Hệ lụy game

Đức Trân 04/06/2019 07:30

“Nghiện game”- cụm từ không còn mới trong xã hội hiện nay. Chúng ta không cảm thấy lạ lùng trước trường hợp những ông bố, bà mẹ đi “bắt” con cái về từ những quán game, hay những đứa trẻ bỏ nhà nhiều ngày để ăn uống, ngủ nghỉ tại những quán net.

Tuy nhiên, đã đến lúc cần có cái nhìn và những biện pháp cứng rắn hơn khi vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công nhận nghiện game là một loại bệnh tâm thần.

Hệ lụy game

Dấu hiệu nghiện game là “hành vi liên tục hoặc tái phát chơi game (game kỹ thuật số hoặc video game), có thể là online qua internet hoặc offline” nguồn: infogame.vn.

Nhiều tác hại từ game

Theo công bố của WHO, bệnh nghiện chơi game được đặt tên là “Gaming disorder”, liệt vào một dạng bệnh tâm thần, nằm chung với nghiện cờ bạc. Dấu hiệu nghiện game là “hành vi liên tục hoặc tái phát chơi game (game kỹ thuật số hoặc video game), có thể là online qua internet hoặc offline.” Những người này thường sẽ “chơi game không kiểm soát được, luôn tìm mọi cách để đặt ưu tiên chơi game lên hàng đầu, vượt quá so với các sở thích và hoạt động khác hàng ngày, tiếp tục và tăng cường chơi game bất chấp những hậu quả tiêu cực.”

Theo các chuyên gia, trẻ được xác định nghiện game hay mắc rối loạn chơi game khi có 3 dấu hiệu nhận biết sau: Khó điều khiển được bản thân khỏi game, ví dụ như chơi bất cứ ở đâu, địa điểm, chơi liên tục, chơi bất kể lúc nào. Coi trọng việc chơi game hơn tất cả những việc khác trong cuộc sống. Tiếp tục hoặc tăng dần hành vi chơi game bất chấp các hậu quả tiêu cực về cá nhân, gia đình, xã hội, học tập, làm việc cùng những lĩnh vực khác. Rối loạn chơi game có thể diễn ra liên tục hoặc theo từng giai đoạn. Các dấu hiệu phải kéo dài ít nhất 12 tháng. Nếu xuất hiện đầy đủ triệu chứng ở mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chẩn đoán sớm hơn.

Bên cạnh đó, việc chơi game online thường xuyên khiến người chơi phải tiếp xúc trực tiếp với màn hình máy tính hoặc điện thoại với ánh sáng yếu, phản quang sắc xanh liên tục trong nhiều giờ. Đây là nguyên nhân khiến cơ thể hạn chế tiết ra chất melatonin - một hoóc-môn quan trọng có tác dụng điều hòa chu kỳ sinh học của con người và tác động đến giấc ngủ vào ban đêm. Hậu quả dẫn đến tình trạng giấc ngủ ổn định, ngủ không sâu. Về lâu dài, điều này rất có hại với sức khỏe và não bộ. Nếu ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm, cơ thể rất dễ bị suy nhược, không tập trung. Đáng nói hơn, đây cũng là nguyên nhân khiến cơ thể bị suy giảm tế bào thần kinh, giảm trí nhớ dẫn đến làm tổn thương não bộ, đồng thời gây suy giảm hệ miễn dịch.

Nếu như một người dành nhiều đêm thức để chơi game, mặc kệ tất cả mọi việc xung quanh, bất chấp các việc cá nhân hay lao động, các chuyên gia khẳng định đó là người mắc hội chứng rối loạn tâm lý vì game. Nếu tình trạng này kéo dài 12 tháng, đó sẽ được coi là tình trạng “bệnh nghiện game”. Như vậy, 12 tháng là khoảng thời gian để kết luận và chuyển giao giữa 2 mức độ từ hội chứng lên bệnh lý.

TS. Trần Thị Mỹ Hạnh - giảng viên Trường ĐH Y tế công cộng, Trưởng nhóm nghiên cứu điều trị nghiện game online và trầm cảm cho hay: Nếu năm 2008, Việt Nam chỉ có khoảng 1,5 triệu người chơi game online thì đến năm 2011, con số này là 11 triệu người và hiện còn tăng hơn nhiều. Trong khi đó, theo Báo cáo Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (SAVY2) mới nhất, 38% trẻ vị thành niên dùng thời gian rảnh rỗi để chơi game. Ngoài ra, một nghiên cứu từ hơn 100 bệnh nhân trầm cảm của BV Tâm thần Trung ương 2 công bố mới đây cũng cho thấy, số bệnh nhân mắc nghiện game và trầm cảm ở độ tuổi từ 15 - 24 tuổi chiếm tới 35%...

Những sát thủ bước ra từ... quán net

Theo các chuyên gia y tế, chơi game online trong nhiều giờ có ảnh hưởng xấu đến hành vi xã hội của một cá nhân. Sự cô lập xã hội là hậu quả tức thời của việc chơi trò chơi liên tục và không ngừng. Những người chơi, đặc biệt là trẻ em có xu hướng dành ít thời gian với bạn bè. Điều này làm cho họ cách xa với những người khác, do đó trong thời gian dài sẽ làm suy giảm khả năng giao tiếp xã hội và phát triển một loại hội chứng “sợ đông người”. Trẻ em và thanh thiếu niên có thể phải đối mặt với sự nhầm lẫn giữa thực tế và hư cấu. Do việc nghiện trò chơi điện tử làm cản trở đời sống xã hội của họ, đồng thời phạm vi để hòa nhập với người khác và trải nghiệm thực tế cuộc sống cũng bị hạn chế. Hậu quả cuối cùng là người chơi tin rằng thế giới thực giống với thế giới ảo trong trò chơi, từ đó dẫn đến những cư xử và hành động giống như trong trò chơi. Thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này cũng như giải thích các động cơ của nhiều tội phạm nghiêm trọng, một số khác có thể chết vì kiệt sức do chơi liên tục trong nhiều giờ.

Hệ lụy game - 1

Chơi game online trong nhiều giờ có ảnh hưởng xấu đến hành vi xã hội của một cá nhân.

Thời gian qua, nhiều vụ việc đau lòng xuất phát từ nghiện game gây ra khiến dư luận bàng hoàng. Đơn cử như vào đầu tháng 2/2019 một kẻ nghiện game đã cứa cổ tài xế taxi tại khu vực sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) gây xôn xao dư luận. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Cảnh An (quê xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đã thừa nhận hành vi gây án. Nguyên nhân do An không có nghề nghiệp ổn định lại thường xuyên chơi điện tử trên mạng, không có tiền tiêu xài nên đã nảy sinh ý định cướp tài sản của lái xe taxi. Quá trình điều tra cho thấy gia đình An thuộc diện khá khó khăn, tuy vậy, An thường xuyên trộm cắp tiền của bố mẹ để “nướng” vào game online. Cho tới khi bị các chiến sĩ công an bắt, đối tượng này vẫn đang miệt mài chơi game tại một quán net ở Hòa Bình.

Các chuyên gia y tế đưa lời khuyên, những người đang dành quá nhiều thời gian chơi game online nên chơi một môn thể thao nào đó. Những trò chơi vận động không chỉ tốt cho sức khỏe mà có tác dụng giúp giảm cơn nghiện đối với những người nghiện game online. Đây được xem là hình thức cai nghiện khá ổn vì những người chơi game thường hay ngồi lì một chỗ nay lại được vận động, giải trí, giao tiếp với bạn bè và mọi người xung quanh.

Bên cạnh đó, việc xóa tất cả những phần mềm game có trong máy tính, điện thoại, đồng thời rời khỏi diễn đàn về game online trên các trang mạng xã hội cũng là cách giúp “những con nghiện” quên đi trò chơi trực tuyến. Phương pháp này cùng với việc chơi thể thao được xem như một một liệu pháp cơ bản để giảm thiểu tối đa việc chơi trò chơi trực tuyến.

Nghiện game là một loại bệnh tâm thần

Trong cuộc họp thường niên lần thứ 25 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thụy Sỹ diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, WHO đã nhất trí quan điểm coi chứng nghiện game là một bệnh lý chính thức được bổ sung vào danh mục 55.000 bệnh, các thương tích hoặc nguyên nhân gây tử vong, hay còn gọi là danh sách phân loại bệnh (ICD) được các bác sĩ, nhà nghiên cứu, công ty bảo hiểm sức khỏe sử dụng để tham khảo. Phiên bản ICD cập nhật này sẽ được trình bày tới các quốc gia thành viên tại Hội nghị Đại hội đồng Y tế thế giới hàng năm và sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2022. Dữ liệu và thông tin về nghiện game sẽ được bổ sung vào hồ sơ dành cho các chuyên gia và tổ chức thuộc lĩnh vực y tế trên toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ lụy game

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO