Hậu Giang tổ chức hội thảo mở mang đô thị

Quốc Trung 20/05/2020 15:37

Ngày 20/5, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hội thảo “Hậu Giang mở mang đô thị” để tìm ra những bước đi căn cơ trong phát triển đô thị nhằm phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế -  xã hội của tỉnh Hậu Giang.

Hậu Giang tổ chức hội thảo mở mang đô thị

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Tỉnh Hậu Giang được thành lập năm 2004 với hiện trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội còn nhiều yếu kém. Để định hướng xây dựng và kêu gọi thu hút đầu tư, địa phương đã phê duyệt 335 danh mục đồ án quy hoạch theo thẩm quyền; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 62,6%, quy hoạch chi tiết đạt 31,7%.

“Những kết quả đạt được, là cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các dự án đầu tư chỉnh trang, phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, góp phần tích cực vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Tuấn cho biết.

Thực hiện các nghị quyết của địa phương, ông Tuấn cho biết, tỉnh Hậu Giang đã chủ động chỉ đạo, triển khai thực hiện và đến nay đã hoàn thành được các nghị quyết đề ra. Cụ thể, đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Trung ương đã công nhận thành phố Vị Thanh là đô thị loại II, thị xã Long Mỹ là đô thị loại III và thị xã Ngã Bảy trở thành thành phố.

Sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển, ông Tuấn cho biết, hệ thống đô thị của địa phương phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, mà cụ thể năm 2004 trên địa bàn tỉnh có 9 đô thị (8 đô thị loại V và 1 đô thị loại IV), thì đến nay đã có 16 đô thị, gồm 1 đô thị loại II (là thành phố Vị Thanh), 2 đô thị loại III (là thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ), 13 đô thị loại V; nâng tỷ lệ đô thị hóa từ 24,21% năm 2014 lên 25,9% vào cuối năm 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,34%. Các đô thị đều phát triển khá đồng bộ từ hình thái kiến trúc đến hạ tầng kỹ thuật…

Dự kiến, đến năm 2030 Hậu Giang có 19 đô thị, trong đó có 1 thành phố đô thị loại II, 1 thành phố và 1 thị xã đô thị loại III, 7 đô thị loại IV và 9 thị trấn là đô thị loại V. Để đạt mục tiêu nêu trên, ông Tuấn cho biết, cần phải có nguồn lực đầu tư, tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, nên việc huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở và phát triển đô thị là rất cần thiết để tạo diện mạo mới cho đô thị, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - phát triển xã hội của địa phương.

“Trên cơ sở đó, tỉnh đã tăng cường công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào Hậu Giang, nhất là trong lĩnh vực nhà ở, phát triển đô thị”, ông Tuấn cho biết và nói rằng đến nay địa phương đã lựa chọn và công nhận chủ đầu tư đối với 19 dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại; cho chủ trương nghiên cứu, tiếp cận lập quy hoạch chi tiết để đề xuất đầu tư đối với 62 dự án.

Theo ông Phạm Quang Hiếu, Giám đốc đầu tư khu vực phía Nam thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, từ năm 2018, Tập đoàn đã tiếp cận các dự án ở Hậu Giang. Cụ thể, 4 dự án FLC đang làm các thủ tục đầu tư tại tỉnh này gồm: khu đô thị mới Vị Thanh (39,4 ha); khu đô thị mới kết hợp công viên cây xanh Vị Thanh (190 ha); khu đô thị mới Nam Vị Thanh (120 ha) và dự án quần thể khu đô thị mới, dịch vụ thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Châu Thành (619 ha).

Tập đoàn FLC kiến nghị tỉnh đối với dự án đã tham gia lựa chọn nhà đầu tư (dự án khu đô thị mới Vị Thanh), đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất để nhà đầu tư có mặt bằng triển khai xây dựng dự án. Nhà đầu tư rất mong muốn được được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật và quy định của tỉnh Hậu Giang. Đối với các dự án đang nghiên cứu (khu đô thị mới kết hợp công viên cây xanh Vị Thanh và khu đô thị mới Nam Vị Thanh), kiến nghị tỉnh Hậu Giang thống nhất ý tưởng quy hoạch để Tập đoàn FLC hoàn thiện đồ án quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở tỉnh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. Riêng đối với dự án sân golf, FLC kiến nghị Hậu Giang ban hành quyết định hướng dẫn nhà đầu tư trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo Nghị định 25/2020 và Nghị định 52/2020 về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf.

Ông Nguyễn Huỳnh Đức, Giám đốc Sở Xây dựng Hậu Giang cho biết, hiện toàn tỉnh có 16 đô thị, gồm 1 đô thị loại II (TP Vị Thanh), 2 đô thị loại III (TP Ngã Bảy và TX Long Mỹ), 13 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt 25,9%. Trong năm 2019 và đầu năm 2020, UBND tỉnh đã công nhận 19 dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại…

Hậu Giang hiện có 62 danh mục dự án được nhiều nhà đầu tư quan tâm và UBND tỉnh thuận chủ trương cho tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Địa phương luôn chỉ đạo xây dựng môi trường thuận lợi như đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện và công khai các thủ tục hành chính, quy hoạch ngành, lĩnh vực; đối xử bình đẳng, công bằng giữa các DN…

Ông Đức nói: “Đặc biệt, tỉnh có chủ trương đồng hành cùng DN, thường xuyên trao đổi định kỳ hàng quý, hàng năm nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN cũng như công tác phối hợp triển khai của các sở, ngành và địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu Giang tổ chức hội thảo mở mang đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO