Hành động vì nạn nhân chất độc da cam

Ngân Hà 14/07/2016 07:25

Ngày 13/7, tại Hà Nội Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức Đại hội thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” toàn quốc lần thứ 3. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã đến dự.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao Huân chương Lao động hạng Ba của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân, tập thể xuất sắc.

Theo ông Nguyễn Văn Rinh- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, 5 năm qua, phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam” đã được các cấp hội, hội viên hưởng ứng, triển khai thực hiện đạt kết quả tốt trên nhiều mặt; phong trào nhận được sự hưởng ứng rộng rãi. Từ đây đã xuất hiện những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam ở trong nước và ngoài nước, những tấm gương vượt khó vươn lên rất đáng khâm phục của các nạn nhân.

Điển hình là em Huỳnh Thanh Thảo (TP Hồ Chí Minh), khi chào đời đã mắc bệnh xương thủy tinh. Nhưng Thảo đã vượt lên số phận bằng cách học thật giỏi và biết sẻ chia với cộng đồng thông qua việc mở lớp học tình thương và thư viện cho trẻ em nghèo do chính em phụ trách.

Hay như việc ni sư Thích Diệu Nhân (Ninh Bình) đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thường xuyên 400 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn các huyện của tỉnh, cấp tặng 110 xe đạp cho các đối tượng, nuôi dạy nghề cho 185 cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam... Đây chính là bức tranh sinh động thể hiện tinh thần nhân ái và khát vọng sống của người Việt Nam.

Tuy nhiên, phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” ở các tỉnh chưa đồng đều. Có một số tỉnh, thành chưa quan tâm đổi mới trong công tác tuyên truyền, chậm phát triển tổ chức hội, vận động nguồn lực được rất ít, không đạt được mục tiêu đề ra. Một số nơi chưa thực sự coi trọng công tác thi đua; thực hiện chưa đúng quy chế thi đua, báo cáo chậm và sơ sài.

Phát biểu tại Đại hội, bà Trương Thị Mai đánh giá cao Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và cán bộ Hội các cấp trong nhiều năm qua đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, đoàn kết, nghĩa tình, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ và chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. Nhất là sáng kiến tổ chức Đại hội thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”.

Nhiều tấm gương sáng tiêu biểu không chấp nhận hoàn cảnh nghiệt ngã, vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, hội nhập cộng đồng. Đồng thời, họ còn giúp đỡ được những người khác cùng cảnh ngộ, điều mà nhiều người khỏe mạnh bình thường, có cuộc sống tốt hơn cũng chưa làm được.

Bà Trương Thị Mai đề nghị, các cấp, các ngành cần phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam khảo sát, đánh giá thực chất về tình hình thực hiện chính sách, chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam. Trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nạn nhân chất độc da cam, đảm bảo không để sót đối tượng nhưng cũng không để chính sách bị lợi dụng, trục lợi cá nhân...

“Khắc phục hậu quả chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, đồng thời là lương tâm và đạo lý, truyền thống của dân tộc. Tôi mong rằng từ Đại hội thi đua này, chúng ta sẽ có thêm nhiều tấm gương sáng, làm sâu sắc bản chất và truyền thống tốt đẹp của dân tộc để công tác chăm sóc và giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam ngày càng hiệu quả hơn” - bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Nhân dịp này, bà Trương Thị Mai đã trao tặng Huân chương lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân, tập thể xuất sắc trong phong trào hành động Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành động vì nạn nhân chất độc da cam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO