Hàng Việt: Giữ vững ‘sân nhà’

DUY KHANG 26/02/2023 08:35

Hàng Việt đã và đang dần chiếm được vị thế tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, xu hướng hội nhập sâu rộng, nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết mở ra nhiều cơ hội song cũng đặt ra những thách thức đối với các doanh nghiệp nội trong việc giữ vững “sân nhà”.

Hàng Việt cần nâng sức cạnh tranh để khai thác tốt thị trường nội địa. Ảnh: Quang Vinh.

Thách thức đến từ các FTA

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tại thị trường nội địa, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao. Đơn cử tại Coop.mart, tỷ lệ hàng Việt chiếm 90 - 93%, ở Satra: 90- 95%, Hapro là 95%... Tại các kênh phân phối nước ngoài, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm một con số không hề nhỏ: 65 - 96%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng, việc chúng ta ký kết các FTA, bên cạnh nhiều cơ hội thì cũng đặt ra không ít thách thức. Bởi, tham gia sân chơi này, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa nhập khẩu ồ ạt vào thị trường nội địa nhờ ưu đãi thuế quan mà các FTA đưa ra.

Với Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU ngay sau khi EVFTA thực thi. Tiếp đó, sau 7 năm là 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU sẽ được miễn thuế.

Thời gian qua, trên thị trường, hàng hóa từ nhiều nước xâm nhập vào Việt Nam với số lượng không nhỏ. Theo ghi nhận tại thị trường bán lẻ, hàng xuất xứ từ Thái Lan, Nhật Bản chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng không ít.

Đáng chú ý, hàng Thái Lan có mặt nhiều tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống và được người tiêu dùng khá ưa chuộng.

Theo chia sẻ của chị Lê Thùy Mai (phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội), với đặc tính giá cả mềm, chất lượng cũng không thua kém gì mỹ phẩm một số nước trong khu vực, nên mỹ phẩm đến từ Thái Lan được khá nhiều người tiêu dùng tìm mua. “Tôi sử dụng mỹ phẩm của Thái Lan từ nhiều năm nay. Lúc trước hàng Thái chưa bán nhiều tại Việt Nam, tôi thường nhờ người quen xách tay về. Nhưng hiện nay có nhiều cửa hàng, siêu thị mini chuyên bán mỹ phẩm với các thương hiệu nổi tiếng của Thái nên tôi có thể mua trực tiếp” - chị Mai cho hay.

Không chỉ hàng Thái Lan, nhiều loại nông sản, thực phẩm từ thịt trường châu Âu cũng đã thâm nhập vào trong nước, giá không quá cao. Đơn cử, tại hệ thống các siêu thị, táo Gala, táo Delicious (Pháp) được bày bán ngập các kệ hàng, giá chỉ khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Tận dụng thế mạnh

Giới chuyên gia đánh giá, việc giảm thuế đối với số lượng lớn hàng nhập khẩu do các FTA thực thi, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhất, đặc biệt là hàng xuất xứ EU nổi tiếng về chất lượng và đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe.

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), với việc thực thi EVFTA, đến năm 2035 hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29%, tương đương 15 tỷ USD. Đó là còn chưa kể hàng hoá từ các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... đã và đang xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường trong nước.

Trong khi đó, theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hàng Việt còn một số hạn chế về chất lượng và giá cả. Hơn nữa, hoạt động phân phối còn yếu kém và phải đối mặt với nạn hàng lậu, hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu...

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện DN trong nước chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, bởi hơn 90% DN Việt Nam là nhỏ và vừa. Điều này sẽ khiến các DN trong nước khó có thể giữ vững “miếng bánh ngon” của thị trường nội địa. Nói như chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, với quy mô sản xuất ở mức nhỏ và vừa, đến 96% các DN hiện nay có thực lực không đủ mạnh, công nghệ cũng non kém nên khó có thể cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài chất lượng tốt, đầu tư công nghệ sản xuất cao...

Nhiều DN cũng bày tỏ, với hàng nhập khẩu giảm thuế, phần lớn là hàng nông sản, thủy sản, đó là những ngành hàng lợi thế của DN nội. Tuy nhiên, phần lớn các DN là nhỏ và vừa nên rất cần được hỗ trợ nguồn vốn vay để đầu tư máy móc, nghiên cứu thị trường, nhằm tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, để không bị mất thị phần ngay tại “sân nhà” các DN trong nước cần xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ. Theo đó, DN cần chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức cạnh tranh, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối đến người tiêu dùng.

Khẳng định DN Việt Nam có những thế mạnh ở sân nhà, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với lợi thế sân nhà, am hiểu sâu sắc văn hóa, nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng trong nước, DN Việt cần tận dụng lợi thế này để đem đến những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt. Đó chính là yếu tố quan trọng để DN Việt có thể giữ chân khách hàng, từ đó giữ vững được "sân nhà".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt: Giữ vững ‘sân nhà’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO