Hiến kế phục hồi phát triển kinh tế sau dịch

H.Vũ 28/09/2021 06:47

Ngày 27/9, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế-xã hội. Nhiều giải pháp để phục hồi phát triển kinh tế sau dịch đã được các chuyên gia kinh tế nêu lên.

Sớm xây dựng kịch bản phục hồi, phát triển kinh tế

Báo cáo tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, những kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong những tháng đầu năm 2021 còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra từ đầu năm, song cũng có những nét tích cực. Ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, CPI bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 1,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn, hệ lụy nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19.

Do đó theo bà Minh, cần ưu tiên tiếp tục phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, cùng với đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine. Sớm xây dựng và thực hiện chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19. Trong đó, lưu ý 3 giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế: Giai đoạn 1 đến quý I/2022 tập trung vào ưu tiên phòng, chống dịch Covid-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô để hỗ trợ cho doanh nghiệp trụ vững qua thời kỳ khó khăn đồng thời duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 2 là đến hết năm 2023. Theo đó sau khi kiểm soát dịch Covid-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp. Còn giai đoạn 3 là sau năm 2023 sẽ bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, điều quan trọng nhất hiện nay để phục hồi kinh tế chính là chuyển đổi mô hình chống dịch như thế nào. Theo đó, chúng ta không thể phong tỏa “cứng” nhiều tỉnh, thành trong cả nước thời gian dài như vừa qua, gây đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội.

Đưa dẫn chứng nhiều địa phương không cho chợ truyền thống, chợ đầu mối, chợ dân sinh hoạt động mà chỉ cho siêu thị hoạt động ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, điều này sẽ “đánh” vào người nghèo. Khoảng 29,3 triệu người không có việc làm, thu nhập không có hoặc giảm rất sâu nhưng chợ truyền thống giá rẻ không tiếp cận được mà phải mua hàng qua siêu thị với chi phí cao hơn. Vì vậy nếu chuyển đổi mô hình chống dịch, theo ông Dũng, cần mở cửa chợ truyền thống, chợ đầu mối trước vì hàng triệu người phụ thuộc vào hoạt động của các chợ này.

Gói hỗ trợ lớn hơn, dài hơn

PGS. TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính cho rằng, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân đang thấp hơn so với nhu cầu thực tế và cần tăng cường gói hỗ trợ.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, cần chuẩn bị cho gói hỗ trợ lớn hơn, dài hơn và cần sự quyết liệt trong quá trình thực thi để phục hồi nền kinh tế. Bởi chính sách dù tốt đến mấy nhưng thực thi không quyết liệt thì cũng không đem lại nhiều hiệu quả.

Theo ông Thành, gói hỗ trợ lần này phải đủ lớn, đủ mạnh để phục hồi và vượt khó, bắt nhịp với xu hướng thế giới trong tiêu dùng, lối sống, gắn với cuộc cách mạng công nghệ.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng dịch bệnh còn có thể kéo dài, các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng cần tính đến tác động lâu dài, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa y tế và kinh tế-xã hội. Trong đó, cần nhấn mạnh y tế là trụ cột, khoa học công nghệ là then chốt, kinh tế là nền tảng, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên.

Theo Chủ tịch Quốc hội, huy động nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, tiết kiệm và có hiệu quả; tính đến trước mắt và lâu dài. Kiên định bảo vệ sức khỏe người dân cả về thể chất và tinh thần. Cần tranh thủ tối đa việc thích ứng để làm động lực hoàn thiện thể chế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm, chuyển đổi mạnh sang số hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiến kế phục hồi phát triển kinh tế sau dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO