Theo bà Nguyễn Lan Hương, hệ thống Mặt trận thể hiện rõ vai trò là chỗ dựa, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, kết nối được niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền.
Chiều ngày 29/9, tại Hà Nội, Hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chính thức khai mạc.
Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu tham dự để đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa hai bên trong thời gian qua và đề xuất một số trọng tâm phối hợp công tác thời gian tới.
Góp ý vào báo cáo, bà Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho rằng, trong thời gian qua, sự phối hợp giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày càng thực chất, hiệu quả với nhiều hoạt động ý nghĩa, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, chúng ta đã triển khai được rất nhiều nội dung và nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, có 3 ấn tượng lớn. Đó là chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tạo được khí thế cho sự phát triển. Công tác bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp cũng được tổ chức thành công. Ngày bầu cử thật sự là ngày hội của toàn dân.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tính đến thời điểm này, Hà Nội cùng với cả nước đã và đang kiểm soát, có những tín hiệu đáng mừng, đặc biệt ở đợt dịch lần thứ 4 này.
“Từ những ấn tượng đó chúng tôi cũng cảm nhận được trách nhiệm của Chính phủ và trách nhiệm của Mặt trận các cấp trong việc thực hiện mối quan hệ phối hợp hành động. Cụ thể, đối với Chính phủ, với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và của Chính phủ thì việc phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đã được đảm bảo. Đặc biệt, tư tưởng coi nhân dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể thực hiện đã được khẳng định trong thời gian vừa qua”, bà Lan Hương khẳng định.
Đặc biệt, trong các sự kiện chính trị của đất nước, của Đảng, của dân tộc cũng như trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính như lời hiệu triệu toàn dân, chạm đến trái tim nhân dân và nhân dân đã thể hiện sự tin tưởng, tham gia thực hiện có trách nhiệm với những lời kêu gọi đó.
Việc làm này còn được thể hiện bằng hành động quyết liệt, mạnh mẽ, phong cách đổi mới của người đứng đầu Chính phủ, của Chính phủ cũng đã đem lại niềm tin cho nhân dân. Bên cạnh đó, tinh thần cầu thị và lắng nghe ý kiến của nhân dân thông qua MTTQ và các đoàn thể đã được thể hiện rất rõ.
Chính phủ cũng đã quán triệt và tăng cường công tác dân vận khéo đối với hệ thống chính quyền các cấp, từ cải cách hành chính, từ sự gương mẫu của cán bộ công chức, viên chức, từ sự đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công tác… phương thức dân vận khéo được thực hiện bằng chính hành động của những người lãnh đạo, những người đứng đầu và đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức.
Đó là 3 dấu ấn mà Chính phủ và chính quyền các cấp thể hiện rất rõ trong thời gian vừa qua.
Theo bà Nguyễn Lan Hương, đối với hệ thống Mặt trận, cũng thể hiện rõ vai trò là chỗ dựa, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, kết nối được niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền. Đặc biệt ở cấp cơ sở vai trò kết nối này được thể hiện thông qua tuyên truyền, vận động nhân dân để hiểu, để tin, để ủng hộ và thực hiện có trách nhiệm những nhiệm vụ mà những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã kêu gọi.
Việc tổ chức các phong trào thi đua và các cuộc vận động gắn với nhiệm vụ chính trị đột xuất và thường xuyên của từng địa phương, đơn vị mà nhỏ nhất là tổ dân phố cho đến phường, xã, thị trấn rồi đến quận, huyện, thành phố thì phong trào thi đua, cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, hướng vào việc chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân.
Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc chăm lo công tác an sinh xã hội là một trong những thế mạnh, là phương thức hoạt động và Mặt trận khẳng định được vị thế của mình, phát huy được vai trò đại đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái của cộng đồng dân cư.
Với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhân dân đã tích cực chia sẻ, hỗ trợ, tham gia chốt tự quản vùng xanh, tham gia tuyên truyền, vận động cũng như làm rất nhiều công việc để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu có thể hoàn thành công việc của mình.
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cũng đã kết nối, huy động các nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ mua vaccine trên 1.000 tỷ đồng và hàng ngàn tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ cho người dân trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội hoặc là khu vực khó khăn…