Hệ lụy khi bệnh tâm thần phân liệt tái phát

Nghĩa Toàn 22/03/2023 07:25

Tâm thần phân liệt là một bệnh lý tâm thần nặng, tương đối phổ biến. Đáng báo động hơn khi căn bệnh này thường gặp ở người trẻ - phần lớn trong độ tuổi 15-35.

Thăm khám bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia. Ảnh: BVCC.

Theo TS.BS Vũ Thy Cầm - Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng. Bệnh tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính. Tiên lượng nặng hơn so với các bệnh lý rối loạn tâm thần khác. Cho đến nay, bệnh vẫn chưa rõ căn nguyên rõ ràng.

Tâm thần phân liệt được biểu thị, xác định bởi những sai lệch trong suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc, ngôn ngữ, ý thức về bản thân và hành vi. Những biểu hiện phổ biến bao gồm: Ảo giác và hoang tưởng. Người bệnh mắc tâm thần phân liệt sẽ có các triệu chứng điển hình như: Tách dần khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong, học tập, làm việc sa sút, hành vi, ý nghĩ khó hiểu.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 24 triệu người mắc tâm thần phân liệt. Tại nước ta, số người mắc bệnh này chiếm khoảng 0,3-0,5% dân số.

Cũng theo BS Cầm, mặc dù đa số bệnh nhân tâm thần có thể điều trị ngoại trú, chỉ nằm viện trong giai đoạn cấp, thế nhưng một đặc trưng nguy hiểm của bệnh tâm thần phân liệt là khả năng tái phát của bệnh rất cao.

BSCKII Ngô Văn Tuất - Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia thông tin: Tâm thần phân liệt có nguy cơ tái phát cao, dao động từ 50 - 92% trên toàn cầu. Bệnh nhân có thể có 1 hoặc nhiều lần tái phát. Nguyên nhân bệnh tái phát thường liên quan tới việc không tuân thủ thuốc điều trị, dùng thuốc chất kích thức, sang chấn tâm lý…

Mới đây, Viện Sức khỏe tâm thần đã thông tin về trường hợp bệnh nhân N.V.H. (nam, 32 tuổi, Nam Định) đang điều trị tái phát tâm thần phân liệt. Theo người nhà, anh H. vốn khỏe mạnh, hiền lành, hướng nội, ít bạn bè và trong gia đình không ai có bệnh lý tâm thần mạn tính. Tuy nhiên, cách đây 2 năm, người nhà bắt đầu quan sát thấy anh H. chậm chạp, ít nói, mệt mỏi, ngại giao tiếp hơn ngay cả với anh em họ hàng, thường tránh các buổi liên hoan tụ tập. Người nhà nghĩ là anh H. bị trầm cảm, muốn đưa đi khám, tuy nhiên anh H. không đồng ý.

Tình trạng kéo dài khoảng 2 tháng, anh H. thỉnh thoảng cáu gắt vô lý, có lúc lại lẩm bẩm một mình không rõ nội dung. Trầm trọng hơn khi anh H. cho rằng người nhà đang theo dõi, giám sát mình, thậm chí âm mưu hại mình. Đến lúc này, gia đình buộc cưỡng chế đưa anh H. tới khám tại Viện Sức khỏe tâm thần và được chẩn đoán Tâm thần phân liệt.

Các bác sĩ tại Viện Sức khỏe tâm thần cho hay, bệnh nhân H. được điều trị kéo dài 25 ngày, đáp ứng điều trị, các triệu chứng hoang tưởng bị theo dõi, bị hại, ảo thanh giảm, cảm xúc hành vi… ổn định hơn. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân cho rằng mình đã khỏi bệnh, H. đã dừng tái khám và tự ý dừng thuốc khoảng 4 tháng.

Một thời gian sau, bệnh nhân gặp nhiều mâu thuẫn, căng thẳng trong công việc nên thường đi uống rượu. Sau đó, H. tái phát bệnh với biểu hiện như đợt đầu tiên. Thậm chí, bệnh nhân còn luôn nghe thấy tiếng nói trong đầu mình là kẻ kém cỏi, vô dụng…

BS Tuất nhấn mạnh: “Người mắc tâm thần phân liệt xảy ra tái phát, hậu quả thường rất nặng nề. Mỗi lần tái phát gây tổn thương dẫn tới teo não tiến triển. Hầu hết các bệnh nhân có nhiều lần tái phát, gây khó khăn làm việc, kết hôn, sinh con, sống một cách độc lập. Nguyên nhân của việc tái phát bệnh tâm thần phân liệt, qua các nghiên cứu cho thấy, đối tượng không tuân thủ dùng thuốc trong năm đầu, tỷ lệ tái phát khoảng 70%. Trong khi nếu tuân thủ dùng thuốc năm đầu, tỷ lệ tái phát khoảng 40%. Nếu tiếp tục tuân thủ thuốc sau 1 năm, tỷ lệ tái phát dưới 20%. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lạm dụng chất kích thích tăng nguy cơ tái phát bệnh và nhập viện điều trị. Các nghiên cứu dịch tễ cũng ghi nhận, 47% bệnh nhân tâm thần phân liệt có tình trạng lạm dụng chất kích thích khác nhau. Trong đó, 50% bệnh nhân tâm thần phân liệt có lạm dụng rượu và trên 70% lạm dụng nicotin”.

Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt nếu can thiệp muộn, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Nếu bệnh nhân tái phát nhiều lần dễ dẫn đến tổn thương não, thời gian điều trị kéo dài, khó điều trị, đáp ứng thuốc kém. Việc can thiệp muộn, bệnh nhân có nguy cơ tự sát, ngoài ra, trong giai đoạn cấp có thể hoang tưởng ảo giác, dễ kích động dẫn tới có hành vi gây tổn hại đến người xung quanh, do luôn nghĩ “mọi người hại mình” hoặc “nghe tiếng nói sai khiến trong đầu”…

9 dấu hiệu sớm khi bệnh tâm thần phân liệt tái phát, gồm: Thay đổi thói quen ngủ; thay đổi thói quen ăn uống; suy nghĩ kỳ quái, khó hiểu; mất năng lượng; cảm giác lo lắng, trầm cảm hoặc tức giận; giảm chú ý vệ sinh bản thân; xa cách, thu mình khỏi xã hội; mất hứng thú với những thứ từng được hưởng; ảo giác hay hoang tưởng. Do đó, các bác sĩ cảnh báo, cần nhận biết các dấu hiệu tái phát sớm để đưa bệnh nhân tới cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ lụy khi bệnh tâm thần phân liệt tái phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO