Hệ lụy từ việc chậm xử lý sai phạm tại dự án BOT Yên Khánh

Hồng Lĩnh – Sơn Bình 26/01/2021 07:41

Mặc dù năng lực về tài chính lẫn thi công đều yếu kém, nhưng doanh nghiệp của Út “trọc” vẫn được chỉ định thực hiện dự án hơn 1.500 tỷ đồng.

Dự án đương nối cao tốc TP HCM – Trung Lương ngừng thi công hoàn toàn. Ảnh: Hồng Lĩnh.

Dự án xây dựng đoạn tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM – Trung Lương theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) làm nhà đầu tư (giai đoạn 1) mà Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Mặc dù năng lực về tài chính lẫn thi công đều yếu kém, nhưng doanh nghiệp của Út “trọc” vẫn được chỉ định thực hiện dự án hơn 1.500 tỷ đồng.

Làm trái văn bản của Chính phủ

Ngày 27/4/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký văn bản đồng ý về nguyên tắc cho UBND TP HCM thực hiện dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM – Trung Lương (giai đoạn 1) theo hình thức BOT. Việc đầu tư phải đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, phù hợp với quy định tại Nghị định của Chính phủ số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015.

Ngày 4/5/2015, UBND TP HCM có công văn chấp thuận cho Công ty Yên Khánh là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM – Trung Lương (đường nối Cao tốc TP HCM – Trung Lương) theo hình thức BOT và giao cho Sở GTVT TP HCM tổ chức, thẩm định trình duyệt báo cáo khả thi dự án.

Để nhanh chóng triển khai dự án theo đúng tiến độ, UBND TP HCM ủy quyền cho ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM chịu trách nhiệm phê duyệt các thủ tục trong quá trình chỉ định nhà đầu tư theo đúng quy định. Sau đó, Sở GTVT TP HCM thành lập tổ thẩm định và phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư và chỉ định thầu do ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM làm tổ trưởng (ông Cường hiện đang giữ chức Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM).

Ngày 25/9/2015, ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 4 ký văn bản trình Sở GTVT TP HCM về phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư.

Ngày 15/10/2015, ông Bùi Xuân Cường ký quyết định duyệt hồ sơ dự án đầu tư xây dựng đường nối cao tốc TP HCM - Trung Lương theo hình thức BOT cho Công ty Yên Khánh thực hiện.

Ngày 23/10/2015, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP HCM ký quyết định phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng đường nối cao tốc TP HCM - Trung Lương theo hình thức BOT, giao cho Sở GTVT chịu trách nhiệm báo cáo kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo đúng qui định; đồng thời phối hợp với nhà đầu tư được chỉ định hoàn chỉnh dự thảo, đàm phán hợp đồng BOT dự án phải đảm bảo tuân thủ theo qui định hiện hành.

Hiện ông Tín đã bị TAND TP HCM vào cuối năm 2019 tuyên phạt 7 năm tù trong vụ án sai phạm giao đất cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 do Vũ “nhôm” làm Chủ tịch HĐQT.

Ngày 25/6/2016, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM đại diện UBND TP HCM ký kết hợp đồng BOT với chủ đầu tư dự án Công ty Yên Khánh. Theo đó, dự án thực hiện xây dựng dài 2,7 km, bao gồm xây dựng đường đô thị với 2 nút giao hai đầu tuyến và 2 cầu đường bộ trên tuyến. Thời gian thực hiện từ năm 2015 đến năm 2017. Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 1.557.518 triệu đồng. Nhà đầu tư tự thu xếp nguồn vốn đầu tư hợp pháp để thực hiện dự án theo hình thực hợp đồng BOT, thời gian thi công dự kiến 20 tháng kể từ ngày khởi công công trình. Thời gian thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư công trình dự án khoảng 17 năm 8 tháng.

Thế nhưng, theo quy định của Chính phủ, với dự án đến 1.500 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng số vốn đầu tư. Trong khi đó, Công ty Yên Khánh có vốn chủ sở hữu chưa đến 15%, nhưng vẫn được phê duyệt làm nhà đầu tư dự án. Như vậy, Sở GTVT TP HCM được ủy quyền làm chủ đầu tư dự án đã cùng với Công ty Yên Khánh làm trái quy định của Chính phủ.

Bao giờ xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả?

Tính đến thời điểm này, nhà đầu tư đã được bàn giao 82% mặt bằng. Tuy nhiên, sản lượng xây lắp chỉ đạt khoảng 140 tỷ đồng/ 1.143,6 tỷ đồng (chi phí xây lắp và chi phí thiết bị), tương đương 12%.

Kết quả kiểm tra tại công trường ngày 10/9/2019, gồm Sở GTVT; UBND huyện Bình Chánh, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Bình Chánh; Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình Giao thông thành phố; Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP HCM cho thấy công trình đã ngưng thi công hoàn toàn, không có thiết bị máy móc, nhân công tại công trường. Đến tháng 1/2021, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đi khảo sát tại công trường, thì dự án này vẫn đang hoàn toàn ngừng thi công.

Ngày 17/11/2020, Công ty Yên Khánh có văn bản gửi Sở GTVT TP HCM báo cáo về việc thu xếp nguồn vốn, đã được ngân hàng cấp tín dụng hợp đồng tín dụng 1.438 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Công ty Yên Khánh 230.750 triệu đồng (14.82%). Liên quan đến việc huy động vốn vay, liên danh nhà đầu tư đã và đang tiến hành các cuộc đàm phán với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt để tiếp tục tài trợ, cấp tín dụng cho dự án. Tuy nhiên, đến nay phía Công ty Yên Khánh vẫn chưa đưa ra được giải pháp, và công trình vẫn “đắp chiếu”.

Tại phiên tòa xét xử vụ án sai phạm tại cao tốc TP HCM – Trung Lương cuối tháng 12/2020, bị cáo Định Ngọc Hệ (Út “trọc”) cho biết, sau khi bị khởi tố bị cáo mới biết Công ty Yên Khánh lỗ lũy kế 2 năm liên tiếp (2013 – 2014).

Ngày 2/10/2020, Sở GTVT TP HCM đã chủ trì cuộc họp về ra soát tình hình khắc phục các nội dung Công ty Yên Khánh vi phạm hợp đồng BOT đã ký. Công ty Yên Khánh xác nhận chưa thể cung cấp các văn bản thỏa thuận, cam kết và pháp lý liên quan đến chứng minh nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay đảm bảo thực hiện hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật, trong khi thời hạn khắc phục các nội dung vi phạm hợp đồng BOT dự án đương nối cao tốc TP HCM – Trung Lương đã hết từ ngày 6/7/2020.

Ngày 3/12/2020, Văn phòng UBND TP HCM có văn bản truyền đạt ý kiến của ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, giao cho Sở Tư pháp chủ trì, khẩn trương phối hợp với các sở, nghành đơn vị liên quan ra soát quy định pháp luật, các nội dung hợp đồng BOT đã ký kết, tham mưu, đề xuất UBND TP HCM các thủ tục tiếp nhận dự án; chấm dứt hợp đồng BOT đã ký trước thời hạn hoặc có phương án xử lý theo quy định trước ngày 12/12/2020.

Thế nhưng, đến nay vẫn chưa biết bao giờ các sai phạm được xử lý và dự án xây dựng công trình giao thông trọng điểm này hết cảnh “đắp chiếu”, trong khi vấn nạn ùn tắc giao thông cửa ngõ ra vào TP HCM ngày càng nghiêm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ lụy từ việc chậm xử lý sai phạm tại dự án BOT Yên Khánh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO