Hàng Việt chạy đua

Thanh Giang 27/06/2016 09:33

Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đổi mới mang tính toàn diện. Cụ thể, đổi mới tư duy, áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm,… tạo tiềm lực mạnh để trụ vững trên “sân nhà”, đồng thời chủ động “đem chuông đi đánh xứ người”…

Hàng Việt chạy đua

Nhiều sản phẩm Việt được thị trường trong và ngoài nước tin dùng.

Xác định rõ mục tiêu phát triển bằng cách nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm không ít doanh nghiệp chủ động đổi mới quản lý theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Ông Đỗ Hữu Dũng - Giám đốc Đối ngoại Công ty Bảo Toàn, chuyên sản xuất camera quan sát cho hay, muốn tăng chất lượng sản phẩm công ty chủ động điều nhân viên ra thị trường nước ngoài xem những đổi mới về công nghệ để áp dụng vào sản phẩm phục vụ người tiêu dùng để ngày càng đạt được những yêu cầu tốt.

Đại diện phía công ty cho rằng, sản phẩm của công ty đang nắm giữ thị trường trong nước và từng bước thâm nhập thị trường nước ngoài thông qua hàng hóa chất lượng, giá cả cạnh tranh. Khác về mặt hàng sản xuất nhưng bánh kẹo Việt không ngừng phát triển thị trường, đồng thời khẳng định thương hiệu khá tốt.

Ông Phan Văn Thiện - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bibica nhận định: Hội nhập sâu rộng, thị trường cạnh tranh gay gắt. Ngành bánh kẹo trong nước đang ở tình trạng “nóng” vì nhiều sản phẩm của các nước tham gia thị trường. Bibica tiếp tục mở rộng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại Âu – Mỹ, hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường các nước, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Ghi nhận của phóng viên, hàng hóa Việt đang chủ động thâm nhập vào những thị trường khó tính. Đơn cử, theo báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ (Amcham), hàng Việt đang dẫn đầu ASEAN khi xuất khẩu vào Mỹ (vượt qua Malaysia, Thái Lan, Indonesia). Năm 2015, xuất khẩu hàng Việt san thị trường Mỹ đạt 33,5 tỷ USD, chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Dự kiến, khi TPP có hiệu lực, nhiều mặt hàng vào thị trường Mỹ nói riêng và thị trường trong khối nói chung về 0%. Đây chính là lợi thế lớn để doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước.

Trước tình hình mới, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng “Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, bám sát nhu cầu thị trường, phát triển hệ thống phân phối và xây dựng tốt thương hiệu.

Năm 2016 cơ hội rất nhiều nhưng thách là không ít. Thị trường đang đòi hỏi doanh nghiệp phát triển theo hướng chất lượng. Từ mục tiêu hàng hóa chất lượng cao chuyển sang giai đoạn hàng hóa chất lượng, sáng tạo, hội nhập. Công nghệ kỹ thuật giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận và chinh phục thị trường trong và ngoài nước”.

Nói về yêu cầu mới trong hoạt động thương mại hiện nay, PGS. TS Lê Bộ Lĩnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, muốn cạnh tranh tốt trong bối cảnh hội nhập toàn diện phải tạo ra được những sản phẩm uy tín.

Sản phẩm chất lượng, uy tín không chỉ quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp mà còn quyết định sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế cả nước. Thời gian tới, doanh nghiệp nên chú trọng vào những sản phẩm chất lượng, sáng tạo, ứng dụng công nghệ để giữ vững thị trường trong nước, đồng thời phát triển thị trường các nước.

Mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Việt phát triển ổn định trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công thương luôn “sát cánh” với doanh nghiệp nhằm tìm kiếm thị trường xuất khẩu giúp doanh nghiệp hội nhập bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt chạy đua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO