Hàng trăm tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC

T.Nguyên-L.Phú 06/03/2021 12:00

Chiều 5/3, tại Trung tâm Dược lý lâm sàng (Đại học Y Hà Nội), các tình nguyện viên đã đến đăng ký tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine COVIVAC phòng dịch Covid-19 do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất.

Tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC.

Trung tâm đã bố trí 4 bàn tư vấn đăng ký ngay tại chỗ, mỗi bàn đều có sẵn máy tính, điện thoại, tờ khai thông tin để các tình nguyện có thể đăng ký qua 4 kênh: Đến đăng ký trực tiếp, đăng ký qua website, điện thoại, email. Ngay trong ngày đầu đăng ký, các tư vấn viên liên tục trả lời điện thoại, nhận thông tin đăng ký trên hệ thống và đón tiếp các tình nguyện viên.

Tình nguyện P.T.Q (28 tuổi, là học viên cao học tại Hà Nội) đến đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC, cho biết: “Tôi đã tìm hiểu trước các thông tin về vaccine COVIVAC, được biết vaccine rất an toàn nên muốn được tiêm thử nghiệm. Trước khi đến đây đăng ký, tôi đã trao đổi và được sự đồng ý của gia đình khi quyết định tham gia nghiên cứu với mong muốn Việt Nam sẽ có vaccine an toàn để phục vụ cộng đồng phòng chống dịch”.

Đến đăng ký tiêm thử nghiệm, anh T.T.P (25 tuổi, đến từ TP HCM là tiếp viên hàng không). “Tôi đang sinh sống tại TP HCM và làm việc ở cả Hà Nội. Tôi đã quyết định bay ra đúng ngày 5/3 để đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC. Đến đăng ký, tôi rất hồi hộp nhưng mong chờ được thử nghiệm, bởi số người đăng ký tiêm rất đông nên tôi phải chờ qua khâu sàng lọc. Tôi nghĩ việc tham gia này sẽ góp một phần nào đó để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vaccine, Việt Nam sớm có thể tiêm vaccine cho người dân phòng dịch Covid-19. Đây là một việc làm ý nghĩa” - anh P cho biết.

Mặc dù mới khởi động trong ngày đầu tiên nhưng số lượng tình nguyên đăng ký đã lên tới hàng trăm lượt người. Tuy nhiên, số người đến đăng ký trực tiếp ít mà đa số chọn hình thức online.

Theo các tư vấn viên ở đây, tính đến 15 giờ chiều 5/3, kênh đăng ký qua website đã thống kê được hơn 500 người và hàng chục cuộc điện thoại gọi tới nhờ tư vấn, tìm hiểu thông tin, đăng ký, hẹn lịch đến khám sàng lọc…

Trước đó, ngày 21/1, vaccine COVIVAC phòng Covid-19 do IVAC sản xuất đã khởi động thử nghiệm trên người; giai đoạn 1 dự kiến sẽ thử nghiệm trên 120 người tình nguyện khoẻ mạnh. Cụ thể, từ ngày 21/1, Đại học Y Hà Nội bắt đầu tuyển tình nguyện viên tham gia nghiên cứu thử nghiệm vaccine COVIVAC. Tại đây, các tình nguyện viên đăng ký trực tiếp, được tư vấn kỹ càng để quyết định tham gia và sẽ được khám tuyển chọn sau đó.

TS Trần Thanh Tùng - Phó trưởng Bộ môn Dược lý (Trung tâm Dược lý lâm sàng thuộc Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết: Trong quá trình tham gia thử nghiệm, các tình nguyện viên sẽ tham gia trong vòng 13 tháng, với 9 lần được khám sức khoẻ, kinh phí do Bộ Y tế hỗ trợ.

“Vaccine COVIVAC là sản phẩm được nghiên cứu hoàn toàn bởi các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu vaccine hàng đầu của Việt Nam. Ở giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng, vaccine này đã chứng minh nhiều ưu điểm như: Tính sinh miễn dịch cao, điều kiện bảo quản đơn giản, phù hợp và điều kiện cơ sở vật chất hiện có ở các trung tâm tiêm chủng đã sẵn sàng; đặc biệt vaccine được nghiên cứu trên biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nên chúng ta có thể đặt niềm tin ở vaccine này” - ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho biết.

Vaccine COVIVAC bắt đầu được triển khai nghiên cứu từ tháng 5/2020, đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam, kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể tiến hành nghiên cứu trên người.

Ngày 19/1/2021, Đề cương nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vaccine COVIVAC đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng Đạo đức cấp cơ sở của các đơn vị liên quan thẩm định, tiến đến bước triển khai nghiên cứu trên người. Theo đó, giai đoạn thử nghiệm lâm sàng của vaccine COVIVAC sẽ trải qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 được thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội bắt đầu tiêm vào tháng 2/2021; sau khi có kết quả đạt tiêu chuẩn của giai đoạn 1, giai đoạn 2 sẽ được triển khai sau 43 ngày.

Trước đó, ngày 26/2, đã triển khai tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 Nano Covax giai đoạn 2, sáng Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) và Viện Pasteur TP HCM đã tiêm cho 367 tình nguyện viên, hoàn tất 65% mũi tiêm thử nghiệm giai đoạn này. Các tình nguyện viên được tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 Nano Covax, mỗi mũi cách nhau 28 ngày. Nhóm nghiên cứu chưa ghi nhận phản ứng bất thường của các tình nguyện viên sau khi tiêm. Dự kiến, cuối tháng 3, đầu tháng 4/2021, sẽ có 560 tình nguyện viên tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 Nano Covax. Đến tháng 5, chuyển sang giai đoạn 3 thử nghiệm đa quốc gia với số lượng 10.000 - 15.000 tình nguyện viên. Quá trình thử nghiệm lâm sàng Nano Covax được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021. Sau khi được cấp phép, dự kiến vaccine Nano Covax giá 120.000 đồng một liều sẽ được sản xuất với 50-70 triệu liều/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng trăm tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO