Hệ lụy từ khan hiếm nước sạch và ô nhiễm nguồn nước

NAM ANH 01/10/2021 14:36

Mới đây, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị bổ sung quy định về bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm, khiến hệ thống nước ngầm trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Hà An.

Con người cần nước và đặc biệt là nước sạch để duy trì thể trạng bình ổn. Tuy nhiên, với việc xâm hại môi trường một cách vô ý hay cố tình, chính con người là tác nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn nước đến mức báo động đỏ như hiện nay.

Và phụ nữ, trẻ em luôn là hai đối tượng chịu hậu quả nặng nề do ô nhiễm môi trường, nguồn nước gây ra. Theo đó, Asen, Flo và phèn là các chất thường có trong những nguồn nước chưa qua xử lý lọc. Tất cả các chất này nếu thâm nhập vào cơ thể người trong thời gian lâu dài, đặc biệt là thể trạng của trẻ em, sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến thần kinh, sắc tối da, các bệnh đường ruột, tim mạch hay dẫn đến ung thư.

Và theo thống kê của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), hiện có khoảng 17,2 triệu người Việt Nam, tương đương 21,5% dân số đang phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý.

Bình quân mỗi năm có tới 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Đồng thời hàng năm cũng có tới gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước. Mặt khác, so với chỉ tiêu 4.000m3/người/năm của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm của Việt Nam chỉ đạt 3.840m3.

Trong khi đó, theo đánh giá của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu rõ, có 30% người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nước sạch; ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên nước của người dân cũng chưa cao.

Mỗi ngày cả nước khai thác hàng triệu m3 nước ngầm cung cấp cho hơn 300 nhà máy nước chuyển thành nước sinh hoạt. Nhưng điều đáng lo ngại là nguồn nước ngầm đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm, từ việc bị xâm nhập mặn trên diện rộng đến ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng do việc khai thác tràn lan, thiếu quy hoạch và không có kế hoạch bảo vệ nguồn nước.

Ngoài ra tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long nguồn nước bị nhiễm asen rất lớn và khá phố biến, nhưng 21% dân số trong tại những nơi này vẫn phải sử dụng nguồn nước nhiễm chất này.

Cần luật hóa quy định an ninh tài nguyên nước

Trước thực trạng trên, mới đây, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị bổ sung quy định về bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Luật hóa quy định an ninh tài nguyên nước sẽ giúp quản lý sử dụng tài nguyên nước hiệu quả hơn.

Còn trước đó, tháng 10/2020, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chỉ ra 9 thách thức đối với an ninh nguồn nước hiện nay. Đó là: Thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm nguồn nước; nguồn nước phụ thuộc lớn vào nước ngoài; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận 4 nước sạch an toàn chưa cao; bảo vệ rừng, nguồn sinh thủy lưu vực sông; hiệu quả sử dụng nước thấp; vấn đề nguồn lực.

Và dù an ninh nguồn nước đang gặp nhiều thách thức song trong nội dung của Luật không có giải thích từ ngữ, các nguyên tắc, quy định nào đề cập đến bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Các vấn đề kiểm soát chất lượng nguồn nước, chế tài xử lý tổng thể các vấn đề trong việc cấp nước sinh hoạt nguồn nước… mới chỉ được điều chỉnh bằng các Nghị định và Thông tư.

Vấn đề an ninh nguồn nước quốc gia mới chỉ được nhắc tới gần nhất là tháng 8/2021 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ Đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia. Dự thảo đề án đã đề xuất các giải pháp về tăng cường hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách, cơ chế tài chính ngành nước và thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình để nâng cao khả năng bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Chính bởi thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung 1 Chương về bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia trong dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi) tới đây.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm cụ thể hóa việc quản lý nước từ “nguồn” tới “vòi” để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, bảo vệ nguồn nước, giảm tối đa sự phụ thuộc vào nguồn nước nước ngoài và chủ động về nước trong mọi tình huống.

Các chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia sẽ được nghiên cứu gồm các cơ chế, chính sách liên quan điều hòa phân bổ tài nguyên nước trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng; điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước theo hiệu quả sử dụng nước; quy định các cơ chế tài chính liên quan đến việc huy động tham gia điều tiết, cấp nước cho các mục đích sử dụng của các hồ chứa trên các lưu vực.

Việc đưa quy định an ninh tài nguyên nước quốc gia vào Luật sẽ giúp Nhà nước quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước. Nhà nước chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, thúc đẩy việc sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao mức bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia. Tạo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong quản lý, điều hành các nhiệm vụ liên quan đến quản lý tài nguyên nước.

Quy định này cũng sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn đối với sản phẩm nước cấp, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng khác nhau, giúp giảm giá thành nguyên liệu đầu vào, góp phần tăng giá trị cạnh tranh cho sản phẩm.

Người dân cũng được bảo đảm về an ninh tài nguyên nước cho sinh hoạt, được hưởng lợi, cuộc sống và mùa màng sẽ giảm được thiệt hại khi có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các địa phương trong quản lý tài nguyên nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ lụy từ khan hiếm nước sạch và ô nhiễm nguồn nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO