Hàng trăm km kênh xây thủy nông xuống cấp

Phúc Quyền 08/03/2021 06:30

Hiện trên địa bàn Hải Phòng có hàng trăm km kênh xây thủy nông xuống cấp, đáng nói có những tuyến kênh bị đổ vỡ nhiều năm chưa được sửa chữa. Điều này ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của hàng nghìn ha. Trong khi đó, việc cải tạo, xây mới hàng năm như “muối bỏ biển”.

Tuyến kênh xây Tất Xứng, Tuần Tỵ xuống cấp trầm trọng chưa được đầu tư sửa chữa nhiều năm.

Hàng trăm km kênh xuống cấp

Theo Quyết định 549 ngày 14/3/2018 của UBND TP Hải Phòng thì toàn bộ hệ thống kênh sau trạm bơm do xã quản lý được bàn giao cho các công ty thủy lợi quản lý khai thác, vận hành. Tuy nhiên, hầu như hệ thống kênh được xây từ những năm 1990 đến nay đã xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn cho việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu hao sản lượng điện.

Thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải cho biết, xã An Hồng, huyện An Dương là địa phương có số lượng kênh xuống cấp nhiều của huyện An Dương với hơn 10 tuyến kênh. Cụ thể tại các thôn Lê Lác 1, Lê Lác 2, Tất Xứng, Tuần Tỵ… Còn theo ghi nhận của PV, tại tuyến kênh thôn Tuần Tỵ, Tất Xứng hệ thống kênh xây đã bị vỡ tường, sụt đổ. Để khắc phục tạm thời, đơn vị quản lý đã cho lắp cống bi dưới kênh để giữ. Việc kênh xuống cấp khiến 97 ha nông nghiệp gặp khó khăn mùa vụ gieo cấy lúa, đổ ải.

Bà Nguyễn Thị Diệp - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải cho biết, sau khi nhận bàn giao các công trình thủy lợi từ các xã về công ty, đến nay, toàn huyện có hơn 200 tuyến kênh xây hầu hết trong tình trạng xuống cấp, trong đó tập trung nhiều ở các xã: An Hòa, Quốc Tuấn, An Hồng, An Hưng, Bắc Sơn, Tân Tiến, Đại Bản đã ảnh hưởng đến hàng trăm ha sản xuất nông nghiệp.

Tình trạng xuống cấp của các công trình không chỉ ở huyện An Dương mà khảo sát của phóng viên cho thấy tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy, Thủy Nguyên cũng trong tình trạng nêu trên. Điều này đe dọa đến sản xuất nông nghiệp của thành phố Hải Phòng hiện tại và những năm tới. Ông Nguyễn Văn Tưởng tại xã An Hòa, huyện An Dương cho biết, gia đình có 10 sào ruộng trồng lúa, hoa màu do hệ thống kênh mương địa phương xuống cấp nên đã ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho sản xuất, nhất là vào dịp gieo cấy và trồng rau màu.

Là đơn vị quản lý tuyến kênh lớn nằm trên địa bàn 5 quận (huyện) của Hải Phòng, ông Đỗ Văn Trãi- Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ cho biết, hiện công ty đang quản lý 130,5 km kênh xây. Hiện 70 % tuyến kênh đã xuống cấp. Tương tự vậy, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Vĩnh Bảo cũng ngao ngán thông tin: Hơn 100 km kênh xây của 30 xã, thị trấn đang trong tình trạng xuống cấp, trong đó nhiều tuyến tường xây đổ sụt chưa có điều kiện cải tạo nên hiệu suất vận hành đưa nước tới các khu vực rất thấp, tiêu tốn điện năng, thất thoát nước.

Cải tạo, xây mới như “muối bỏ biển”

Theo Vũ Văn Thắng- Chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện An Dương, nguyên nhân của tình trạng xuống cấp các công trình kênh xây là do được đầu tư xây dựng từ nhiều năm, song chậm được đầu tư, sửa chữa, xây mới. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương nên nhiều hộ gia đình tự ý xây dựng công trình chồng lấn lên các tuyến kênh khiến các tuyến kênh biến dạng, nhanh xuống cấp.

Các công trình kênh do xã bàn giao về công ty thủy lợi quản lý lớn nhưng hằng năm các đơn vị này không được bố trí nguồn lực dành cho các công trình theo định mức quy định. Vì thế các công ty thủy lợi gặp nhiều khó khăn trong việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, đầu tư nâng cấp. Với những công trình quá xuống cấp, các doanh nghiệp này chỉ có thể duy tu, sửa chữa tạm để vận hành cho kịp thời vụ. Mặt khác, do số lượng lớn các kênh xuống cấp, trong khi việc sửa chữa các công trình không được đầu tư đồng bộ, hỏng đâu sửa đó, nên số lượng tuyến kênh được sửa chữa rất ít như “muối bỏ biển”. Điều này, khiến sản xuất nông nghiệp tại địa phương ngày một khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng trăm km kênh xây thủy nông xuống cấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO