Hậu Giang: Bước chuyển mình mới

VPCT 16/01/2017 16:15

Năm 2016, trong muôn vàn khó khăn do những biến động của tình hình kinh tế thế giới và khu vực cộng thêm với tình hình khô hạn gay gắt, xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhưng với truyền thống đoàn kết, Đảng bộ, quân và dân Hậu Giang đã chung sức, chung lòng thực hiện đạt và vượt 19/19 chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra. Một số chỉ tiêu vượt một cách đột phá so với kế hoạch như thu chi ngân sách, kim ngạch xuất nhập khẩu... nhờ vậy đời sống của đại bộ

Công nghiệp hóa nông nghiệp.

“Vượt cạn”

Chưa có năm nào mà Hậu Giang lại bị mặn xâm nhập theo hai hướng từ biển Tây và biển Đông như năm 2016, hơn 80% diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn. Hàng trăm ha trái cây vùng bao đời nước ngọt quanh năm của thị xã Ngã Bảy, huyện Châu Thành bị ảnh hưởng. Toàn bộ các địa phương của Hậu Giang đã bị mặn xâm nhập nặng nề gây thiệt hại hàng ngàn ha lúa, hoa màu, thủy sản. Theo ông Trần Công Chánh, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang: Khô hạn thì khắc phục nhanh chứ mặn xâm nhập thì ảnh hưởng cả trăm năm chưa dứt!

Thế là mùa khô vừa qua, ngành ngành, người người ở Hậu Giang tập trung lo đắp đê ngăn mặn, nạo vét kênh mương trữ nước ngọt, khoan giếng lấy nước ngầm,… ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn để chặn dòng mặn không cho tiến sâu. Hậu Giang có sáng kiến đắp các con đập thời vụ để ngăn mặn được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ biểu dương về tinh thần chủ động, linh hoạt ứng phó với hạn, mặn hiệu quả. Chính nhờ cách làm này mà từ chỗ tăng trưởng âm hơn 4% ở những tháng đầu năm, đến cuối năm đã tăng trưởng dương 0,86% cả năm.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dụng nông thôn mới đạt nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm, tỉnh đã công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vượt gấp đôi nghị quyết, nâng tổng số toàn tỉnh có 17 xã đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại đạt trên 9 tiêu chí.

Nét nổi bật để Hậu Giang hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế xã hội là cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách lề lồi làm việc trong thực hiện công vụ qua đó góp phần nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với công việc và trước nhân dân. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã tạo động lực thúc đẩy phát triển mọi mặt nhận thức và hành động của mỗi công chức. Đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng trưởng thành và có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu trong thực hiện công vụ, vì dân phục vụ. Mối quan hệ phối hợp trong hoạt động giữa chính quyền với Mặt trận và các đoàn thể ngày càng chặt chẽ hơn, tạo được sự thống nhất trong điều hành.

Từ tăng trưởng âm đến dương 0,86%

Nhờ sự nỗ lực khắc phục hạn hán, ngăn mặn, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã tập trung phát triển các loại nông sản chủ lực theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Tỉnh Hậu Giang chủ trương xây dựng và triển khai Đề án 1000, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020. Bước đầu, đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Đến nay, đã có 2.960 hộ dân đăng ký tham gia thực hiện trong tổng số 4 hợp phần qua đó đã có 641 hộ đủ điều kiện vay vốn, với tổng kinh phí thực hiện trên 49 tỉ đồng, chiếm gần 17% tổng kinh phí của đề án.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, để thực hiện Đề án 1000, cần trển khai 5 giải pháp cơ bản. Thứ nhất rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch ngành nông nghiệp sát hợp với thị trường; tập trung cho cây, con chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao; ưu tiên đầu tư công trong nông nghiệp theo hướng tập trung. Thứ hai là, hoàn chỉnh quy trình sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, chuyển giao nhanh cho nông dân. Giải pháp thứ ba là, tăng cường đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển dịch vụ nông nghiệp cho người dân nông thôn. Bốn là, củng cố, nâng chất, mở mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Giải pháp thứ năm là, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân.

Chăm lo an sinh xã hội

Trên cơ sở kinh tế phát triển, cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã làm chuyển biến nhận thức và hành động của nhân dân tạo ra nhiều mô hình hay trong sản xuất và đời sống, trong đó có việc tự nguyện đóng góp vào các chương trình chăm lo an sinh xã hội như: hiến đất xây trường học, làm đường giao thông, bắc cầu xóa cầu khỉ, xây nhà tình nghĩa, Đại đoàn kết, tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư, xây dựng khu dân cư 3 không, 4 không, 5 không.

Trong năm 2016, toàn tỉnh đã huy động qũy Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội hơn 264,6 tỉ đồng qua đó xây dựng, sửa chữa hơn 314 căn nhà đại đoàn kết, hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp thiên tai, tai nạn. UBMTTQ các cấp cùng với ngành lao động thương binh xã hội xem xét giúp đỡ cho hơn 6,841 lao động được đào tạo nghề miễn phí và vay vốn sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi góp phần giải quyết việc làm mới cho hơn 19.973 lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 12,91% (giảm 2% so năm trước). Ông Trần Công Chánh cho biết: Như mọi năm, Tết Đinh Dậu này, các vị lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh cùng các Sở, ngành sẽ về những xã khó khăn nhất cùng ăn Tết, chăm lo cho bà con để mọi nhà đều có Tết.

Năm 2017, tái cơ cấu kinh tế được đặt lên hàng đầu

Trong số các nhiệm vụ trọng tâm mà UBND tỉnh Hậu Giang đề ra trong năm 2017 là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Cụ thể: Tập trung chủ yếu vào tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; tích cực vận dụng các cơ chế, chính sách để huy động mạnh các nguồn vốn thuộc mọi thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển. Hậu Giang chú trọng nâng cao hoạt động kinh tế tư nhân, hộ cá thể, kinh tế tập thể và các công ty cổ phần có vốn Nhà nước; củng cố, nâng chất hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thực hiện hiệu quả đề án nâng cao hoạt động của hợp tác xã đến năm 2020; chú trọng xúc tiến thương mại để nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh có thêm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Một số chỉ tiêu trong năm 2017 là: Tổng sản phẩm trong tỉnh đạt hơn 26.000 tỷ đồng, tăng hơn 9% so cùng kỳ; GRDP bình quân đầu người đạt hơn 33 triệu đồng/người; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng giảm tương đối tỷ trọng khu vực nông – lâm – ngư nghiệp từ 32,5% còn 30,9%, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng từ 21,5% lên 22,1% và khu vực thương mại – dịch vụ từ 46% lên 47%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt gần 15.000 tỷ đồng, tăng 5,5% so cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ đạt gần 700 triệu USD, bằng hơn 96% so cùng kỳ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu Giang: Bước chuyển mình mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO