136.000 lượt khách, giảm gần 75%. Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt 580 lần hạ cất cánh, giảm 73,8%, với 43 nghìn lượt khách, giảm 86,2% so với năm trước.

Với tác động tiêu cực của dịch bệnh, các hãng hàng không đang đối mặt với những thách thức mang tính sống còn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), đến thời điểm này các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu khoảng 4 tỉ USD, trong đó Vietnam Airlines là 2 tỉ USD, còn lại là các hãng hàng không khác.

Tìm cách ứng phó

Lên kịch bản để ứng phó với dịch bệnh, phía Vietjet, Giám đốc điều hành Đinh Việt Phương đề xuất, nhà chức trách có giải pháp để tăng slot ở 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất giúp các hãng có thể đưa thêm tàu, mở thêm tuyến đến đây. Về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ DN về vốn, thực chất là hỗ trợ về lãi suất. Có như vậy, các DN đang rất khó khăn mới có lực để phục hồi trở lại.

Đối diện với khó khăn năm ngoái Vietjet Air đã cắt giảm đáng kể chi phí, thay đổi cấu trúc doanh thu phù hợp với bối cảnh. Cuối năm hãng cũng ghi lãi từ việc chuyển nhượng một số tài sản tích lũy trước đó còn giúp hãng tập trung nguồn vốn, chờ cơ hội phục hồi.

Về phía quản lý, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng nhấn mạnh: Cục Hàng không VN, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì những giải pháp hỗ trợ các DN hàng không về phí, thuế. “Vấn đề sống còn của hàng không Việt là phải duy trì được thị trường nội địa. Muốn vậy thì dịch phải được kiểm soát rất tốt. Việc bay quốc tế sẽ chỉ được thực hiện từng bước” - ông Thắng nêu quan điểm.

Đánh giá cao giải pháp phục hồi ngành hàng không từ thị trường nội địa, ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho rằng, doanh thu đến từ thị trường nội địa hiện là nguồn thu chính của các hãng hàng không, đáp ứng yêu cầu về chi phí nhân công, các chi phí cố định khác… “Nhưng quan trọng hơn, với vai trò là lĩnh vực khơi thông, mở đường cho các lĩnh vực thương mại khác của nền kinh tế phục hồi thì nguồn thu quý báu của hàng không là đòn bẩy cho đà phát triển trong thời gian tới của ngành, từ đó đóng góp vào nhiệm vụ phục hồi kinh tế nói chung của Chính phủ” - ông Thắng khẳng định.

Tuy nhiên, dòng tiền của các hãng hàng không vẫn được cho là tương đối bế tắc, lần đầu tiên cả 3 hãng hàng không lớn nhất bị các công ty kiểm toán đặt câu hỏi về khả năng hoạt động liên tục trong quí 2-2020. Cho đến hết quí 3, khi mạng lưới hàng không trong nước dần phục hồi, các hãng mới cải thiện phần nào nỗi khó khăn về dòng tiền. Nhưng về khả năng phục hồi tới đâu và thời gian bao lâu có lẽ vẫn tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ của Nhà nước.

Còn trong báo cáo về triển vọng ngành hàng không năm 2021, Công ty Chứng khoán SSI nhận định: Ngành hàng không sẽ cải thiện khi vaccine được sử dụng trên quy mô lớn. Điều này có thể chỉ xảy ra từ nửa cuối năm 2021.

Nhóm phân tích này cho rằng, thị trường nội địa nhiều khả năng sẽ vẫn là trọng tâm của các hãng hàng không trong năm 2021, do các chuyến bay quốc tế chỉ có thể được hoạt động từ nửa cuối năm. Thị trường quốc tế sẽ phục hồi thực sự từ năm 2022 đó mới là thời điểm để các hãng nghĩ tới việc thúc đẩy tăng trưởng.

Theo bộ phận nghiên của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2021 chiến lược của các hãng hàng không có thể sẽ tập trung tối đa hóa thị trường nội địa bằng cách mở thêm đường bay, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị trên chuyến bay và tạo ra nhiều hơn sự lựa chọn về giá cho hành khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng không chờ phục hồi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO