Hậu quả khôn lường từ quảng cáo thực phẩm chức năng chưa được kiểm chứng

An Chi 24/05/2021 19:00

Thời gian gần đây, hiện tượng quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi chưa được kiểm chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản và niềm tin của người tiêu dùng. Để kiểm soát, tình hình các cơ quan chức năng đã vào cuộc, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo đồng thời đề nghị chấn chỉnh việc nghệ sĩ quảng cáo không đúng quy định, làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng và niềm tin của người tiêu dùng.

Thực tế, những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam đang là một mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, kéo theo là hàng loạt các chiêu trò kinh doanh cũng bắt đầu nở rộ, trong đó, đáng quan ngại nhất là tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với thuốc điều trị,… tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Trên thị trường TPCN hiện nay, 70% các sản phẩm được lưu hành là do các cơ sở sản xuất trong nước sản xuất, hơn 20% là thực phẩm chức năng nhập khẩu, nếu không có sự quản lý tốt trong việc quảng cáo loại sản phẩm này, hệ lụy sẽ vô cùng lớn, bởi, bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, tình trạng những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẵn sàng làm ăn chụp giật, quảng cáo thổi phồng công dụng,… không còn hiếm trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, phần lớn quảng cáo thực phẩm chức năng/TPBVSK qua mạng xã hội không đúng sự thật. Để nhận diện vi phạm quảng cáo, nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo:

Dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo;

Lấy danh nghĩa bài thuốc Đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật;

Dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng;

Quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia, quảng cáo "đẩy lùi" bệnh tật...

Thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vốn là một sản phẩm tốt, hỗ trợ cho việc phục hồi, duy trì hoặc tăng cường chức năng nào đó của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể.

Ngoài ra sản phẩm có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật… Vì thế, người tiêu dùng không nên tẩy chay thực phẩm chức năng nhưng cũng không tin vào quảng cáo sai sự thật chữa bệnh nọ bệnh kia.

Thực phẩm chức năng/TPBVSK trước khi quảng cáo phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo những nội dung đã được thẩm định.

Nhiều đơn vị luôn quảng cáo nói quá công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong khi đó chỉ là sản phẩm chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người.

“Quảng cáo quá mức khiến người tiêu dùng tin theo, lúc họ mắc bệnh thay vì đến bệnh viện, họ lại tin vào quảng cáo dùng sản phẩm đó để chữa bệnh. Hậu quả bệnh sẽ nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh, thậm chí với một số bệnh như ung thư sẽ mất đi “cơ hội vàng”, khi bệnh đã bước sang giai đoạn muộn”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cảnh báo.

Giữa ồn ào “nghệ sĩ PR sản phẩm kém chất lượng”, một số nghệ sĩ đã có những chia sẻ đầu tiên liên quan đến sự việc. Cụ thể, theo nam ca sĩ Đan Trường, anh khẳng định rằng tất cả sản phẩm mà anh nhận lời quảng cáo đều có giấy phép, giấy công bố sản phẩm do cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế cấp. Giọng ca "Đi về nơi xa" cũng cho biết đây là điều kiện tiên quyết để anh đồng ý xuất hiện quảng bá cho một sản phẩm.

Ốc Thanh Vân cũng là một nghệ sĩ đã lên tiếng về vấn đề này. Cô cho hay bản thân mình đã nói lời tạm biệt với các chương trình truyền hình về sức khỏe có nhãn hàng tài trợ vì đã bị biến tướng quá nhiều. Theo nữ diễn viên, MC dù cô chỉ nhận lời phỏng vấn bác sĩ, nhưng sau đó những hình ảnh này bị sử dụng làm clip quảng cáo không kiểm soát.

Bà mẹ ba con cũng khuyên các nghệ sĩ nên xem xét cẩn thận khi nhận lời quảng cáo, nhất là có những người nổi tiếng dù không sử dụng nhưng vẫn nói về sản phẩm đó. Cô chia sẻ chân thành rằng: "Chúng ta không thể nhận tiền và chia sẻ về những gì mình không trải nghiệm. Nó kì cục và xấu hổ lắm".

Có thể thấy, việc nghệ sĩ có mặt trong các quảng cáo cho thương hiệu là một chuyện, nhưng những hình ảnh của họ bị sử dụng không đúng mục đích hay nhãn hiệu biến tướng lại là chuyện khác. Vì thế, điều cần thiết lúc này là sự tỉnh táo của người tiêu dùng và trách nhiệm lên tiếng của các nghệ sĩ để đôi bên tránh những thiệt hại không đáng có.

Kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo

Cụ thể, Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa có văn bản số 338/VHCS-QCTT do bà Ninh Thị Thu Hương (Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở) ký, gửi đến Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); Đài phát thanh truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; Sở VH-TT-DL, Sở VH-TT các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ.

Theo văn bản này, trong thời gian qua, xuất hiện tình trạng một số quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản và niềm tin của người tiêu dùng.

Để kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các cơ quan, đơn vị kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm tương tự trên các phương tiện đảm bảo nội dung phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người trực tiếp nhận quảng cáo theo quy định tại khoản 1 điều 19 Luật Quảng cáo.

Những cơ quan, đơn vị trên cũng phải kiểm tra các điều kiện quảng cáo đã được quy định tại luật Quảng cáo, luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với hồ sơ quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm tương tự trước khi thực hiện quảng cáo.

Theo đề nghị của Cục này, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các tổ chức, cá nhân có liên quan về quy định đối với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; các cơ quan, đơn vị trên cần tăng cường thanh tra, kiểm tra; xác định hành vi vi phạm của chủ sở hữu sản phẩm quảng cáo, chủ phương tiện quảng cáo, chủ doanh nghiệp quảng cáo để phối hợp với cơ quan thanh tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực có liên quan xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.

Chấn chỉnh việc nghệ sĩ quảng cáo không đúng quy định

Để kiểm soát, chấn chỉnh việc nghệ sĩ quảng cáo không đúng quy định, làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng và niềm tin của người tiêu dùng, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đã có công văn gửi các hội Văn học - Nghệ thuật TP HCM.

Theo nội dung công văn, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đề nghị các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo qua việc cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật để đăng trên các trang thông tin điện tử, trang website của các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố để tuyên truyền cho các hội viên.

“Trong sinh hoạt nội bộ định kỳ đề nghị Ban chấp hành các hội lưu ý nhắc nhở hội viên khi tham gia hoạt động quảng cáo cần nâng cao tinh thần trách nhiệm tuyệt đối, không tham gia quảng cáo các sản phẩm chưa được phép lưu hành: hàng tiêu dùng, các sản phẩm thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm ngoại nhập, tiền ảo hay sử dụng ngôn ngữ hình ảnh không đúng với chất lượng sản phẩm... gây hiểu lầm cho người tiêu dùng”, công văn của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM nhấn mạnh.

Đặc biệt, cũng theo nội dung công văn, Phó trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Thọ Truyền ký, nêu rõ: "Thời gian qua trên các trang thông tin đại chúng và trang mạng xã hội có phản ánh về một số nghệ sĩ ở TP HCM có tham gia bằng nhiều hình thức như đăng bài viết, video clip trên mạng xã hội... trực tiếp giới thiệu quảng cáo về sản phẩm hiệu quả một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, tiền ảo… không đúng với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng sức khỏe tính mạng tài sản niềm tin của người tiêu dùng và hình ảnh của các nghệ sĩ".

Vì vậy, để tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo không đúng quy định, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đề nghị lãnh đạo các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của một số hội viên tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng với chất lượng sản phẩm, vận động hội viên không tham gia quảng cáo nếu nội dung quảng cáo sai lệch, không đúng chất lượng sản phẩm hàng hóa, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế. Khi lựa chọn mua và sử dụng bất kỳ sản phẩm nào người tiêu dùng cần xem rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, tổ chức/cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, quảng cáo sản phẩm và xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu quả khôn lường từ quảng cáo thực phẩm chức năng chưa được kiểm chứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO