Hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội

Thuý Hằng (lược ghi) 22/02/2023 07:00

“Nguồn vốn tín dụng cũng là “bà đỡ” cho người mua nhà, người mua nhà chính là nhân tố tạo dòng tiền, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp bất động sản, nên hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà là hỗ trợ cho thị trường bất động sản phục hồi” – ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Châu.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) thời gian qua?

Ông Lê Hoàng Châu: Nguồn vốn tín dụng là “bà đỡ” của DN BĐS, nhất là sau khi DN đã bỏ nguồn vốn lớn để tạo lập quỹ đất dự án, bởi vậy rất cần được vay vốn tín dụng để đầu tư xây dựng các công trình đến thời điểm đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Đồng thời, nguồn vốn tín dụng cũng là “bà đỡ” cho người mua nhà và người mua nhà chính là nhân tố tạo dòng tiền, tạo thanh khoản cho DN BĐS, nên hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà là hỗ trợ cho thị trường BĐS phục hồi.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết dư nợ tín dụng BĐS đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 24,27% so với cuối năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân 14,17% của nền kinh tế và chiếm 21,2% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Nhưng, NHNN chi nhánh TPHCM cho biết tổng dư nợ tín dụng năm 2022 trên địa bàn khoảng 3,2 triệu tỷ đồng, trong đó tín dụng BĐS chiếm khoảng 28% tương đương 896.000 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 16% (thấp hơn rất nhiều so với bình quân cả nước 24,27%), cao hơn không nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung của thành phố là 13,8%. Trong đó có đến 70% là tín dụng tiêu dùng BĐS tương đương 627.200 tỷ đồng của cá nhân, hộ gia đình vay để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà. Như vậy, nguồn vốn tín dụng cho DN BĐS chỉ chiếm 30% tương đương 268.800 tỷ đồng, trong lúc lĩnh vực BĐS đóng góp khoảng 11% GDP, có nghĩa là các DN BĐS vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Hiệp hội nhận thấy, vào quý III/2022 đã xuất hiện tình trạng các DN, trong đó có DN BĐS và người mua nhà ngày càng khó vay vốn tín dụng tại các ngân hàng thương mại, nhiều hợp đồng tín dụng bị ngưng giải ngân giữa chừng gây khó khăn rất lớn cho người vay, nên Hiệp hội và nhiều chuyên gia đã đề nghị nới “room” tín dụng năm 2022 thêm 1-2%, mà tốt nhất là nới “room” vào đầu quý IV/2022. Nhưng rất tiếc là NHNN xem xét quá cẩn thận nên phản ứng chính sách còn chậm.

Vậy theo ông, cần giải pháp nào để gỡ khó về vốn?

- Tôi đề nghị Chính phủ và NHNN xem xét cho phép “nới tiêu chí” nhưng không phải là “hạ chuẩn tín dụng” để DN BĐS được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn, giữ nguyên nhóm nợ, được “khoanh nợ xấu” đối với một số khoản nợ “nhóm 2, nhóm 3” để có thể được vay vốn tín dụng mới đối với dự án BĐS có đầy đủ pháp lý, có tài sản bảo đảm, có tính khả thi, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả lãi, trả nợ gốc.

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung điểm c và điểm d khoản 5 Điều 1 Thông tư số 08/2020/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 16 Thông tư số 22/2019/TT-NHNN) giãn “lộ trình” quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa 34% nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung dài hạn đến hết ngày 31/12/2024 và về mức 30% kể từ ngày 1/1/2025 để có thêm nguồn vốn cho vay.

Sau cuộc họp bàn giải pháp giải cứu thị trường BĐS, đã có thông tin về gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng dành cho người mua nhà, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, ông đánh giá thế nào về gói này?

- Tôi hoan nghênh và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm chấp thuận đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng để tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại được NHNN chỉ định để cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi để hiện thực hóa mục tiêu phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO